Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại đặc biệt là chính sách thuế do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế tổ chức ngày 24-7 tại TP Đà Nẵng.
Tạo gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm
Tại hội thảo, TS Nguyễn Khánh Phương – viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế – cho biết tại Việt Nam, mỗi năm ước tính số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân.
Các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc.
TS Phương cho rằng có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm, trong đó có hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối…
“Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…”, TS Phương nêu.
PGS.TS Trương Tuyết Mai – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế – cho biết người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này.
Tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỉ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán…
Làm gì để giảm lượng đường tiêu thụ?
PGS.TS Trương Tuyết Mai cho hay chúng ta nên ưu tiên sử dụng đường trong thực phẩm tự nhiên, thực phẩm lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều đường, muối… Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Theo bà Mai, người dân có thể giảm đường tiêu thụ bằng cách sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.
Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô…
“Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.
Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ”, bà Mai nêu.
TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh – Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế – cho hay nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhóm chính sách về tài chính, ghi nhãn dinh dưỡng hàm lượng đường và cảnh báo sức khỏe, hạn chế quảng cáo, giảm tính sẵn có để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, sử dụng thực phẩm lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó là nhóm chính sách truyền thông thay đổi hành vi về chế độ ăn uống lành mạnh, giáo dục dinh dưỡng…
Nhiều ý kiến cho rằng với các sản phẩm nhiều đường được trẻ em tiêu thụ thường xuyên cần phải cho vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai.