Vụ việc xảy ra tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Một người dân cho thuê nhà rồi bị người thuê nhà ở luôn, không trả tiền thuê cũng không trả lại nhà, tòa tuyên buộc người này phải trả, nhưng cả năm Chi cục Thi hành án quận Cái Răng vẫn không thi hành.
Bỏ không nhà cũng không dám cho thuê
Không ít bạn đọc cho rằng mình chính là nạn nhân tương tự trường hợp trên, có người vì sợ gặp rắc rối đã bỏ không nhà, không dám cho thuê.
Bạn đọc thie****@gmail.com cho biết: “Chúng tôi có căn nhà bỏ trống và một căn có bốn phòng khóa cửa, vì lo sợ người thuê nhà cù nhầy không trả tiền thuê, có khi còn chiếm đoạt luôn căn nhà, kiện tụng rất khốn khổ”.
Nêu thực tế câu chuyện của mình, bạn đọc mt10****@gmail.com kể: “Mẹ tôi cho thuê nhà ở TP.HCM. Hết hợp đồng gần ba năm họ vẫn chiếm ở, không trả tiền thuê. Họ hăm dọa đánh chúng tôi nếu còn đến đòi nhà.
Gia đình tôi nộp đơn kiến nghị kiểm tra tình trạng cư trú của những người đang chiếm nhà, cơ quan chức năng đều kêu nộp đơn ở tòa án.
Nộp đơn xong, chúng tôi đề nghị điện lực hủy hợp đồng mua bán điện thì họ không làm vì lý do có người đang ở, không nợ tiền điện”.
Bạn đọc Dang Phuong Uyen cho hay: “Mình có người chị gặp trường hợp gần giống vậy. Người thuê sáu năm một giá không đổi, đến khi chị kẹt tiền bán nhà thì người thuê đòi chia hoa hồng mới trả nhà. Trong khi họ còn thiếu dồn vài tháng tiền nhà, còn thách thức chủ nhà”.
Tương tự, bạn đọc Mỹ Toàn kể về sự ngang ngược của người thuê nhà: “Nhà mẹ tôi cho thuê, hết hợp đồng, họ không trả tiền, không trả nhà, họ chiếm ở luôn.
Họ nói khi nào có tiền thì trả và khi nào tìm được nhà khác thuê mới trả nhà, thách thức nộp đơn lên tòa”.
Lưu ý gì khi đặt cọc cho thuê nhà?
Bình luận về vụ việc xảy ra ở Cần Thơ, tài khoản elni****@gmail.com cảm thán: “Rõ là tài sản của mình, đã cho thuê không được trả tiền mà còn bị chiếm luôn nhà. Đã vậy đi kiện, thắng luôn kiện mà thi hành án còn chưa được…”
Bạn đọc Phong cho rằng vụ việc này “hài thật”, Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng đã không giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn.
Bạn đọc Linh đồng tình: “Đây rõ ràng là lỗi tắc trách của Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng”.
Còn theo bạn đọc Tran Thanh: “Như vậy là coi thường pháp luật, coi thường quyết định của toà án và coi thường quyền lợi hợp pháp của người dân.
Bạn đọc Tạ Thị Hằng nhìn nhận: “Nếu Chi cục Thi hành án dân sự quận Cái Răng chưa làm tròn trách nhiệm thì pháp luật của mình không nghiêm minh rồi”.
Tuy nhiên bạn đọc Minh Thành có ý kiến: “Không phải pháp luật không nghiêm mà người thực thi pháp luật không nghiêm”.
Bạn đọc nguy****@gmail.com bày tỏ: “Sự việc xảy ra đã nhiều năm mà vẫn không giải quyết được. Kính mong cấp cao trực tiếp chỉ đạo giải quyết và xử lý người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật để răn đe”.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Cần Thơ cho biết quá trình làm nghề ông thấy câu chuyện người thuê nhà không trả tiền thuê nhà, cũng không trả nhà như vụ việc ở quận Cái Răng không phải là hiếm.
Vị này cho biết để đảm bảo cho quá trình cho thuê nhà, bên cho thuê cần lưu ý việc đặt cọc thuê nhà và giá trị đặt cọc để phòng trường hợp bên thuê vi phạm hợp đồng.
Do pháp luật không quy định mức tối thiểu hoặc tối đa của đặt cọc nên việc này là do các bên tự thỏa thuận.
Vì vậy tùy từng trường hợp cho thuê mà bên cho thuê cần đưa ra mức đặt cọc mà mình cảm thấy đảm bảo sự an toàn nhất có thể.