Sáng 6-9, Nguyễn Thuận Thảo (44 tuổi, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã giật vé số trên tay bà D. đang chống gậy mưu sinh trên đường Y Jút, phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột.
Khi Thảo phóng xe đi, bà cụ 62 tuổi cố kéo giữ xấp vé số nên đã té nhào.
Thảo đã bị bắt sau một ngày gây án.
Nhiều vụ cướp giật của người bán vé số
Vụ việc một lần nữa cho thấy cần có các giải pháp răn đe, ngăn ngừa hữu hiệu tội phạm cướp giật nhắm vào người già nói riêng và nhóm người yếu thế nói chung.
Cũng tại TP Buôn Ma Thuột cách đây 5 tháng, bà Nguyễn Thị C. (ngụ phường Tân Tiến) đi bán vé số ở phường Thống Nhất. Khi đến hẻm 185 Phan Bội Châu, một thanh niên dừng lại ngỏ ý cho bà đi nhờ xe.
Do gần về đến nhà nên bà từ chối. Thanh niên chạy đi một đoạn rồi quay lại, hỏi mua vé số. Khi bà vừa chìa ra, người này giật cả xấp vé số trên tay bà bỏ chạy.
Vụ việc khác: Kết thúc phiên tòa tháng 8-2016, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt bị cáo Lê Hữu Thuận (sinh năm 1979) 9 tháng tù về tội “cướp giật tài sản” của ông N.V.T. – một người cụt tứ chi ngồi trên xe lăn bán vé số.
Tháng 10-2023, TAND TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phạt bị cáo Mai Văn T. (sinh năm 1967) phạm tội “cướp giật tài sản” 3 năm tù.
Trước đó khoảng 7h ngày 24-4-2023, T. tiếp cận bà Nguyễn Thị N. (trên 70 tuổi, sức khỏe yếu) với mục đích chiếm đoạt vé số. Theo bản án, bà N. bị tổn thất nặng về tinh thần, sức khỏe do tuổi cao.
Cũng trong năm 2023, TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Văn T. (sinh năm 1980) về hành vi phạm tội cướp vé số của bà Huỳnh Thị T.. Bị cáo bị kết tội “cướp giật tài sản” với án phạt 3 năm 6 tháng tù.
Nạn nhân trong các vụ việc trên có đủ mọi tình trạng, hoàn cảnh khó khăn khác nhau như già yếu, không tự đi lại được, phải ngồi xe lăn, chống nạng, mù lòa…
Giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra trong thời gian qua như tăng cường tuần tra, đặc biệt tại các khu vực vắng vẻ; tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức người dân về phòng chống tội phạm như luôn cảnh giác những đối tượng lạ mặt khi đi một mình hoặc mang theo nhiều tiền, tài sản…
Tuy nhiên các vụ cướp mà nạn nhân là nhóm yếu thế trong xã hội vẫn tiếp diễn.
Hình phạt chưa đủ răn đe?
Điểm qua các vụ án đã được đưa ra xét xử, chúng ta thấy có nhiều điểm chung.
Bị hại đều là đối tượng yếu thế trong xã hội vì đây là mục tiêu được tội phạm xác định từ trước. Điểm chung thứ hai là hành vi xảo quyệt khi lợi dụng lòng tin của nạn nhân để phạm tội.
Điểm chung thứ ba, thiệt hại vật chất, giá trị tài sản tước đoạt không cao. Có thể điều này dẫn đến điểm chung thứ tư là các bản án chưa đủ răn đe đối với đối tượng vi phạm pháp luật?
Một tờ vé số giá 10.000 đồng, phải bán 100 tờ mới kiếm được 100.000 đồng. Đi khắp hang cùng ngõ hẹp, mời chào từ sáng tới trưa, nhiều người có khi chỉ bán được vài chục tờ.
Thậm chí nhiều người khi phải ra đường bán vé số còn không có vốn, phải vay tiền góp làm vốn như trường hợp bà cụ Nguyễn Thị C. bị cướp tại TP Buôn Ma Thuột đã đề cập ở trên.
Bà cho biết mình bị mắc chứng bệnh lupus ban đỏ từ lâu, sức khỏe suy yếu, đi lại khó khăn. Vừa đi bán vé số nuôi bản thân, bà còn phải chăm sóc người anh trai bị tai biến.
Nhóm yếu thế vốn rất cần sự tương trợ của cộng đồng. Các vụ cướp giật nhắm mục tiêu vào người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em đặt ra nhiều vấn đề liên quan mưu cầu đảm bảo an ninh cho đời sống.
Tuy thiệt hại về tài sản không nhiều nhưng nó gây ra các hậu quả nghiêm trọng trực tiếp đối với nạn nhân, bao gồm tổn thương về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Bảo vệ người yếu thế là cần thiết. Có thể thấy tuy là “cướp giật vặt” nhưng hành vi này cố nhắm vào người yếu thế, người sống bằng nghề bán vé số, người già, khuyết tật thì càng đáng lên án gấp bội.
Vì thế, một trong các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa là cần sớm xem xét hành vi phạm tội nhắm vào nhóm yếu thế trong xã hội như một yếu tố, tình tiết tăng nặng đối với tội “cướp giật tài sản”.