PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – cho biết với nhiều thay đổi trong thi và xét tuyển, năm 2025 sẽ là năm các thầy/cô giáo, các cơ sở đào tạo có nhiều việc phải làm, để giúp học sinh nắm bắt những cơ hội học tập phù hợp nhất cho mình.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về vai trò, ý nghĩa của Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2025.
* Năm 2025 là năm thứ 23 Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ diễn ra, cũng sẽ là năm thứ 18 Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng hành cùng chương trình. Theo bà, chương trình đã có những tác động, ảnh hưởng thế nào đến những lựa chọn học tập, nghề nghiệp của các bạn học sinh thời gian qua?
– Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã đồng hành cùng các học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn được tìm hiểu, tiếp xúc trực tiếp với những quy định chính xác, kịp thời liên quan tới việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Việc các em học sinh được các thầy/cô giáo, các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo uy tín tham gia chương trình trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trong việc chọn ngành học, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình đã giúp các em có những lựa chọn học tập tốt hơn, phù hợp với xu thế việc làm trong tương lai.
Đồng thời khi các em học sinh được tư vấn – hướng nghiệp kỹ cũng dần giảm tỉ lệ sinh viên thôi học giữa chừng, chuyển trường vì học sai ngành, sai trường, tránh gây tốn kém thời gian và tiền bạc của gia đình và xã hội.
Hiện nay trên không gian mạng, những thông tin tư vấn tuyển sinh không chính thống cũng xuất hiện tràn lan khiến học sinh và phụ huynh “ngợp”, không biết đâu là thông tin chính xác. Từ thực tế này, Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ lại càng trở nên cấp thiết, như một “bộ lọc thông tin” cung cấp kiến thức chính thống, chính thức đến thí sinh.
Năm 2025 sẽ là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về nội dung thi, kéo theo những thay đổi nhất định trong quá trình tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Do đó, các thầy/cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải thông tin, phải tư vấn để chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách, quy định tới học sinh, giúp các em nắm bắt và không bỏ lỡ những cơ hội học tập phù hợp nhất, tốt nhất cho tương lai.
* Những điểm mới/nội dung tư vấn quan trọng nào sẽ được bộ chia sẻ tại các chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2025?
– Mỗi năm, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp lại đón một lứa học sinh mới, thế nên những thông tin tư vấn mặc dù đã được “nói đi nói lại” nhiều lần, nhiều năm nhưng vẫn sẽ là những nội dung tư vấn trọng yếu với thí sinh. Bên cạnh đó có sự cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
Tiêu biểu như thông tin cập nhật về quy chế thi tốt nghiệp THPT, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng; điểm mới của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy; những lưu ý trong xét tuyển sớm; chiến thuật sắp xếp nguyện vọng để gia tăng cơ hội trúng tuyển… Đặc biệt là những gợi ý, gợi mở về cách chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, kinh tế gia đình.
Thời điểm hiện tại chưa chính thức ban hành quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng sư phạm mầm non năm 2025. Tuy nhiên, thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non, nhằm tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay, hướng tới tăng cường sự công bằng, minh bạch, nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Theo đó, dự kiến bộ sẽ có một số quy định mới liên quan tới ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, sức khỏe; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh…
Những nội dung sửa đổi bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.
* Với nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, theo bà, chương trình tư vấn tuyển sinh năm nay cần có sự thay đổi thế nào về nội dung tư vấn, cách thức tư vấn?
– Để việc tư vấn được hiệu quả, lan tỏa sâu rộng đến nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa hơn nữa, ngoài tư vấn trực tiếp cần có những chương trình tư vấn trực tuyến, chuyên trang tư vấn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của thí sinh từ khắp các vùng miền.
Thời gian qua, xã hội cũng đã có những hiểu nhầm về khái niệm “xét tuyển sớm”. Theo đó, đợt xét tuyển sớm khác với phương thức xét tuyển. Xét tuyển sớm là sớm về mặt thời gian, sớm hơn đợt xét tuyển chung về việc công bố trúng tuyển, dành cho các thí sinh có năng lực vượt trội có điểm trúng tuyển phải cao hơn so với đợt xét tuyển chung và cũng phải đưa vào hệ thống xử lý nguyện vọng chung cùng đợt xét tuyển chung.
Còn các phương thức như xét học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, điểm chứng chỉ quốc tế… đều có thể sử dụng cho cả đợt xét tuyển sớm và đợt xét tuyển chung. Riêng xét tuyển sớm thì do thời gian sớm nên chưa thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Do vậy các thí sinh đang tập trung ôn tập cho phương thức xét tuyển nào cũng đều có thể sử dụng cho xét tuyển sớm và xét tuyển chung, các em yên tâm và tự tin, hãy cứ tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập/ôn tập thật tốt để có kết quả cao nhất.
Các em học sinh, phụ huynh khi có cơ hội trực tiếp tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh đừng ngại đặt câu hỏi, bởi đây là cơ hội hiếm có để được giải đáp tất cả những băn khoăn, thắc mắc từ các nhà quản lý giáo dục một cách chuyên sâu nhất, gỡ bỏ những phân vân, lúng túng về các thông tin xét tuyển, cơ hội học tập, việc làm, cách chọn ngành, chọn trường.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy