Sáng nay 13-8, Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học ở TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, với sự chủ trì của ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM.
Hội đồng hiệu trưởng đã đóng góp giải pháp giải quyết các vấn đề của TP.HCM
Chủ đề của hội nghị lần này là “Các giải pháp phát triển mạng lưới giáo dục đại học trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học ở TP.HCM đã bắt đầu có những ý kiến đóng góp chất lượng vào định hướng phát triển thành phố, đóng góp các giải pháp giải quyết những vấn đề của TP.HCM.
Ông Mãi đề nghị trong tháng 8-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Nội vụ trao đổi lại với các chủ tịch hội đồng khối ngành để rà soát phân công một sở của thành phố tham gia như một đơn vị thường trực trong hội đồng khối ngành.
Từ đây, sở này có trách nhiệm tạo điều kiện cho hội đồng khối ngành hoạt động và gắn kết với định hướng, chiến lược, kế hoạch của thành phố; giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế…
Theo ông Mãi, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai quy hoạch thành phố, ông đề nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc gửi tài liệu cho các trường tham khảo để đề xuất thực hiện quy hoạch này.
Cũng trong tháng 8-2024, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ chủ trì hội nghị định hướng xây dựng văn kiện đại hội thành phố, chủ yếu các vấn đề kinh tế – xã hội, nên sẽ mời đại diện hội đồng hiệu trưởng các khối ngành để cùng góp ý.
Về các cơ chế, trước mắt vận dụng nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để từ đó áp dụng nghị quyết 98, nghị quyết 131 của Quốc hội và nghị định 84 của Chính phủ. Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ tổng kết nghị quyết này và đề xuất một nghị quyết mới. “Chúng ta cần một luật như Luật Thủ đô với Luật Đô thị đặc biệt TP.HCM”, ông Mãi nhấn mạnh.
Nhanh chóng hoàn thiện khu đô thị đại học như quy hoạch
Tại hội nghị, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu: “Cần tập trung giải quyết các vướng mắc của các trường đại học. Làm sao để Đại học Quốc gia TP.HCM nhanh chóng hình thành khu đô thị đại học như quy hoạch. Đại học Quốc gia TP.HCM là trung tâm đại học lớn nhất nên cần nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai. Đồng thời sớm hình thành khu đại học với 500ha ở Bình Chánh”.
Về đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, ông Mãi cho biết hiện đã có sản phẩm của 5 đề án nên cần chuyển ngay thành kế hoạch để thực hiện ngay trong tuần này.
Liên quan đến đại học khởi nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tiêu chí của bộ để hoàn thiện khung, đặc biệt là chính sách. Cần nhanh chóng đầu tư các trung tâm đại học khởi nghiệp tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Về đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, theo ông Mãi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến các sở ngành, các trường đại học trình UBND TP.HCM.
“Từ đây đến cuối năm, chúng ta cần tập trung để có những kết quả cụ thể. Các ý kiến góp ý cho việc triển khai quy hoạch, góp ý xây dựng văn kiện, kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm tới, định hướng đến năm 2045 rất cần trí tuệ của cộng đồng các đại học.
Rất mong các thầy cô tham gia tích cực, bắt đầu làm ngay từ tháng này. Các sở được giao thường trực với các khối ngành cần chủ động trao đổi thông tin”, ông Mãi đề nghị.
Bà Trần Thị Diệu Thúy làm phó chủ tịch thường trực Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM
Hội nghị đã công bố các quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM.
Cụ thể, bà Trần Thị Diệu Thúy – phó chủ tịch UBND TP.HCM – nhận nhiệm vụ phó chủ tịch thường trực Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM (thay ông Dương Anh Đức đã chuyển công tác khác);
Ông Nguyễn Bắc Nam – phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – làm thành viên Hội đồng hiệu trưởng và bà Đinh Thị Thanh Thủy – phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM – làm tổ phó tổ giúp việc Hội đồng hiệu trưởng TP.HCM.