Có lẽ giờ này nhiều bố mẹ đã trang bị cho con đầy đủ mọi thứ tốt nhất để con em mình bước vào năm học mới. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ chỉ cần cho con một ngôi trường tốt, một sức khỏe tốt, dụng cụ học tập tốt, chỗ dựa tài chính tốt… là con sẽ vững bước vào con đường học hành.
Thế nhưng còn một điều mà khá nhiều bố mẹ quên mất hoặc không quá quan tâm. Đó là sự tự tin của con.
Luôn bị so sánh với người khác
Bạn có bao giờ nghĩ rằng con mình đang tự ti, mặc cảm hay sợ hãi điều gì đó khiến con lo lắng mỗi khi đến trường? Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này và ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập.
Tôi từng được kể một câu chuyện buồn về việc bị đem so sánh với người khác.
“Hồi mẫu giáo em đi học ở trường làng. Dù bây giờ đã 33 tuổi, nhưng em vẫn còn nhớ rất rõ những khuôn mặt và lời nói của những người đã trêu chọc, cười nhạo em suốt cả chặng đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà.
Mẹ sinh em khi ba vắng nhà và vì mẹ làm trong đoàn văn công nên người ta còn nói rằng em là “con văn công” chứ không phải con của ba em. Từ đó em thu mình lại, luôn lủi thủi khép nép đi một mình.
Cho đến lúc lên tiểu học em cũng không dám thể hiện bản thân mình. Bị nhiều bạn bắt nạt, trêu chọc em cũng không dám lên tiếng. Em luôn phải nhìn thái độ, cử chỉ của người khác để cư xử.
Mãi sau này, khi lớn lên gương mặt em mới hiện lên nhiều nét giống ba. Tuy nhiên những người trong làng vẫn miệt mài đùa cợt, trêu chọc.
Em từng kể chuyện này cho ba mẹ nhưng cả hai lờ đi, thậm chí la mắng em. Em luôn trong tâm trạng buồn bã và sợ hãi.
Chưa kể hàng xóm và người thân trong nhà liên tục so sánh em với người chị gái đã mất. Hầu như mỗi khi có đám giỗ, tiệc tùng, em đều nghe họ nói về chị với tất cả những điều tốt đẹp: Con bé chị xinh đẹp, gương mặt sắc sảo, dáng người cao ráo lại ngoan ngoãn, thông minh…Còn con em thì khù khờ, chậm chạp, miệng rộng, mũi tẹt…
Và rất nhiều thứ khiến em cảm thấy mình thua kém và dần trở nên mặc cảm khi tiếp xúc với người khác.
Em chọn cách sống khép kín, ngại chia sẻ, luôn có một nỗi áp lực kinh khủng đè nặng lên mình. Và luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt để ba mẹ không chê trách, so sánh, chứ không phải em thích học”.
Ngồi xuống và lắng nghe con
Khi nghe câu chuyện này, chúng ta không khỏi giật mình. Có bao giờ chúng ta đã buông một lời trêu đùa vô ý, khiến cho con trẻ trở nên thiếu tự tin hay chưa? Hay người lớn chúng ta có quan tâm đến cảm xúc của con em mình đủ nhiều để khiến chúng an tâm rằng chúng luôn được yêu thương, chở che?
Những đứa trẻ thiếu tự tin thường nhạy cảm quá mức. Chúng thường buồn bã hay sợ hãi trước những lời nói hay hành vi nhắm đến mình. Chúng sợ những nơi ồn ào, đông đúc, khả năng kiểm soát cảm xúc kém, thường mất tập trung hoặc trở nên hiếu động bất thường.
Một khi đứa trẻ mang tâm lý thiếu tự tin sẽ dễ bị mất kiểm soát, cảm giác thấp kém khiến cho chúng dễ phục tùng, vâng lời người khác một cách tuyệt đối. Đây cũng là lý do đứa trẻ dễ bị bắt nạt trong môi trường học đường.
Tự ti là một sự khiếm khuyết về mặt tính cách. Những đứa trẻ tự ti sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. Đây chính là rào cản khiến trẻ mất đi nhiều cơ hội để phát triển, trưởng thành trong tương lai.
Những đứa trẻ thích thu mình lại, không dám tiếp xúc với xã hội bởi trẻ lo lắng mình bị đánh giá, sợ hãi bị những người xung quanh cười nhạo, chê bai.
Sau khi lớn lên, những đứa trẻ tự ti sẽ không dám đối diện với cuộc sống, không dám đương đầu thử thách, càng không dám nắm bắt khi cơ hội đến. Cảm giác thua kém trong một nhóm, một lớp… thật sự rất tồi tệ. Đó là một dạng stress của trẻ nhỏ, không thể để xảy ra và kéo dài.
Bởi vậy bố mẹ nên gần gũi và lắng nghe trẻ tâm sự mỗi buổi đi học về. Hãy ngồi xuống và hỏi con cảm thấy thế nào sau một ngày ở trường khi bắt đầu năm học mới.
Tuyệt đối đừng để trẻ tự phủ định chính bản thân mình.