Tại lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 của Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM sáng 5-9, phát biểu của PGS.TS Vũ Hải Quân (giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game được rất nhiều người đồng tình.
Bạn đọc Anh Vũ đề nghị: “Tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng ra quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại ở mọi cấp học trên địa bàn TP.HCM”.
Theo thăm dò của Tuổi Trẻ Online, có đến 74,2% bạn đọc biểu quyết: “Nên cấm tuyệt đối”, 25,8% bạn đọc ý kiến “Chỉ cấm một phần”.
Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Trần Thị Phương:
Cấm học sinh sử dụng điện thoại không đơn giản
Trong các buổi khai giảng và tư vấn tuyển sinh tại các trường học năm nay, một loạt câu hỏi tương tự từ phía phụ huynh liên tục được đặt ra: “Nhà trường có kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại di động không? Học sinh có được phép mang điện thoại đến trường không?”.
Những câu hỏi này phản ánh sự lo lắng của cha mẹ về việc con cái có thể bị nghiện điện thoại, dẫn đến ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập và sức khỏe, đặc biệt là thị lực.
Rõ ràng vấn đề quản lý điện thoại di động trong nhà trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh.
Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo thông tư 32/2020 ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Điều này có nghĩa nguyên tắc chung là học sinh không được phép mang điện thoại vào lớp và quy định này được nhiều giáo viên cùng phụ huynh ủng hộ.
Nhưng vấn đề đặt ra với các bạn “thứ ba học trò” này là chuyện cấm không hề đơn giản: từ cách giấu điện thoại cho đến việc sử dụng thiết bị công nghệ mà không bị phát hiện, đã trở thành thử thách khó lường cho nhiều giáo viên và cả nhà trường.
Làm việc trong mảng giáo dục và tư vấn du học nhiều năm, tôi có cơ hội tiếp xúc và song hành với nhiều gia đình, xin đưa ra một số vấn đề mà các bậc cha mẹ thường quan tâm và cách học trò “nghịch ngợm” đối phó với quy định.
Phụ huynh bất lực, kỳ vọng vào giáo viên?
Một phụ huynh nhiều lần nghẹn ngào kể: “Để không ảnh hưởng đến việc học, ba mẹ cho con cái điện thoại di động với chức năng đơn giản nghe gọi, mà đâu có ngờ bạn cùng lớp đã cho bé mượn chiếc điện thoại thông minh cũ, nên bé chơi game, lướt mạng xã hội chat chit cả đêm.
Thế là tôi tắt WiFi, rồi con lại đăng nhập được Internet nhà hàng xóm, hôm sau tôi nhờ hàng xóm đổi mật khẩu nhưng con bé vẫn ra ban công để truy cập mạng net từ quán cà phê… Tôi thực sự bất lực rồi!”.
Tương tự, ba của học sinh học trường quốc tế cũng kể khổ: “Có lần con tôi lén mua hàng trên mạng, bị giám thị tịch thu hai cái điện thoại di động. Tưởng lần này con sẽ sợ nhưng không ngờ nó xin bà nội 10 triệu để mua điện thoại khác. Tôi không đồng ý, ngày hôm sau nó bỏ ăn, đòi bỏ nhà đi, rồi hù chuyện sống chết làm áp lực người lớn”.
Cần rèn luyện cho học sinh tính tự chủ
Trách nhiệm của gia đình và nhà trường là giới thiệu công nghệ, giúp học sinh hình thành kỹ năng tự quản lý, sử dụng các thiết bị điện tử một cách có trách nhiệm và khôn ngoan. Đây chính là bước đệm quan trọng để các em hòa nhập và gặt hái thành công trong tương lai.
Thay vì cấm đoán hoàn toàn, chương trình giáo dục có thể tập trung vào việc hướng dẫn học sinh cách sử dụng công nghệ hợp lý, cân đối giữa thời gian học tập, giải trí và nghỉ ngơi.
Nhà trường tích hợp bài học về quản lý thời gian, giới hạn việc sử dụng thiết bị điện tử trong các môn học như kỹ năng sống, giúp các em dần hình thành thói quen tự giác, biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Hơn nữa không thể bỏ qua vai trò của sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Phụ huynh cần đồng hành với giáo viên trong việc giám sát và định hướng cho con em cách sử dụng công nghệ hiệu quả.
Sự nhất quán giữa xã hội, nhà trường và cha mẹ sẽ tạo nên môi trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng sống cần thiết cho tương lai.