Ngày 28-8, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục phiên phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Đào Văn Nam (53 tuổi, trú huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, chủ quán karaoke) về tội môi giới mại dâm.
Vụ án này xảy ra từ năm 2014, qua 5 lần xét xử, trả hồ sơ điều tra bổ sung, kéo dài 10 năm chưa có hồi kết.
Bị cáo tố điều tra viên “bịa” tình tiết giảm nhẹ để “khuyến khích nhận tội”
Theo cáo buộc, bị cáo Nam kinh doanh quán karaoke tại nhà. Khoảng 12h ngày 9-8-2014, chị H. và T. đến quán Nam xin làm nhân viên nhưng không được nhận vì không có giấy tờ tùy thân.
Khoảng 15h40, hai cô gái này đi cùng ba người đàn ông quay lại quán của Nam thuê phòng hát. Khoảng 20h, ba người đàn ông rời đi.
Tiền hát hết 750.000 đồng, H. nhận trả tiền nhưng không có tiền nên xin cùng T. ở lại quán làm nhân viên đến khi trả hết nợ thì sẽ thôi làm, Nam đồng ý.
22h cùng ngày, có hai thanh niên đến quán, đặt vấn đề mua dâm với H.. Cô gái này nhắn tin cho Nam và Nam nhắn lại cho H.. Hơn 1 tiếng sau khi đi bán dâm về, H., T. mỗi người đưa cho Nam 100.000 đồng.
0h30 ngày 10-8-2014, hai cô gái này tiếp tục đi bán dâm tại nhà nghỉ cho hai khách cũ thì bị bắt quả tang.
Tại tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Nam tiếp tục kêu oan, cho rằng các tin nhắn Nam và H. trao đổi hôm xảy ra vụ việc, chỉ thể hiện H. xin “đi chơi” và xin ngủ nhờ tại nhà mình, chứ không phải xin đi ra nhà nghỉ bán dâm.
Bị cáo Nam cũng đặt ra nghi vấn tại sao H. không có tiền trả nợ còn rủ bạn đến hát, “có phải cố tình để xin ở lại nhà bị cáo để làm trừ nợ rồi gài bẫy bị cáo?”, Nam trình bày.
Hội đồng xét xử truy vấn “ai muốn gài bẫy bị cáo, với ý đồ gì”. Nam cho hay trước đó một tuần, một người địa phương rủ nhóm bạn đến hát nhưng nhóm này sau đó không trả tiền, dẫn đến mâu thuẫn.
“Sau đó, trong lúc bị cáo bị tạm giam, con trai lớn của bị cáo cũng bị nhóm côn đồ đến nhà đâm tử vong”. Bị cáo cho rằng các sự việc liên quan đến nhau.
Đáng chú ý, bị cáo Nam cho biết trong hồ sơ vụ án, bản thân có tình tiết giảm nhẹ “có thành tích phối hợp với Công an huyện Hiệp Hòa cung cấp thông tin để phát hiện nhiều tụ điểm cờ bạc để cơ quan công an triệt phá”.
Tại tòa, bị cáo khẳng định “thành tích này do điều tra viên bịa ra cho bị cáo” để khuyến khích ông nhận tội, chứ “bị cáo không hề có thành tích này”.
“Điều tra viên Sơn nói với bị cáo là cứ nhận tội đi, bọn em khắc tạo cho anh cái thành tích để được án treo’, Nam khai và cho hay vì tin tưởng nên nhận tội, nhưng vẫn bị 4 năm tù nên sau đó mới kêu oan, tố giác.
Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo
Nêu quan điểm luận tội, viện kiểm sát cho rằng dù bị cáo không nhận tội nhưng xét thấy biên bản lời khai, các chứng cứ hồ sơ, đối chất, hỏi cung… đã đủ căn cứ để xác định bị cáo liên kết để khách và nhân viên tạm thời của quán mua bán dâm.
Theo kiểm sát viên dù lời khai của ba người mua dâm có mâu thuẫn chưa được làm rõ do sau khi bị bắt và làm việc xong với cơ quan điều tra, lợi dụng sơ hở họ đã bỏ trốn, không có căn cứ để truy tìm xác minh tên tuổi, địa chỉ.
Tuy nhiên, biên bản bắt tội phạm quả tang đã thể hiện ba người có hành vi mua bán dâm với H. và T..
Từ đó, viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Nam.
Bào chữa cho bị cáo Nam, luật sư Vũ Thị Nga (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng quá trình điều tra tố tụng có sai sót, kết tội thân chủ không có căn cứ.
Theo luật sư Nga, bị cáo chưa từng gặp, không biết ba khách mua dâm là ai. Trong khi đó ba khách mua dâm khai mâu thuẫn nhau, cơ quan điều tra lại không xác minh được nhân thân của họ.
Luật sư cho rằng viện kiểm sát sau khi trả hồ sơ, điều tra lại, điều tra bổ sung nhiều lần nhưng không xét đến các yếu tố này.
Luật sư dẫn lại nhận định của cơ quan điều tra rằng trong số tiền thu được trong túi Nam có hai tờ 100 ngàn đồng, có số sêri liền với một số tờ tiền thu được của khách mua dâm tại nhà nghỉ nên có cơ sở xác định hai tờ 100 ngàn đồng là tiền h. và T. “cắt phế” cho Nam môi giới.
Luật sư cho rằng chứng cứ này không đáng tin cậy, do bị cáo bị bắt lúc 1h sáng 10-8 và thu giữ số tiền cùng giờ đó, nhưng phải đến 8h sáng hôm sau, công an mới lập biên bản.
Cũng theo luật sư trong biên bản thu giữ tang vật số tiền này, bị cáo Nam không được ký xác nhận. Khi cơ quan điều tra mở niêm phong kiểm đếm tiền, bị cáo cũng không được chứng kiến, biên bản mở niêm phong cũng không có chữ ký bị cáo.
Đối đáp sau đó, viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội với bị cáo.