Các trường Việt Nam đến Đài Loan hợp tác đào tạo ngành bán dẫn

GS Hoàng Tuấn Kiệt – trưởng khoa kỹ thuật điện Trường đại học Đại Diệp – giới thiệu về khu nghiên cứu chất bán dẫn cho các trường từ Việt Nam – Ảnh: HÀ BÌNH

Bên cạnh hợp tác đào tạo, các trường từ TP.HCM cũng tham quan tìm hiểu quá trình vận hành, tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bán dẫn tại Đài Loan.

Tiếp cận chương trình tiên tiến

Nhận thấy nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn sẽ “bùng nổ” trong tương lai, tháng 5-2024 lãnh đạo Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM đến Đài Loan tìm hiểu việc hợp tác cũng như học bổng cho sinh viên Việt Nam.

“Khi đó, chúng tôi gặp gỡ 32 trường đại học ở Đài Loan để tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn” – ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng nhà trường, nói.

Sau thời gian đàm phán, Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM đi đến ký kết hợp tác đào tạo với Trường đại học Đại Diệp.

“Trong nội dung hợp tác, hai bên công nhận chương trình lẫn nhau để sinh viên trường chúng tôi có thể liên thông tại Trường đại học Đại Diệp.

Việc hợp tác đi vào ba hướng chính là Trường đại học Đại Diệp hỗ trợ trường chúng tôi xây dựng chương trình cao đẳng ngành bán dẫn.

Hỗ trợ sinh viên, học sinh và giáo viên nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ chuyên môn để trường thành lập khoa tiếng Trung” – ông Nguyễn Đăng Lý nói thêm.

Các trường Việt Nam đến Đài Loan hợp tác đào tạo ngành bán dẫn - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thinh – giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM (bìa trái), và ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM (thứ hai từ trái), ký kết hợp tác đào tạo ngành bán dẫn với Trường đại học Đại Diệp – Ảnh: HÀ BÌNH

Trong khi đó, đến Đài Loan lần này, ThS Khê Văn Mạnh, hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, mang theo những kỳ vọng lớn.

Theo ông Mạnh, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật đào tạo 24 ngành, trong đó có cơ điện tử. Ngành này dự kiến được TP.HCM đầu tư khoảng 250 tỉ đồng giai đoạn 2026-2030, để phát triển ngành trọng điểm chất lượng cao.

“Sinh viên cơ điện tử có kiến thức rất tốt về điện tử, robot nên rất gần với ngành vi mạch bán dẫn.

Đến Đài Loan, chúng tôi học hỏi kinh nghiệm đào tạo ngành bán dẫn. Giảng viên ngành cơ điện tử của trường tôi cũng mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Qua chuyến đi, chúng tôi tìm hiểu việc trao đổi giữa sinh viên với giảng viên để có thể tiếp cận chương trình tiên tiến trong bán dẫn.

Cuối cùng, tôi tìm cơ hội học bổng, ưu đãi, thực tập có lương tại Đài Loan cho sinh viên, để các em phát triển nghề nghiệp” – ông Khê Văn Mạnh bày tỏ.

Các trường Việt Nam đến Đài Loan hợp tác đào tạo ngành bán dẫn - Ảnh 3.

Sinh viên Trường đại học Đại Diệp trong khu vực nghiên cứu về công nghệ bán dẫn – Ảnh: HÀ BÌNH

Tương tự, TS Nguyễn Quang Tiệp – chủ tịch hội đồng quản trị, Trường trung cấp Khôi Việt – đến Đài Loan với tâm thế học hỏi kế hoạch, cơ sở vật chất, nhân sự, tài chính đào tạo nhân sự ngành bán dẫn.

“Sau chuyến đi Đài Loan, chúng tôi sẽ tiến hành thăm dò nhu cầu nhân lực công nghệ bán dẫn ở các doanh nghiệp. Căn cứ nhu cầu này, chúng tôi tiến tới mở ngành đào tạo ngành này để phục vụ nhu cầu nhân lực cho xã hội” – ông Tiệp nói.

TS Phan Hoàng Dũng – hiệu trưởng Trường trung cấp Bách Nghệ TP.HCM – cũng nhấn mạnh: “Ngành bán dẫn trong tương lai rất cần. Chúng tôi nghiên cứu phối hợp với các trường Đài Loan đào tạo ngành bán dẫn”…

Nhiều ưu đãi cho sinh viên

Tại lễ ký kết, ông Hàn Kế Tuy – chủ tịch hội đồng quản trị Trường đại học Đại Diệp – cho biết trường có “nguồn kinh phí dồi dào để đầu tư cho đào tạo, đặc biệt là các ngành kỹ thuật cao”. “Trường chúng tôi xuất phát điểm là trường công nghệ, nên có bề dày đào tạo lĩnh vực này.

Phương châm của chúng tôi là chăm sóc cho sinh viên tốt, sinh viên có nơi ở thoải mái, cơ sở vật chất đầy đủ mới học tốt được. Chúng tôi đủ khả năng để hợp tác và đảm bảo chất lượng hợp tác với các trường Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn” – ông Hàn Kế Tuy cho hay.

Các trường Việt Nam đến Đài Loan hợp tác đào tạo ngành bán dẫn   - Ảnh 4.

Các trường từ Việt Nam và Đài Loan tại lễ ký kết hợp tác đào tạo ngành bán dẫn – Ảnh: HÀ BÌNH

Bà Lưu Tố Diệu – đại diện ngành giáo dục Đài Loan – cho biết bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là những ngành đào tạo nổi bật của các trường đại học ở Đài Loan.

“Chúng tôi mong muốn được đồng hành, phát triển ngành bán dẫn cho sinh viên Việt Nam. Chúng tôi cũng có nhiều học bổng, ưu đãi cho sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam đến học tại Đài Loan.

Chúng tôi chào đón sinh viên Việt Nam đến Đài Loan học tập. Sinh viên Việt Nam có số lượng rất đông tại Đài Loan. Các bạn có ưu điểm là học tập tốt, chăm chỉ và thích ứng nhanh với môi trường, đời sống Đài Loan” – bà Diệu nói thêm.

Cũng tại chương trình, các trường của Đài Loan như Đại học Minh Tân, Đại học Công Sơn, Đại học Chin – Yi cũng giới thiệu chương trình INTENSE của ngành giáo dục Đài Loan đang triển khai tại các trường này.

Theo đó, chương trình sẽ tập trung đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, chip… Đài Loan sẽ chi trả toàn bộ học phí, doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên 10.000 Đài tệ mỗi tháng (khoảng 7,7 triệu đồng), còn trường đại học sẽ phối hợp đào tạo theo đặt hàng. Thời gian đào tạo trong 2 năm.

Du học sinh sau khi kết thúc chương trình sẽ làm việc tối thiểu 2 năm cho doanh nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ. Sau đó sinh viên có thể chọn làm tiếp tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam.

Các trường Việt Nam đến Đài Loan hợp tác đào tạo ngành bán dẫn - Ảnh 5.

ThS Khê Văn Mạnh – hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM – trao đổi với các trường Đài Loan về hợp tác ngành bán dẫn – Ảnh: HÀ BÌNH

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại lễ ký kết hợp tác đào tạo với các trường ở Đài Loan, ông Lê Văn Thinh – giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM – thông tin hiện nay TP.HCM tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Đài Loan có thế mạnh về công nghệ bán dẫn. Do đó chúng tôi mong muốn tìm hiểu, tham quan các trường, doanh nghiệp để giúp sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận, học tập ngành học chất lượng cao này.

Thông qua việc ký kết hợp tác, bàn thảo, các trường hai bên sẽ hướng đến việc tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến học tập, nâng cao trình độ để phát triển nghề nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài ra, tôi cũng đặt vấn đề để hai bên tổ chức các hội thảo, có những chương trình để nâng cao năng lực cho giảng viên chuyên ngành bán dẫn” – ông Lê Văn Thinh nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *