(Theo khảo sát của Babbel)
Đây là vấn đề đang được quan tâm khi nhân viên gen Z dần thành lực lượng lao động trong kỷ nguyên số. Với nhiều nền tảng nhắn tin quen thuộc, gen Z được cho là chán nản với những email công việc dài dòng.
Theo khảo sát của Creative Strategies, gen Z xếp Gmail đứng thứ tư trong các công cụ hợp tác sau Google Docs, Zoom và iMessage. Họ thích phương thức giao tiếp nhanh, và thấy mệt mỏi với hộp thư đến. Họ cũng khiến email kém trang trọng hơn khi thêm meme (các hình ảnh, video, đoạn văn bản hài hước lan truyền trên mạng – PV), biểu tượng cảm xúc, tiếng lóng và cả từ viết tắt như khi nhắn tin.
Liz Giorgi, một giám đốc sáng tạo nội dung gửi email mời một nhân viên gen Z làm việc, cô ngạc nhiên khi nhận phản hồi “Vâng sếp, sẵn sàng thôi” của người đó.
“Tôi tự hỏi mình có nên tuyển người này không? Nhưng tôi nhận ra gen Z thể hiện cảm xúc một cách trực tiếp và họ phấn khích trong lúc trả lời email” – Giorgi nói.
Là một “gen Y lớn tuổi”, cô nói các công cụ ảo làm tăng lượng tin mà nhân viên nhận mỗi ngày. Điều này ảnh hưởng thói quen gửi email của gen Z, khiến việc giao tiếp trở nên ít trang trọng lan sang cả email.
Thậm chí, email kém trang trọng của gen Z không chỉ trong tin nhắn nội bộ mà còn cả trong báo cáo khách hàng và bản tin.
Celine Chai – đồng sáng lập Công ty sáng tạo NinetyEight – cho biết tiêu đề và nội dung email mà công ty cô gửi đi gồm toàn biểu tượng cảm xúc. Họ thoải mái luôn việc dùng dấu câu. “Tôi thích nhận email từ khách hàng có nhiều dấu chấm than. Họ nói cảm ơn bằng 5 dấu chấm than. Đó là một đặc điểm rất gen Z” – Chai nói.
Nhưng email đầy tiếng lóng là lợi thế hay sẽ làm trở ngại công việc? Theo các chuyên gia, mấu chốt là phải điều chỉnh sử dụng biểu tượng cảm xúc và tiếng lóng sao cho phù hợp với mỗi đối tượng.
Thích nghi, linh hoạt và đồng cảm là điều quan trọng để giao tiếp giữa các thế hệ tại nơi làm việc. “Nếu bạn viết một email gây khó chịu hoặc một tin nhắn vô lễ, người nhận sẽ cảm nhận được điều đó” – Giorgi nói.