Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc, giá mua tăng khiến nhiều người đổ xô đầu tư vào cây sầu riêng. Nhiều người giàu lên nhờ trồng sầu riêng, nhưng cũng không ít người phải bán vườn vì không “theo” nổi.
Đầu tháng 7, cuối vụ sầu riêng nên con đường tráng nhựa dọc theo cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) thưa vắng xe cộ. Hai bên đường, nhiều nhà mới xây, có cả những biệt thự sang trọng của các chủ vườn sầu riêng. Tôi được một người dân chỉ: căn nhà sang trọng nhất, có mặt sớm nhất trên cù lao là nhà của “tỉ phú sầu riêng” Dương Văn Đây.
Ông Đây năm nay 68 tuổi, trồng sầu riêng trên cù lao Ngũ Hiệp đã 30 năm. Nhờ cây sầu riêng, ông cất được căn nhà bề thế giá hơn tỉ bạc vào năm 2010. Cũng như nhiều người khác, gia đình ông Đây đến cù lao trồng nhiều loại cây rồi mới thử trồng sầu riêng.
“Ban đầu, tôi trồng giống sầu riêng khổ qua, một cây giống đổi ngang một giạ lúa (20kg), trồng thử cho biết. Rồi thấy trái sầu riêng bán có giá nên người ta rủ nhau trồng. Mãi đến năm 1990 tôi mới thật sự chú trọng việc trồng sầu riêng”, ông Đây kể.
Vườn của ông Đây có những gốc sầu riêng to vòng tay người ôm không hết. Ông cho biết đó là những cây sầu riêng đời đầu giúp ông tạo nên cơ nghiệp hôm nay. Ông Đây bắt đầu trồng sầu riêng với 3.000m2 đất, rồi gom tiền bán sầu riêng mỗi mùa mua thêm. Đến nay, vườn sầu riêng của ông Đây rộng 2,7ha. Vụ sầu riêng năm 2024, vườn của ông hái được 35 tấn trái sầu riêng, thu 3,5 tỉ đồng.
“Tỉ phú sầu riêng” Dương Văn Đây bên gốc cây sầu riêng 30 tuổi ở cù lao Ngũ Hiệp – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nhưng bám trụ được với loại cây khó tính như sầu riêng không dễ. Trong 15 năm qua, ông cũng như hàng ngàn người dân trồng sầu riêng khác tại miền Tây phải trải qua 3 đợt hạn mặn: đợt năm 2015, 2016, năm 2020 và đợt cuối cùng là năm 2023 – 2024.
Đợt hạn mặn năm 2020, ông Đây phải mua nước ngọt bơm vào mương vườn để cứu sầu riêng, đợt hạn năm ngoái cũng áp dụng cách này nên đỡ thiệt hại. Quanh vườn có đường bê tông để vận chuyển trái sầu riêng sau khi thu hoạch. Ông Đây dự tính mua xe điện để chở sầu riêng từ vườn ra lộ lớn.
Cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền đem cây sầu riêng về vùng đất lũ xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) trồng thì ai cũng cản bởi ý tưởng viễn vông. Đến năm 2024, vườn sầu riêng hơn 6.000m2 với 53 gốc của bà Huyền cho trái vụ đầu tiên đã bán được 600 triệu đồng.
“Năm đầu, tôi vừa xuống giống sầu riêng thì gặp mùa nước nổi, tôi thuê thợ xây tường bao chắn nước tốn 200 triệu đồng. Tôi phải lên mạng, tìm về các vườn sầu riêng lâu năm để học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây những giai đoạn quan trọng”, bà Huyền nói.
Người dân vùng chuyên canh cây sầu riêng ở Tiền Giang nói vui rằng vùng này đi vài chục mét là gặp một tỉ phú. Vùng này giờ tìm triệu phú đô la (nhờ sầu riêng) cũng có. Chúng tôi chưa được gặp triệu phú đô la sầu riêng nhưng vùng nào có những người trồng sầu riêng lâu năm thì nhà cửa khang trang, xe hơi đậu trước cửa.
Cây sầu riêng vốn “đỏng đảnh, khó chiều” nên trồng sầu riêng đòi hỏi phải có vốn đầu tư lâu dài, có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, những vùng đất không thuận lợi càng tốn chi phí hơn. Không ít người phải ngậm ngùi bỏ cuộc giữa chừng vì không lường trước những khó khăn khi dính vào loại trái cây vua nhiều lợi nhuận này.
Ông Nguyễn Văn Sang (42 tuổi) chuyển 6 công đất ở huyện Cai Lậy (phía bắc quốc lộ 1) từ trồng lúa sang trồng sầu riêng từ 3 năm trước. “Trước đây trồng lúa chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/năm. Thấy những vườn sầu riêng có vài công đất nhưng người ta kiếm bạc tỉ tôi ham quá nên quyết định đổ vốn để theo”, ông Sang kể.
Nhưng sau 3 năm chăm sóc hơn 100 gốc sầu riêng, ông Sang kham không nổi. Vốn liếng tích cóp đổ hết vô đầu tư cây giống, phân thuốc, công cán. Chi phí sinh hoạt của gia đình không có nguồn thu nhập thường xuyên nào để trang trải.
Nhiều lần ông Sang có ý định “buông tay”, bán hoặc cho thuê vườn lấy vốn tìm kế khác làm ăn. Nhưng nhìn về vườn sầu riêng, ông vẫn cố lạc quan khi tính toán: 3 năm nữa sẽ có thu, nếu năng suất khoảng 1 tấn trái/công, giá 100.000 đồng/kg thì chỉ cần một năm thu hoạch đã đủ vốn. Mỗi năm sau có thể thu lợi từ 300 đến 400 triệu đồng, vẫn là quá tốt so với trồng lúa.
Chuyện của ông Nguyễn Đình Linh (huyện Cai Lậy) bi đát hơn. Ông dốc hết vốn liếng đầu tư 3 công sầu riêng mấy năm trước, nay ông phải rao cho thuê vườn. Mấy năm chăm sóc sầu riêng, chi phí bỏ ra ngày càng lớn, không có hoa lợi nên gia đình ông phải chi tiêu tằn tiện, chắt bóp. Giờ chịu hết nổi, ông lại không muốn bán vườn nên quyết định cho thuê, lấy ít tiền làm vốn buôn bán.
Vườn sầu riêng có 55 gốc đã được 4 năm, chuẩn bị ra trái chiến (trái mùa đầu), ông Linh rao cho thuê 1,2 tỉ đồng trong 12 năm nhưng không ai chịu giá. Gần đây, ông hạ giá còn 950 triệu đồng, người thuê đưa trước 500 triệu đồng, phần còn lại trả sau 3 năm mà vẫn chưa tìm được ai thuê vườn.
Trong đợt sốt giá sầu riêng hơn 2 năm trước, bà Nguyễn Thị Châu Em (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) dốc hết tiền của, vay mượn để đầu tư lên mô đất trồng sầu riêng trên đám ruộng 5.000m2 với mong muốn đổi đời. Qua 2 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của bà vẫn còi cọc, cháy lá.
Không có nhiều vốn, lại không am hiểu kỹ thuật, sau hơn 2 năm cầm cự, bà Châu Em quyết định bán đất trả nợ. “Có mấy người vô xem nhưng họ chê sầu riêng không tốt, phải đầu tư lại tốn kém nên họ ép giá quá. Tôi kẹt tiền lắm mới bán chứ không thì tôi cũng ráng đeo, giờ giá sầu riêng hiện cao nhất trong các loại nông sản ở đây”, bà Em nói.
Bà Huyền giữa vườn sầu riêng xanh mát trên đất lũ xã Phú Nhuận (Cai Lậy, Tiền Giang) – Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Trồng sầu riêng theo phong trào đã được nhiều cơ quan chức năng và các nhà khoa học cảnh báo. Trong một hội thảo khoa học về sầu riêng tại huyện Cái Bè năm 2023, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên trưởng khoa nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), nói thẳng: vùng đất trũng phèn như ở Tân Phước (Tiền Giang) chỉ phù hợp các loại cây như khóm, nếu trồng sầu riêng thì sẽ tốn rất nhiều chi phí cải tạo đất, không có lợi nhuận.
Hoặc những vùng có nguy cơ bị ngập lụt như Đồng Tháp Mười, nếu không có đê bao thì cũng không phù hợp trồng sầu riêng. Ngay cả những vùng có cống ngăn mặn nhưng nếu không chủ động được nguồn nước tưới thì vào mùa khô sẽ bị xì phèn, không tốt cho cây sầu riêng.
Đến nay, những cảnh báo ấy đã thành hiện thực. Nhiều vườn sầu riêng trong các khu vực đất ngập lụt, đất phèn, không hợp thổ nhưỡng bị còi cọc, không phát triển, bị nhiều loại sâu bệnh mặc dù chủ vườn đã bỏ ra chi phí lớn để làm đất, mua phân, giống, thuốc chăm sóc cây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, hiện có khoảng 5.600ha sầu riêng bị cháy lá nằm ở huyện Cai Lậy và Cái Bè.■
Đầu tháng 6-2024, ông Phạm Văn Tuấn, chủ trang trại sầu riêng Sport Farm ở Gia Lai, gọi điện khoe: một phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Úc vừa ghé khảo sát trang trại của ông. “Kết thúc cuộc khảo sát, họ nói “very good” khiến tôi vô cùng hạnh phúc…” – ông kể. Nhưng câu chuyện của ông chứa nhiều ưu tư của một nỗi sầu chung giữa người theo đuổi loại trái cây đặc biệt này.
Thật ra, hạnh phúc của ông Tuấn không chỉ là lời khen từ phái đoàn Bộ Nông nghiệp Úc, mà còn từ việc các đại lý thu mua sầu riêng đồng ý mua sầu của ông cao hơn các vườn khác 5 giá (tức 85.000 đồng/kg, trong khi thị trường 80.000 đồng/kg). Nhưng ông chủ vườn cho rằng như thế vẫn chưa xứng với những gì ông đã đầu tư vào vườn sầu riêng của mình.
Ông Phạm Văn Tuấn sinh ra ở Pleiku, Gia Lai. Thời trẻ, ông là cầu thủ khoác áo đội tuyển bóng đá Gia Lai. Hết thời đá bóng, ông đi học ĐH TDTT, về công tác tại Sở Thể dục thể thao Gia Lai, rồi dần dà được bổ nhiệm vị trí giám đốc.
Chính trong thời kỳ làm giám đốc sở, ông đã giao đội bóng tỉnh nhà cho bầu Đức – một quyết định từng khiến ông “lên bờ xuống ruộng” vì thời ấy, mang đội bóng của Nhà nước giao cho tư nhân là chuyện chưa hề có. Nhưng rồi ông vẫn hoạn lộ thênh thang, được điều về Hà Nội ngồi ghế tổng cục phó Tổng cục Thể dục thể thao, có lúc còn ngồi luôn cả ghế phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Sau đó, ông xin rút lui để chuyển sang Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt Nam. Câu chuyện ngày trước với ông xoay quanh quả bóng, nhưng trong vòng gần 10 năm nay, chủ đề chuyển sang hẳn quả sầu.
* Tại sao có sự thay đổi từ quả bóng sang quả sầu riêng?
– Vào đầu thập niên 1990, đất nông nghiệp ở Gia Lai cho không cũng không ai muốn lấy. Nhưng lúc ấy tôi đã nghĩ đến chuyện khi mình về hưu thì sẽ tập trung làm nông nghiệp, nên đã xin và được cấp 15ha ở huyện Chư Pah, Gia Lai. Hồi ấy chỉ trồng mỗi một thứ là cây cà phê.
Ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, việc đầu tiên tôi làm là đi một vòng khắp nước, nói chính xác là đi đến những vùng nổi tiếng về nông nghiệp nhằm tìm kiếm một thứ gì đó thay thế cây cà phê, vốn quá phập phù. Tôi nhận ra chỉ có cây sầu riêng là hấp dẫn nhất, dù lúc ấy giá của nó chỉ 40.000 đồng/kg thu mua tại vườn.
Tôi xuống tận nhà ông Sáu Ri ở Chợ Lách (Bến Tre) – cha đẻ của giống sầu riêng Ri 6 nổi tiếng, rồi ông Chín Hóa… Đi lang thang tìm hiểu mới phát hiện nhiều chuyện vui vui, ví dụ giống sầu riêng của ông Chín Hóa giờ đi lang bạt thành là Chín Quá và được giải thích là giống này phải để chín quá ăn mới ngon.
Việc thụ phấn giúp cây sầu riêng ra trái hiệu quả hơn thường được thực hiện lúc 18h đến 21h – Ảnh: TUẤN HỒ
Sau khi tìm hiểu và học hỏi, tôi về, quyết định chặt bỏ cây cà phê, năm 2019 chính thức xuống giống trồng 11ha sầu riêng. Nghĩ mình xuất thân là dân thể thao, giờ đắm đuối đi làm nông nên để kết hợp cả hai thứ quan trọng trong cuộc đời, tôi đặt tên trang trại sầu riêng của mình là Sport Farm.
* Mê là một chuyện, nhưng trang bị kiến thức để thực hiện đam mê mới khó. Ông có thể kể chi tiết hơn về sự học để theo quả sầu riêng của mình?
-Tôi may mắn là trong mấy chục năm làm thể thao đã có được rất nhiều bạn bè, trong đó có nhiều người thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi tìm đến để học. Nghe ai có gì hay tôi cũng tìm đến thọ giáo.
Ví dụ tôi có một ông bạn từng là một nhân vật tiếng tăm trong làng kinh doanh nước giải khát – anh Đặng Ngọc Cẩn, người giờ cũng nổi tiếng trong nông nghiệp với Công ty Lavifood. Nghe mọi người kháo nhau ở quận 12, TPHCM có một anh đầu tư hàng triệu đô la để nhập thiết bị từ Đức về nhằm nghiên cứu vi sinh vật phục vụ nông nghiệp, tôi cũng mò tới.
Với chế phẩm sinh học IMO 4 chứa các lợi khuẩn bản địa tôi cũng đi học hỏi và biết có nhiều cách làm khác tinh vi hơn, chẳng hạn gốc của chế phẩm này chỉ có đường mật mía, cám gạo, sữa chua, men rượu, men tiêu hóa, đu đủ chín, chuối chín… nay còn thêm cả trứng gà, cá… Chế phẩm này dùng để tưới cho cây trước khi thu hoạch tầm 20 ngày thì quả sầu riêng sẽ thơm hơn, cơm ngon hơn…
*Cơn thèm sầu riêng của đất nước láng giềng có hơn 1,4 tỉ dân đã giúp các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam kiếm nhiều tiền từ sầu riêng. Nhưng phàm cái gì hấp dẫn quá thì kèm theo sốt, mà sốt thì thường là không tốt. Ông nghĩ sao?
-Không chỉ Thái, Mã và Việt đâu, còn có cả Campuchia nữa. Tôi có người bạn là sĩ quan cấp tướng ở Campuchia, cũng là quen nhau qua thể thao, nên đã đi qua bên ấy tìm hiểu, hiện nay ở Campuchia cũng trồng sầu riêng bạt ngàn.
Nhưng phải nói rằng trong cuộc đua sầu riêng, Việt Nam có nhiều lợi thế. Lợi thế đầu tiên là nhờ vị trí địa lý. Mùa sầu riêng của Thái Lan và Malaysia chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng, nhưng ở Việt Nam kéo dài đến 10 tháng. Đầu tiên là Bến Tre, Tiền Giang vào vụ chính thời điểm tháng 4 -5. Sau đó đến Long Khánh (Đồng Nai), Bình Phước, Đắk Nông. Tiếp tới là Gia Lai, Kon Tum, cuối cùng là Đắk Lắk. Mới đây còn thêm vùng Khánh Sơn, Cam Ranh, Khánh Hòa nữa.
Ưu thế thứ hai là người nông dân Việt Nam rất giỏi và cần cù. Cứ nhìn sang các sản phẩm nông nghiệp khác thì thấy. Lúa gạo của chúng ta từ chỗ thiếu ăn nay đã vươn lên số 1 thế giới. Cà phê của Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã chiếm thứ hạng cao.
Con tôm cũng thế, dù chúng ta có nhiều gờ cản không đáng có, nhưng con tôm xuất khẩu cũng nằm trong tốp 4 thế giới. Và sầu riêng tôi nghĩ cũng thế, nó càng khó tính thì càng có lợi cho người nông dân Việt Nam, vốn rất năng động, sáng tạo và chịu khó.
Nhưng vấn đề là người trồng sầu riêng nói riêng và giới làm nông nghiệp nói chung vẫn thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước. Hỗ trợ ở đây không phải là tiền bạc, cách trồng mà chính là chính sách, là sự bảo vệ những người làm đúng. Nói cách khác, muốn nông nghiệp Việt Nam ra biển, đừng để nông dân bơi một mình.
Tôi lấy ví dụ bên Thái Lan, người trồng sầu riêng khi đến mùa thu hoạch sẽ có người của nhà nước xuống lấy mẫu về kiểm nghiệm, sau đó giúp nhà nông làm các thủ tục để có giấy chứng nhận về nguồn gốc, về chất lượng, xuất xứ… Còn ở mình, vui thì cấp, buồn thì thôi. Bản thân tôi nộp hồ sơ hai năm rồi để xin cấp mã vùng trồng mà vẫn chưa có.
Một cây sầu riêng trong trang trại của ông Phạm Văn Tuấn – Ảnh: TUÂN HÔ
*Ông có thể nói chi tiết hơn?
-Tôi xem báo đài thấy Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi về dự lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ xuân 2024 vào ngày 12-6 tại Hải Dương đã nói một câu rất hay là “Bán hạt gạo không bao giờ giàu. Bán sự tử tế sẽ giàu”.
Từ ngày bắt tay vào làm nông trại sầu riêng, tôi cũng luôn tâm niệm như điều bộ trưởng nói. Đất của tôi cứ ba tháng là thuê công ty bên ngoài về kiểm nghiệm một lần về mọi chỉ số như độ pH, chỉ số vi khuẩn có lợi – có hại, về nguồn nước… Mỗi lần như thế tốn 1,2 triệu đồng.
Tôi hoàn toàn tự tin trái sầu của mình là sản phẩm sạch, có như thế thương lái mới trả cao hơn thị trường 5 giá, hay đoàn Bộ Nông nghiệp Úc sang khảo sát mới khen “very good” chứ.
Nhưng tôi làm sạch thì tôi sẽ lời ít, đó là điều chắc chắn. Nếu gặp rủi ro về thương trường, tôi cũng dính nặng hơn. Khi tiếp thương lái, tôi vẫn khoe và đưa giấy tờ ra chứng mình sản phẩm mình là sạch, là tử tế, nhưng họ đều cười và bảo cũng chỉ hơn 5 giá thôi chú ơi. Nên tôi rất mong báo chuyển cho bộ trưởng câu hỏi: Sự tử tế mà chỉ chênh 5 giá thì làm sao thuyết phục được người trồng, thưa bộ trưởng?
Và câu hỏi thứ hai, tôi cũng muốn nhờ báo chuyển cho bộ trưởng. Câu chuyện giống cây trồng là một vấn đề lớn. Người Thái tự hào có giống Muathong, người Mã tự hào với giống Musang King, bây giờ người Campuchia cũng đã có chiến lược xây dựng thương hiệu giống Kampot cho riêng mình. Còn người Việt trồng sầu riêng thì sao?
Chúng ta đắm đuối theo Muangthong, vài năm gần đây là Musang King. Trong khi đó chúng ta có giống Ri 6 rất độc đáo. Ri 6 trồng khó hơn, năng suất thấp hơn Muangthong, nhưng nó ngon và thơm hơn hẳn. Tại sao không đầu tư làm thật tốt về thương hiệu cho Ri 6 “made in Việt Nam”? Và nếu làm thì ai làm, người nông dân tự làm hay Nhà nước, thưa bộ trưởng?
Phần mình, tôi dù chỉ trồng 1/3 trang trại là giống Ri 6 (2/3 còn lại là Muangthong, cùng một ít giống khác như để làm phong phú cho trang trại như Musangking, Chín Hóa, Khổ Qua, Chuồng Bò…) nhưng cũng bị nhiều người mắng là… khùng. Không có một thương hiệu riêng cho mình là thua thiệt, mà thà là không có, đằng này có mà không biết làm quảng bá mới là đau.■
Sầu riêng bán đi xa phải cắt trái già. Trên cây sầu riêng cao chót vót, muốn biết trái nào già, phải nhờ đội thợ hái có kinh nghiệm. Trái sầu riêng có giá nên đội thợ hái cũng được trả công hậu hĩnh.
Thợ hái sầu riêng dùng cán dao gõ vào trái sầu riêng để phân biệt trái nào già thì cắt xuống. Công việc tưởng chừng dễ nhưng không phải ai cũng làm được.
Giữa trưa nắng như đổ lửa, anh Đặng Quốc Tấn (29 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn miệt mài leo từ nhánh này sang nhánh khác trên cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tiếng cán dao gõ đều đều 3, 4 nhịp, ngừng lại một chút rồi tiếng động mạnh khi trái sầu riêng vừa hái rơi xuống giỏ nhựa hứng trái phía dưới. Ném trái sầu riêng xong, anh Tấn lặp lại nhịp gõ cán dao trên trái khác, lắng nghe rồi cắt… Hái xong một cây, Tấn xuống đất nghỉ vài phút rồi leo lên cây khác để tiếp tục hái.
Một thợ hái sầu riêng “hành nghề” tại Cai Lậy (Tiền Giang) – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Anh Tấn là một trong 3 thợ phụ trách hái vườn sầu riêng hơn 4 công (4.000m2). Trước đây, anh là tài xế lái xe tải chở sầu riêng, nhiều lần gặp cảnh nhà vườn tìm thợ hái không ra, anh có dịp tiếp xúc với nhiều thợ hái nên học hỏi rồi chuyển nghề. “Lương tài xế không cao, tôi thấy nghề hái sầu riêng mỗi ngày ra cả triệu bạc nên quyết tâm học để kiếm tiền”, anh cười hiền kể lại.
Ban đầu, anh Tấn mới biết sơ sơ do một người đàn anh truyền nghề nên chưa dám cầm dao cắt, chỉ đi theo nhóm thợ hứng trái, phụ vận chuyển để học nghề. Vì nghề hái sầu riêng được trả công cao nhưng cắt nhầm trái non thì phải đền “khẳm” (nhiều) tiền. Sau đó, anh mới có dịp cầm dao cắt.
Những ngày đầu, anh Tấn phải leo cùng cây với đàn anh, trái nào không chắc thì gõ lại rồi nhờ “sư phụ” chỉ giúp. Rồi nghề dạy nghề, giờ anh đã là thành thợ cắt chính của một nhóm thợ hái đi khắp các tỉnh miền Tây.
“Hái giỏi hay dở chủ yếu do kinh nghiệm của mỗi thợ. Nếu nhát tay thì hái không được nhiều trái, chưa đến kỳ hái tiếp theo sầu riêng đã chín rụng, thương lái sẽ nhớ mặt đội hái, không thuê nữa. Còn hái trúng sầu riêng non, vựa không mua thì thợ phải đền tiền”, anh Tấn chia sẻ.
Lý thuyết là vậy nhưng không phải thợ nào vào cắt cũng đạt. Các thương lái thuê thợ cắt có giao kèo rõ ràng, đặc biệt là việc cắt nhầm trái non phải đền tiền bằng giá thu mua. Thợ cắt được chia thù lao từ 1 – 2 triệu đồng cho mỗi ngày cắt hàng trăm trái sầu riêng. Chỉ cần cắt phải 5-7 trái non là mất toi ngày công.
Anh Nguyễn Văn Hưng, theo nghề hái sầu riêng được hơn 1 năm, vẫn nhớ bài học xương máu khi mới vào nghề. Lúc đó, Hưng đang thất nghiệp nên túng tiền, ai gọi gì cũng làm, khổ mấy cũng theo. Nghe có người rủ lên miền Đông hái sầu riêng, tiền công mỗi ngày cả triệu đồng, Hưng có chút kinh nghiệm học lỏm của người anh nên hăng hái nhận lời. Hưng đi xe đò suốt đêm từ Bến Tre lên miền Đông, sáng ra xung phong leo cây cắt trái cùng với các thợ khác.
Do phải ngồi xe đò xuyên đêm, cộng leo cây mất sức nên chỉ cắt được 2 tiếng thì Hưng mệt lả người, phải đi truyền nước biển vì… kiệt sức. Nhưng đó vẫn chưa phải là bài học đắt giá nhất. Lần cầm dao đầu tiên của Hưng trở thành gánh nặng cho cả nhóm khi phải đền hơn 40kg sầu riêng non giá hơn 3 triệu đồng. Phía thuê cũng thông cảm việc vườn bị thiếu nước, sầu riêng bị sượng dễ bị nhầm… nhưng cuối cùng nhóm của Hưng phải đền mỗi người hơn 500.000 đồng.
Dù hái ra tiền dễ dàng nhưng phải leo trèo cả ngày nên chỉ những thanh niên có sức khỏe mới theo được, người khỏe lắm cũng chỉ trèo cây đến 35 tuổi rồi phải xuống đất. Một nhóm hái sầu riêng có hơn chục người nhưng chỉ có 3 thợ cắt, hầu hết là thanh niên. Những thợ cắt chính khi không đủ sức trèo cây sẽ làm những công việc khác trong nhóm hái, kiêm “đào tạo” thợ mới cho nhóm.
Các nhóm hái chuyên nghiệp “lăn lộn” từ tỉnh này sang tỉnh nọ suốt mùa sầu riêng, gần như quanh năm họ phải xa nhà. Anh Nguyễn Viết Sang (32 tuổi, Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết nhóm của anh di chuyển quanh năm. Tháng này vừa hết mùa sầu riêng chính vụ tại miền Tây, nhóm anh Sang chuẩn bị lên hái ở miền Đông, sau đó đi Tây Nguyên, gần Tết lại vòng về khu vực Tiền Giang vì khu vực này có nhiều vườn sầu riêng trái vụ. Vào vụ chính, nhóm thợ sẽ xoay vòng từ Tiền Giang, Hậu Giang qua Đồng Tháp, Cần Thơ… Họ đi hết nơi này đến nơi khác như nghệ sĩ đi lưu diễn, quanh năm ăn quán ngủ lều, chỉ về nhà mấy ngày lễ Tết. ■
Những nỗ lực tìm kiếm “tự chủ sầu riêng”, phần nào thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Đông Nam Á, của Trung Quốc nhờ phát triển nguồn cung nội địa tại Quảng Đông và Hải Nam, chưa thu được kết quả như mong đợi.
Trang tin Trung Quốc sina.com ngày 1-7 giật tít tự hào: “Cây sầu riêng già nhất ở Hải Nam đã được 66 tuổi”. Bài viết giới thiệu: “Ở Trung tâm Triển lãm trái cây nhiệt đới toàn cầu Thất Tiên Lĩnh, huyện Bảo Đình (tỉnh Hải Nam) có một cây sầu riêng đặc biệt. Đây là cây sầu riêng già nhất Trung Quốc, đã 66 tuổi mà vẫn ra hoa kết quả. Cây sầu riêng này không thường chút nào, nó không sợ lạnh, thân cao tới 15m… Nhờ gene di truyền xuất sắc như vậy, nó được các nhà khoa học dùng làm “cây mẹ” để nhân giống”.
Là cây ăn trái nhiệt đới, sầu riêng không chịu được lạnh, nên dù cây lão sầu riêng Hải Nam khá ấn tượng, nó tất nhiên không sánh được với những “bạn đồng trang lứa” ở Đông Nam Á. Lấy ví dụ, riêng Việt Nam ghi nhận ít nhất hai cây sầu riêng tuổi đời đã hơn 100 – một ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ, cao gần 30m (Người Lao Động 3-9-2023), và một ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, cao khoảng 45m (Lao Động 3-7-2023).
Thái Lan thậm chí còn ngầu hơn: họ có cây sầu riêng 200 tuổi ở tỉnh Chumpon (thông tin từ Thai PBS World 27-6-2019). Nhưng Malaysia mới là “vô đối” với cây sầu riêng 300 tuổi ở bang Penang, theo yearofthedurian.com.
Khoảng cách về tuổi tác đó có lẽ cũng có thể tượng trưng cho khác biệt về sản lượng, chất lượng và giá cả của sầu riêng “quốc sản” Trung Quốc so với đồ nhập khẩu.
“60 tệ một cân (cân Trung Quốc, bằng 500 gram), tự do của tôi đâu?”, một người dùng mạng xã hội Trung Quốc Weibo hóm hỉnh đặt câu hỏi về giá sầu riêng quốc nội và tham vọng “tự do sầu riêng” của nước này. Mức giá 60 tệ một cân, tương đương 420.000 đồng/kg, của sầu riêng Hải Nam là đắt gấp 2-3 lần sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á. Trong khi đó, chất lượng sầu riêng Trung Quốc chưa đồng đều, khiến giấc mơ “tự chủ” với loại trái cây đang cực kỳ đắt hàng ở quốc gia tỉ dân sẽ còn xa vời ít ra là một thời gian nữa.
Tâm trạng đó thể hiện rõ qua tít bài viết sinh động đăng trên chuyên trang tài chính kinh doanh Huxiu 22-5: “Tự do sầu riêng? Đừng mơ”.
Tác giả đã cất công dành trọn một ngày lùng sục các cửa hàng bán trái cây ven đường tại Nam Ninh, Quảng Tây, nhưng không thể tìm được mức giá “5 quả 100 tệ (khoảng 350.000 đồng)” như đồn thổi trên mạng. Không bỏ cuộc, hôm sau cô lại cất công đến tận chợ đầu mối trái cây lớn nhất tỉnh Quảng Tây (48 triệu dân) – Trung tâm bán sỉ và hậu cần quốc tế Hải Cát Tinh, Nam Ninh. “Mọi người tụ tập đông đúc nhộn nhịp, khắp xung quanh là nhiều quầy hàng bán đủ loại sầu riêng khác nhau. Giá cả được ghi trên những tấm bìa cứng: 19,8 tệ/cân (140.000 đồng/kg), 16,8 tệ/cân (120.000 đồng/kg), 58 tệ/trái (hơn 200.000 đồng/trái), vẫn chưa phải là “rẻ như bắp cải” theo truyền thuyết…”.
Số là thời gian qua, trên mạng xã hội Trung Quốc, trong cơn sốt sầu riêng, rộ lên những hashtag “giá sầu riêng giảm dưới 10 tệ/cân” hay “100 tệ 5 quả sầu riêng ở Nam Ninh”, mà như phóng viên Huxin đã kiểm chứng, chỉ có trong mơ.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi, chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Philippines, SCMP dẫn số liệu của hải quan nước này. Một nguồn khác, báo Mỹ The New York Times dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của cả thế giới” với mức nhập từ Đông Nam Á tăng gấp 12 lần trong giai đoạn 2017-2023, từ 550 triệu lên 6,7 tỉ đô la.
Mới tháng 5 vừa rồi, chính quyền Thái Lan đã mời hai nhân vật ảnh hưởng trên mạng xã hội người Trung Quốc livestream bán sầu riêng ở tỉnh Chanthaburi. Chỉ trong ba ngày, họ giúp các nông dân sầu riêng Thái Lan thu về số tiền 100 triệu baht (khoảng 3 triệu đô la), theo Thai PBS World.
“Khoảng 1.000 container chở sầu riêng rời các khu đóng gói khắp Chanthaburi mỗi ngày, dẫn tới tình trạng kẹt xe chở sầu riêng không thua gì kẹt xe ở Bangkok”, NYT viết. “Một số container được đưa lên các chuyến “xe lửa sầu riêng”, theo cách gọi của báo chí Thái, vốn kết nối Thái Lan với Trung Quốc bằng tuyến xe lửa cao tốc do Trung Quốc xây dựng. Vì nhu cầu quá lớn, các container thường quay lại Thái Lan trong tình trạng trống rỗng, không cần chở hàng từ Trung Quốc – để lại nhanh chóng chất đầy sầu riêng chở sang Trung Quốc”. NYT dẫn lời Jiaoling Pan, giám đốc vận hành hãng container đông lạnh chuyên chở sầu riêng Speed Inter Transport, nói 2/3 các container của công ty trở về Thái Lan mà không mang hàng gì từ Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, sầu riêng không chỉ là món trái cây hấp dẫn ngon lành. Trang Baidu dẫn sách Tân Hoa bản thảo cương yếu mô tả sầu riêng như một bài thuốc thần kỳ, trong đề mục “tư âm tráng dương”: “Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng cực cao, chứa rất nhiều đường, 11% tinh bột, 13% đường, 3% protein, và rất nhiều loại vitamin, chất béo, canxi, sắt và phốt pho. Người thân thể hư nhược cũng ăn được. Sầu riêng bổ sung năng lượng và dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, giúp cường thân kiện thể, có công hiệu tư âm bổ dương. Người mới khỏi bệnh và phụ nữ sau khi sinh đều ăn được để bồi bổ cơ thể”.
Với hương vị đặc biệt và tác dụng như vậy, không khó hiểu khi sầu riêng thậm chí trở thành “biểu tượng địa vị” ở Trung Quốc, theo báo Anh The Economist tháng 6-2024. Ngày nay, những loại sầu riêng đắt hiếm ở Trung Quốc được coi trọng không khác gì “rượu ngon để lâu”, và giống Musang King huyền thoại có biệt danh là “Hermès trong giới sầu riêng”. Ở Trung Quốc, sầu riêng đôi khi còn được dùng cả làm quà tặng sinh nhật hay đám cưới.
Vì tất cả những lý do đó, nông dân, thương nhân và cả giới khoa học nông nghiệp Trung Quốc từ lâu đã muốn xây dựng nền “tự chủ sầu riêng”. Theo truyền thông nước này, cây sầu riêng đầu tiên được trồng ở Trung Quốc là vào năm 1958, nhưng sản lượng và chất lượng đều thấp. Đảo Hải Nam là một trong số ít nơi ở Trung Quốc có khí hậu trồng được sầu riêng, với sản lượng đang tăng dần, có thể lên tới 200 tấn vào năm nay, theo Tân Hoa xã.
Tuy nhiên, để tự chủ thực sự loại trái cây này, con số đó là muối bỏ bể. Chính những người trong nghề ở Trung Quốc đã nhanh chóng “giội một gáo nước lạnh” vào viễn tượng “tự lực sầu riêng”.
“Sầu riêng trong nước và nhập khẩu không thể đi chung đường (xét về quy mô) sầu riêng nội địa sẽ không bao giờ là đối thủ của hàng nhập khẩu”, Huxin dẫn lời ông Vương Hâm Vũ, tổng giám đốc Công ty Vua Bán Sầu Riêng Vườn, nói thẳng thắn.
Theo Huxin, ông Vương là người có kinh nghiệm lâu năm và đa dạng trong ngành sầu riêng, từ mua bán tới hỗ trợ gầy dựng trang trại ở Hải Nam. Nỗ lực phát triển sầu riêng ở Hải Nam đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, bắt đầu tại các huyện Bảo Đình và Lăng Thủy, nhưng trước kia tỉ lệ cây sống sót thấp, sản lượng và chất lượng đều kém. Từ cuối những năm 1990, giống Thái Lan, Việt Nam và một số nơi khác được đưa vào canh tác thì tỉ lệ sống sót mới tăng lên.
Nhưng cũng phải tới năm 2018, nghề trồng sầu riêng ở Hải Nam mới thực sự bước vào thời kỳ phát triển quy mô lớn và năm 2023 mới là mùa thu hoạch thật sự đáng kể đầu tiên. Sản lượng có thể đạt khoảng 700 kg/mẫu Trung Quốc (bằng 1/15 ha), tức khoảng 10,5 tấn/ha (Để so sánh, sản lượng 1ha sầu riêng ở Việt Nam trung bình là 20-25 tấn, theo VNBusiness 13-11-2023) và giá trị khoảng 1,5 triệu tệ (khoảng 5,2 tỉ đồng, do giá sầu riêng nội địa Trung Quốc cao gấp 2-3 lần giá nhập khẩu).
Với sản lượng tự trồng chưa bằng 1% sản lượng nhập khẩu, “(sầu riêng nội địa) hầu như không có tác động gì tới thị trường”, theo lời ông Vương. Người Trung Quốc từng thành công trong việc thay thế trái cây nhập khẩu đắt tiền. Ví dụ nổi tiếng gần đây nhất là nho mẫu đơn nhập từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Từng có giá tới 100 đô la một chùm ở Nhật Bản, được coi là đặc biệt hiếm có và sang trọng, nhưng loại nho này giờ đã khá phổ thông, tràn ngập khắp các thị trường châu Á, với giá rẻ hơn nhiều, chủ yếu là sản phẩm Trung Quốc.
Nhưng sầu riêng có vẻ vẫn là ngoại lệ. Hiện những người như ông Vương muốn nhắm sản phẩm quốc nội đến phân khúc cao hơn, vì vậy muốn các chủ vườn Trung Quốc để sầu riêng “chín cây tự rụng”, thay vì sử dụng chất làm chín như hàng nhập khẩu, hay đông lạnh (như sầu riêng Musang King của Malaysia). Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ để phục vụ một thị trường khổng lồ như Trung Quốc, giải pháp chín cây là quá bất tiện. “Bữa nay chín hai ba trái, bữa mai chín năm sáu trái, ai mà đợi mua của mình được”, một nông dân trồng sầu riêng ở Hải Nam nói với Huxin.■
MẬU TRƯỜNG – HOÀI THƯƠNG – HUY THỌ – HẢI MINH
MẬU TRƯỜNG – HOÀI THƯƠNG – TUẤN HỒ – DUYÊN PHAN
19-7-2024