Ai cũng dễ mắc phải stress trong cuộc sống nên stress thường bị coi nhẹ mà không biết nó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Stress quá độ và thường xuyên lặp lại nếu không được can thiệp có thể dẫn tới một số biến chứng như bệnh tim mạch, tiêu hóa, thần kinh.
Stress từ phản ứng bình thường đến khủng hoảng trầm trọng
Là CEO của một doanh nghiêp mới phát triển nên anh N.V.H. (35 tuổi, ngụ tại Hà Nội) thường xuyên căng thẳng, đau đầu.
Gần đây, trong lúc công ty gặp biến cố lớn anh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng quằn quại vì đau đớn, chân tay co quắp, mặt trắng bệch, bất tỉnh… Khi vào viện anh được đặt trong tình trạng cấp cứu nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn bình thường.
Tình trạng như của anh H. không phải là hiếm ở các khoa, trung tâm cấp cứu trên cả nước và ngày càng gia tăng.
Thực chất họ không bị bệnh, mà chỉ bị những cơn stress cấp tính nhưng có biểu hiện bên ngoài giống như người bị bệnh trầm trọng: bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc có nhiều cơn đau nhức khắp cơ thể gây nhầm lẫn sang thủng dạ dày, chảy máu não, nghi ung thư….
Bệnh nhân gặp cơn stress cấp tính rất đa dạng, từ lứa tuổi trẻ (18 – 25), phụ nữ tuổi mãn kinh và các doanh nhân thành đạt.
Điều khó khăn cho các bác sĩ là không thể giúp gì được cho bệnh nhân, thường chuyển bệnh nhân sang khoa sức khỏe tâm thần hoặc khuyên người nhà cho về để nghỉ ngơi, nhưng họ thường không tin, không nghe theo.
TS Dương Minh Tâm – trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng, buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với tình huống đang đe dọa.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai, khẳng định stress là một phần của cuộc sống hiện đại, không thể tránh được.
Stress được chia thành 2 loại là stress cấp tính và stress mạn tính. Stress cấp tính là những stress đột ngột diễn ra khi trải qua những tình huống như mất người thân, thi trượt, công việc quá tải đột xuất, công ty thua lỗ, phá sản, tiếp xúc với tiếng ồn quá mức, tình huống không kiểm soát mệt mỏi, bệnh tật, phải phẫu thuật.
Khi đó người bệnh bị rối loạn tâm thần, đau đớn, vật vã, có thể la hét, khóc… tùy theo mức độ có thể xảy ra trong thời gian ngắn một vài giờ đến một vài ngày.
Stress cấp tính thường được ví như “một thảm họa bất ngờ”, tác động vào tế bào thần kinh dẫn tới phá vỡ cấu trúc của con người, gây ra những rối loạn về hệ thần kinh trung ương (hành vi, suy nghĩ, trí nhớ), rối loạn hệ thần kinh thực vật (nhịp tim đập mạnh, thở tăng, đi cầu không được, đi tiểu lắt nhắt…).
Tuy nhiên, khi bị stress cấp tính người ta sẽ dễ vượt qua nếu có người bên cạnh cảm thông, chia sẻ. Còn stress mãn tính thường diễn ra ở cấp độ thấp hơn, căng thẳng ở mức độ thấp nhưng trong thời gian dài. Nếu đang bị stress mạn tính cộng thêm cơn stress cấp tính thì tình trạng rất nặng nề.
Các chuyên gia cảnh báo stress nhẹ, thoáng qua rồi hết nhưng nếu tình trạng stress kéo dài sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, người cảm thấy chán nản rồi đổ bệnh…
Đặc biệt, ở giai đoạn cấp tính báo động, các hoạt động tâm lý được tăng cường, các chức năng sinh lý của cơ thể, đặc biệt hệ giao cảm tăng hoạt động, làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và tăng trương lực cơ, bệnh nhân có thể bị chết trong giai đoạn này nếu yếu tố gây stress quá mạnh, quá phức tạp.
Nếu vượt qua được, các phản ứng ban đầu chuyển sang giai đoạn thích nghi, bệnh nhân có thể phục hồi hoặc rơi vào kiệt quệ.
Ngoài ra, stress còn gây ra tình trạng tiêu hóa kém; đau dạ dày, tiêu chảy; ảnh hưởng xấu trên da như: nổi mụn, ngứa, nổi mẩn. Những người bị stress có thể mắc những sai lầm trong cuộc sống cũng như trong lúc làm việc.
Thích nghi để stress giúp làm việc hiệu quả hơn
BS Nguyễn Xuân Tuấn – giảng viên Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia), cảnh báo rằng con người dễ mắc phải stress trong cuộc sống, nhưng thường bị coi nhẹ và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng… Tốt nhất, cần biết thích nghi để stress giúp làm việc hiệu quả hơn.
Bác sĩ Tuấn phân tích stress có thể được định nghĩa là bất kỳ loại thay đổi nào gây ra căng thẳng về thể chất, cảm xúc hoặc tâm lý. Stress là phản ứng của cơ thể bạn đối với bất cứ điều gì đòi hỏi sự chú ý hoặc hành động.
Mọi người đều trải qua stress ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, cách bạn phản ứng với stress ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn. Đôi khi cách tốt nhất để kiểm soát stress là thay đổi tình trạng của bạn.
Hiểu rõ về cách căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần là rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là phải nhận ra sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng như thế nào.
– Thể chất: Cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, đau tức ngực, khó thở, buồn nôn và nôn…
– Tinh thần: Sa sút trí nhớ, buồn bã, không vui vẻ, không tập trung được trong công việc, học tập, lú lẫn, thiếu quyết đoán…
– Hành vi: Khóc lóc, ăn uống bất thường, hấp tấp, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, hút thuốc, nghiện ngập…
– Cảm xúc: Căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, thất vọng, dễ nóng tính, bực tức, thường xuyên khó chịu…
PGS Tuấn nhấn mạnh, bác sĩ cấp cứu không thể giúp người bệnh vượt qua cơn strees cấp tính, mà chính là người nhà bệnh nhân, bác sĩ tâm lý, tâm thần và đặc biệt là chính bản thân bệnh nhân phải biết vượt qua.
Khi bị stress bệnh nhân cần được giúp vượt qua và ngăn chặn nó, tránh để nó tái phát và gây các bệnh nguy hiểm. Thông thường, điều trị là dùng tâm lý liệu pháp để giúp người bệnh thể hiện cảm xúc, hiểu và giải quyết đúng vấn đề.
Thuốc chủ yếu chỉ dùng trong thời gian ngắn để tránh nguy cơ phụ thuộc. Song điều quan trọng nhất, là ngăn chặn nó từ trước.
Để phòng tránh stress nói chung và stress cấp tính nói riêng, mỗi người cần xây dựng cho mình lối sống vui vẻ, thoải mái, lao động và nghỉ ngơi hợp lý; tránh áp lực quá nặng về tâm lý, công việc, nhất là phải biết “quẳng gánh lo đi và vui sống”.
Cách ứng phó và phòng ngừa stress hiệu quả
– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ
– Sắp xếp công việc, học tập hợp lý có xen kẽ với nghỉ ngơi
– Duy trì mối quan hệ tốt đẹp
– Đặt mục tiêu thực tế
– Ngủ đủ giấc
– Luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe
– Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia
– Thư giãn: nghe nhạc, xem phim, đọc sách