Mới đây, Chính phủ Mỹ đã thu hồi giấy phép xuất khẩu của nhiều công ty Mỹ – một động thái chủ yếu nhằm ngăn các công ty này chuyển chip cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.
Washington đồng thời buộc công ty mẹ ByteDance phải bán tài sản ở Mỹ của TikTok trong vòng 270 ngày nếu không muốn ứng dụng này bị cấm hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ.
Lá bài “an ninh quốc gia” trong cuộc cạnh tranh công nghệ
Mỹ luôn giải thích các động thái trên như điều cần làm vì an ninh quốc gia, mặc dù Trung Quốc xem đây là một “lá bài” trong cuộc cạnh tranh công nghệ.
Huawei là công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các quy định của Mỹ và đã bị đưa vào danh sách đen từ năm 2019 do lo ngại về nguy cơ gián điệp. Việc thu hồi giấy phép xuất khẩu cho các nhà cung cấp của Huawei diễn ra ngay sau khi tập đoàn này tung ra thị trường chiếc laptop đầu tiên tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên MateBook X Pro – sử dụng chip mới nhất Core Ultra 9 của công ty Mỹ Intel.
Trước đó, để bán hàng cho Huawei, các công ty ở Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt. Các loại giấy phép này từng được cấp từ thời cựu tổng thống Donald Trump năm 2020. Nhờ đó, Intel có thể cung cấp cho Huawei bộ xử lý trung tâm để dùng cho các sản phẩm mới, trong khi Qualcomm bán chip 4G cũ cho thiết bị cầm tay cho Huawei.
Nhưng việc Huawei ra mắt laptop với chip mới bất chấp xu hướng hạn chế Huawei đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Họ nghi ngờ Bộ Thương mại Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Intel bán chip cho Huawei.
Các nhà phê bình cho rằng những giấy phép như trên đã góp phần hồi sinh Huawei. Công ty của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi bắt đầu gây sốc thế giới vào tháng 8 năm ngoái khi ra mắt điện thoại thông minh trang bị chip do SMIC của Trung Quốc sản xuất, bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với cả hai công ty.
Đối với TikTok, cuộc chiến pháp lý bắt đầu sau khi Tổng thống Joe Biden ký luật buộc TikTok bán tài sản ở Mỹ. Các chính trị gia Mỹ không ít lần lo ngại về khả năng TikTok có liên hệ với chính quyền Trung Quốc.
Cao trào xuất hiện khi TikTok kiện chính phủ liên bang, cho rằng luật mới vi phạm tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận, vì nó sẽ loại bỏ một nền tảng mà hàng triệu người Mỹ sử dụng để chia sẻ quan điểm và giao tiếp.
Vụ kiện dự kiến sẽ đi đến tận Tòa án tối cao. Mấu chốt vấn đề hiện nay nằm giữa mối lo ngại an ninh quốc gia và lập luận của TikTok rằng việc buộc bán hoặc cấm sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm trong năm bầu cử, khi Tổng thống Biden và các nhà lập pháp phải đối mặt với phản ứng tiềm tàng từ người dùng ứng dụng phổ biến này.
Từ Huawei sang ByteDance (TikTok), có thể thấy Chính phủ Mỹ đang duy trì lập trường cứng rắn về mối đe dọa an ninh quốc gia từ các ứng dụng liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, việc Mỹ ban hành luật làm khó TikTok được cho là đã làm suy yếu vị thế của nước này với tư cách là nước ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc thị trường tự do. Đó cũng là lý do mà TikTok mang tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ vào cuộc.
Một nửa sự thật
Ngoài tranh chấp pháp lý, TikTok thực tế đang phải vật lộn để tồn tại ở Mỹ. ByteDance lập luận rằng việc bán TikTok tại Mỹ là “không thể thực hiện được về mặt thương mại, công nghệ và pháp lý”, đặc biệt trong khoảng thời gian 270 ngày theo quy định. Một phần lý lẽ của TikTok dựa trên việc đây là ứng dụng toàn cầu, với nội dung có thể truy cập xuyên biên giới.
Phát biểu tại sự kiện FTWeekend ngày 4-5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định “TikTok chuyển sang quyền sở hữu của Mỹ là điều hợp lý”, dù không làm rõ sự hợp lý này, đặc biệt khi nhìn vào số liệu.
Ngoài các ứng dụng Trung Quốc tập trung vào thị trường nội địa như WeChat của Tencent, TikTok là ứng dụng duy nhất không phải của Mỹ có hơn 1 tỉ người dùng trên toàn cầu. Quan trọng hơn, Tiktok đã đạt 1 tỉ người dùng vào năm 2021, tức 4 năm sau khi ra mắt toàn cầu, chỉ bằng một nửa thời gian so với Facebook, YouTube hoặc Instagram.
Điều này khiến các chuyên gia từ lâu đã nhận định rằng sự nổi lên của TikTok so với các ứng dụng như Facebook, Google và YouTube được coi là mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ.
Nhìn lại năm 2019, Huawei bị Mỹ cấm vận với tư cách là hãng điện thoại bán chạy nhất thế giới. Ngoài ra, thiết bị viễn thông của hãng này như mạng 5G cũng giành được sự chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, qua đó khiến ảnh hưởng của Mỹ suy giảm.
Bước ngoặt từ vụ TikTok?
Bất chấp sự vắng mặt của một số ứng dụng lớn của Mỹ như Google và Facebook tại thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đưa ra khung pháp lý để quản lý cách các công ty Internet nước ngoài có thể hoạt động ở đại lục và tạo điều kiện cho các công ty Mỹ khác như Microsoft.
Ngược lại, hai lựa chọn khả dĩ nhất dành cho ByteDance theo luật mà Tổng thống Biden đã ký là bán mình hoặc rời khỏi thị trường Mỹ.
Nếu xu hướng này tiếp tục, trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty hoặc ứng dụng Trung Quốc gặp thách thức ở Mỹ. Trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, IBM và Intel có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc.
Cuộc chiến pháp lý sắp tới giữa ByteDance, Huawei và Chính phủ Mỹ hứa hẹn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của hai công ty lớn này tại một trong những thị trường then chốt, đồng thời đặt ra những câu hỏi lớn về ranh giới giữa an ninh quốc gia và quyền tự do ngôn luận trong kỷ nguyên số.