Trừ những bạn buộc phải sống xa gia đình, có không ít bạn ở cùng nhà, ngủ cùng nhà song lại không ăn cùng nhà.
Khái niệm “cơm hàng cháo chợ” có lẽ nên được nhìn bằng một góc khác khi khoái đặt món về nhà ăn chứ không tha thiết với cơm mẹ nấu.
Sinh viên năm thứ nhất Trần Gia Bảo (ở quận 4, TP.HCM) cho biết thích ra ngoài ăn cùng bạn bè những món đang thịnh hành, là trao lưu của giới trẻ như mì cay, cơm trộn hay ăn lẩu, món nướng.
Một cú chạm có ngay phần ăn
Gia Bảo không phải trường hợp cá biệt khi nhiều bạn trẻ ngày càng ưa thích các món ăn ngoài hơn cơm nhà. Theo báo cáo của Momentum Works về thị trường giao đồ ăn tại sáu nước ASEAN, tổng giá trị hàng hóa của dịch vụ này tại Việt Nam trong năm 2023 có mức tăng trưởng gần 53% so với năm trước và tiếp tục có xu hướng tăng mạnh.
Điều này đến từ thói quen ăn uống của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z. Chỉ cần ngồi bất cứ đâu, điện thoại có cài đặt ứng dụng giao đồ ăn là tha hồ lựa chọn đủ loại đồ ăn với giá cả phong phú, tiện lợi, thích hợp với sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ.
Dịch vụ giao đồ ăn qua mạng trở thành phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của nhiều bạn trẻ. Các ứng dụng như Grab, Shopee Foods, beFood đã và đang phát triển mạnh mẽ chiếm lĩnh thị trường với tỉ lệ truy cập trên 40%.
Quỳnh Thi (ở quận 12, TP.HCM) chia sẻ trung bình mỗi tháng đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng từ 6 – 8 lần. “Mình thường đặt đồ ăn bên ngoài khi mẹ không nấu, hoặc đi làm về đặt luôn cho nhanh hơn là vào bếp nấu nướng vừa mệt vừa lỉnh kỉnh”, Thi nói.
Cũng có suy nghĩ rằng phải ăn ngoài hoặc đặt đồ ăn qua mạng mới là thời thượng! Rằng sẽ thấy hào hứng hơn khi đặt và được thưởng thức những món ăn mình yêu thích. Điều này không chỉ mang lại sự thú vị mà còn giúp cho khẩu vị của các bạn trẻ mới mẻ hơn vì hương vị khác xa so với cơm nhà thường khá đơn điệu món ăn.
Hôm nào không hẹn bạn bè ăn ngoài, tôi cũng lên app đặt về nhà ăn. Giá không quá mắc mà nhìn rất bắt mắt. Bữa cơm nhà của tôi giờ chắc đếm trên đầu ngón tay.
TRẦN GIA BẢO (sinh viên tại quận 4, TP.HCM)
Đâu rồi tín đồ mê cơm mẹ nấu
Mâm cơm được dọn lên có món thịt kho nước dừa, canh rau muống, đậu que xào thịt bò, nhưng Thành Hưng (ở quận Tân Bình, TP.HCM) tặc lưỡi: “Lại cơm thịt kho, chán quá!”. Nói xong cậu bước lên nhà trên lướt điện thoại. Chừng 15 phút sau đã có điện thoại của anh giao hàng mang đến phần mì trộn vẫn còn nóng.
Bữa nào không thích ăn cơm nhà, Hưng cứ tự nhiên đặt suất ăn giao tận nơi, hoặc tìm lý do có việc ra ngoài rồi đi ăn cùng bạn bè mặc phần cơm mẹ đã nấu. “Ăn cùng bạn bè quán nào ngoài đường tôi cũng thấy ngon. Còn cơm mẹ nấu đa phần toàn món truyền thống, hết thịt rồi tới cá kho, lâu lâu đổi qua món chiên ăn riết cũng chán”, Hưng nói.
Trong khi đó Hương Nhi (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) kể mỗi tháng chi 1-2 triệu đồng để đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng. Nhi nói đôi lúc có mã giảm giá nên đặt đồ ăn qua mạng cũng không quá tốn nhiều tiền. Cô bạn cười: “Mình thấy đặt đồ ăn rất tiện lợi mà, đỡ tốn thời gian đi mua nguyên liệu rồi còn phải sơ chế, nấu nướng nữa”.
Tuy nhiên, chính sự tiện lợi này khiến cho khá nhiều bạn trẻ ngày càng rời xa những bữa cơm gia đình và cơm nhà không còn là sự lựa chọn ưu tiên nữa. Chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất ít khi được các bạn trẻ để ý với việc ăn ngoài trong khi bữa cơm nhà hoàn toàn có thể yên tâm với tiêu chí này.
Chưa kể chính thói quen tiêu thụ thức ăn nhanh, ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ và chất béo có thể góp phần gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như béo phì, tiểu đường và vấn đề về tim mạch.
Theo các thăm dò thị trường, lượng người dùng phổ biến nhất trên các ứng dụng đặt giao đồ ăn tại Việt Nam thường phổ biến ở các bạn trẻ độ tuổi từ 14-22. Số lượng đơn hàng tăng trưởng đáng kể và họ có thể nhanh chóng tìm kiếm các món ăn mình yêu thích với nhiều lựa chọn đa dạng, phù hợp túi tiền.
Điểm hút khách hàng là các ứng dụng giao đồ ăn luôn có các chương trình ưu đãi dành cho người dùng. Điều đó đánh vào tâm lý khách hàng được ưu ái khi vừa có thể thưởng thức món ngon lại còn tiết kiệm chi phí, thời gian nấu nướng.
Một báo cáo khác từ các nền tảng số và ứng dụng giao thức ăn cho thấy đa số đơn hàng trong danh mục đồ ăn, món được đặt nhiều nhất là những món thuần Việt như cơm, các món sợi, bún khô, bánh mì. Trong đó món cơm Việt Nam kết hợp khá đa dạng các loại đồ ăn, nhiều nhất là món gà được ưa chuộng ở cả hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Bữa cơm mẹ nấu kết nối tình thân
Việc từ chối cơm nhà để ăn ngoài nhìn ở một góc nào đó không chỉ dẫn đến hệ lụy về sức khỏe mà còn là câu chuyện liên quan đến các giá trị văn hóa. Bỏ qua bữa cơm gia đình cũng gần như bỏ lỡ những giá trị tinh thần.
Bữa ăn cùng gia đình không đơn thuần chỉ để nạp năng lượng cho cơ thể mà là khoảnh khắc kết nối tình thân giữa các thành viên với nhau. Ít nhất sau một ngày bôn ba ngoài đường đi làm, đi học, buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, rôm rả trò chuyện sẽ thấy gắn bó cùng nhau hơn.