Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về việc này, ông Nguyễn Vinh Hiển – nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chuyên gia góp ý cho Luật Nhà giáo – cho biết: Quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo là cần thiết để đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực đặc thù là giáo dục.
Nhưng nội dung này đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm chưa hợp lý. Trong tương lai nếu vấn đề này được bổ sung vào luật thì có nhiều điều nên điều chỉnh.
Năng lực giáo dục, năng lực dạy học
Cái mà xã hội đòi hỏi ở các nhà giáo là năng lực giáo dục, năng lực dạy học chứ không chỉ là trình độ đào tạo (tốt nghiệp trường sư phạm). Những gì trường sư phạm trang bị cho giáo viên chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.
Chuẩn đầu ra của trường sư phạm dù tốt đến đâu cũng chỉ là tiếp cận điều kiện hành nghề giáo dục, chưa đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp của nhà giáo.
Năng lực giáo dục hình thành và phát triển đầy đủ phải qua quá trình rèn luyện và học hỏi thực tế từ hoạt động giáo dục. Nếu trình độ đào tạo là kết quả đánh giá của nơi sản xuất (trường sư phạm) với sản phẩm đào tạo thì giấy phép hành nghề dạy học là kết quả đánh giá của người sử dụng sản phẩm đó. Vì thế, trong lĩnh vực giáo dục, giấy phép hành nghề dạy học theo tôi là cần.
Nhưng những quy định cụ thể liên quan tới việc cấp giấy phép hành nghề dạy học chưa hợp lý. Quy định giáo viên thuộc diện tuyển mới phải trải qua kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề là chưa phù hợp.
Sát hạch bằng một bài kiểm tra, dù là vấn đáp, trên giấy hay trên máy thì vẫn chỉ là cách đánh giá kiến thức và tư duy, tương tự như đánh giá trình độ đào tạo. Trong khi năng lực giáo dục cần được đánh giá qua hoạt động giáo dục, dưới sự theo dõi, hướng dẫn của những nhà giáo thật sự có năng lực, giàu kinh nghiệm, tại cơ sở giáo dục đủ uy tín.
Cần quy định rõ ràng
Sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp thì chưa thể có đủ kỹ năng nghiệp vụ, vượt qua kỳ sát hạch để có giấy phép hành nghề mà cần bồi dưỡng, thực hành. Và việc họ phải bỏ tiền, tìm nơi bồi dưỡng để thi sát hạch là việc gây thêm khó khăn.
Trong khi đó ta đang cần thu hút người giỏi vào nghề này. Nên tôi cho rằng thay vì chỉ tuyển dụng nhà giáo khi họ đã có giấy phép hành nghề dạy học thì nên tuyển dụng nhà giáo đủ trình độ đào tạo và chi tiền cho tập sự rồi xét cấp giấy phép hành nghề dạy học.
Theo quy định hiện nay, sinh viên sư phạm phải trải qua quá trình tập sự để được đánh giá và xét tuyển chính thức. Các cơ sở giáo dục làm việc này hoàn toàn tự chủ nhưng không gắn với trách nhiệm giải trình, giám sát nên chưa hợp lý.
Khi đưa ra quy định nhà giáo phải có giấy phép hành nghề thì cần điều chỉnh quy định liên quan tới tập sự sư phạm. Theo đó, cần có các quy định rõ ràng về nội dung, cách thức hoạt động tập sự và yêu cầu cụ thể như nơi tập sự, nhà giáo hướng dẫn tập sự, cách thức đánh giá, thủ tục đề nghị cơ quan quản lý cấp giấy phép hành nghề dạy học…
Với các quy định chặt chẽ, người tập sự dạy học chỉ cần tuân thủ và kết thúc giai đoạn tập sự, không cần phải làm thêm bất cứ thủ tục nào khác. Nhà giáo tập sự phải được thực hành đầy đủ các công việc của nhà giáo, dưới sự hướng dẫn, giám sát của nhà giáo có đủ năng lực, uy tín. Và thay việc nhận quyết định tập sự bằng việc nhận giấy phép hành nghề dạy học.
Việc xét hết tập sự sư phạm giao cho cơ sở giáo dục tự chủ nhưng phải gắn với trách nhiệm giải trình. Ngoài ra cần thêm vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục. Đây cũng là cơ sở cho việc giám sát xã hội và xử lý khiếu nại, tố cáo (nếu có) đối với hoạt động tập sự và cấp giấy phép hành nghề.
Coi trọng vai trò, vị trí nhà giáo trong xã hội
Liên quan tới đề xuất đang gây tranh cãi là miễn học phí cho con nhà giáo, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng chia sẻ quan điểm: “Đề xuất này xuất phát từ sự coi trọng vai trò, vị trí nhà giáo trong xã hội. Vì thế nên tôi không muốn đề cập đến việc công bằng hay không công bằng khi so sánh tương quan giữa nhà giáo với các đối tượng làm việc trong lĩnh vực khác.
Nhưng tôi nhận thấy cơ quan soạn thảo dự án Luật Nhà giáo đã chưa cân nhắc đến phản ứng tâm lý không thuận từ chính các nhà giáo và con họ. Chúng ta biết rằng hiện nay một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông. Cả nước đang hướng đến mục tiêu giáo dục bắt buộc đến hết lớp 9 theo NQ 29, có nghĩa là sẽ không thu học phí của học sinh cho tới khi hết THCS.
Nếu đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo được đưa vào luật và có hiệu lực thì sẽ chỉ có ý nghĩa đối với học sinh từ THPT trở lên. Ở giai đoạn này, người học ở độ tuổi chín chắn trong suy nghĩ và có tính tự trọng cao.
Họ sẽ cảm thấy không ổn khi mình là đối tượng được ưu tiên, trong khi có nhiều người khác còn khó khăn hơn mình. Cảm xúc đó sẽ không giống với cảm xúc tự hào khi họ tự mình cố gắng để học giỏi và có học bổng.