Nằm tách biệt với TP Rạch Giá hơn 100km đường biển, xã đảo An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) lọt thỏm giữa trùng khơi biển cả.
Người dân ở đây quanh năm sống với nghề đánh bắt cá, bán vé số, chạy xe ôm với thu nhập bấp bênh và có hộ kinh doanh nhỏ lẻ phục vụ khách du lịch đến tham quan.
Bán vé số lo cho cháu đến trường
Nhiều hộ gia đình gặp khó khăn và con em của họ cũng đối mặt nguy cơ bỏ học. Trong số đó có trường hợp của em Lý Thị Cẩm Thu – học sinh lớp 9 Trường THCS An Sơn (xã An Sơn).
Bà Trần Thị Bang (bà nội Cẩm Thu) cho biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sống chủ yếu dựa vào đồng lời ít ỏi từ việc ông Lý Quốc Hòa (70 tuổi, chồng bà Bang) lặn lội đi bán vé số.
Mỗi ngày ông Hòa bán được khoảng 200 tờ vé số, lời khoảng 190.000 – 200.000 đồng/ngày. Số tiền này bà tính toán kỹ trong các khoản chi tiêu từ tiền ăn uống và để dành đóng học phí cho cháu.
“Tui với ổng nuôi Cẩm Thu từ lúc 3 tuổi đến giờ. Cháu rất ngoan và học giỏi. Ông Hòa giờ sức khỏe đã yếu, thêm khối u gan và bệnh thận. Tôi mới bị té nứt xương đầu gối không đi làm được. Thu hiểu chuyện nên đi học về phụ tiếp tôi lo cơm nước rồi rảnh thì đi phụ việc giữ em, bán vé số kiếm tiền thêm” – bà Bang nói.
Bà Bang cho biết thêm trước đây rơi vào bế tắc, cùng túng, cha mẹ Cẩm Thu không chịu nổi cảnh nghèo nên bỏ xứ đi mần ăn xa.
Bà và ông Hòa ở nhà cũng gồng gánh mưu sinh và nhiều lần thao thức, tính đến đường cho Cẩm Thu nghỉ học vì không còn đủ sức để lo cho cháu. Biết cảnh khó của gia đình, thầy cô ở trường đều khuyến khích và cố gắng tìm cách vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiếp để Thu đến trường.
Các em được đỡ đầu học đạt kết quả tốt, chúng tôi rất vui. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp địa phương và kêu gọi nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ các em học sinh nghèo xã đảo nhiều hơn nữa. Các em sẽ không bị bỏ rơi và đến trường đi học để trở thành người hữu ích cho xã hội sau này.
Đại tá NGUYỄN THÁI DƯƠNG (phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4)
Đỡ đầu học sinh nghèo xã đảo đến trường
Cô Nguyễn Thị Huỳnh Tâm – phó hiệu trưởng Trường THCS An Sơn (xã An Sơn) – thông tin hằng năm Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đều có “đỡ đầu” hỗ trợ cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng vươn lên học giỏi ở trường.
Năm nay Vùng Cảnh sát biển 4 hỗ trợ cho 3 học sinh, gồm em Nguyễn Văn Tính (lớp 11), em Trần Thanh Lượm (lớp 11) và em Lý Thị Cẩm Thu (lớp 9). Mỗi em đều được đơn vị hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng (suốt 9 tháng học ở trường).
Các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ tập sách, quà cho các em để có thêm điều kiện đi học. “Các em có hoàn cảnh khó khăn khác nhau nhưng đều học giỏi, ngoan. Sự đỡ đầu và hỗ trợ kịp thời này tôi thấy thật ý nghĩa và giúp các em theo đuổi ước mơ của mình”, cô Tâm chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Thái Dương – phó chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 – cho hay từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã có nhiều chương trình và mô hình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” ở các xã đảo vùng biển Tây Nam (có đỡ đầu cho các em học sinh nghèo đến trường).
Đến nay Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã đỡ đầu cho 12 học sinh ở xã đảo đi học cho đến khi học xong THPT. Công việc này đơn vị làm xuyên suốt và theo hình thức hỗ trợ tiền 1 triệu đồng/em/tháng (9 tháng học ở trường).
“Mừng không ngủ được mấy đêm liền”
Thương cháu côi cút, ông Hòa có lúc đuối sức nhưng chẳng dám nghỉ ngơi và ráng sức lãnh thêm nhiều vé số đi bán. Bất chấp mưa nắng ông vẫn len lỏi “gõ cửa từng nhà, mời từng người mua vé số” vì mỗi đồng tiền lời có được sẽ góp thêm niềm tin, hy vọng cho cháu đi học.
“Biết cảnh nghèo, ông bà lớn tuổi nên Thu không ít lần dự định nghỉ học. Thế nhưng tôi biết cháu buồn lắm. Đêm ngủ, tôi hay thủ thỉ với ổng cứ cố gắng hết mình, cỡ nào cũng lo cho cháu đi học để có tương lai. Hổm nay mấy chú cảnh sát biển hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho cháu, tôi mừng lắm, không ngủ được mấy đêm liền”, bà Bang cho biết thêm.