Mỹ Trâm (24 tuổi, ở TP.HCM) kể thất vọng vô cùng và có phần thoái chí sau khi trải qua 6 vòng phỏng vấn nhưng kết quả chỉ là cái email cảm ơn thay vì chúc mừng. Mà trường hợp như Mỹ Trâm không còn hiếm gặp hiện nay.
Vị trí nào cũng cần phỏng vấn nhiều vòng
Mỹ Trâm kết thúc 2 năm làm nhân viên văn phòng vì mức lương không đủ trang trải. Cô rải hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, tham gia nhiều cuộc phỏng vấn. Trong đó vị trí chuyên viên quản trị rủi ro, Trâm phải qua 6 vòng phỏng vấn.
Vòng đầu tiên, bộ phận nhân sự phỏng vấn qua điện thoại sau khi đậu CV. 5 vòng phỏng vấn trực tiếp gồm kiểm tra IQ, EQ, xử lý tình huống giả định, làm việc nhóm, thuyết trình trước quản lý các bộ phận, cuối cùng là phỏng vấn riêng với giám đốc điều hành.
Hơn một tháng cho 6 vòng phỏng vấn, việc trao đổi về quyền lợi, nghĩa vụ cũng nói rất kỹ và Trâm khá tự tin với kết quả. Nhưng không, sau ba ngày chờ đợi, cô gái bị công ty từ chối thẳng thừng.
“Tôi thấy phí thời gian, tốn công sức và cả tiền bạc đã dành cho quá trình tuyển dụng đó. Nếu bắt buộc tuyển dụng nhiều vòng cũng nên hỗ trợ chi phí đi lại cho ứng viên chứ”, Trâm nói.
Chỉ ứng tuyển làm nhân viên phục vụ tại một chuỗi quán ăn Hàn Quốc, Thúy An (23 tuổi, ở TP.HCM) cũng phải cần đến 4 vòng phỏng vấn, hết tròn tháng.
Ban đầu nghe quy trình tuyển dụng, An có phần ái ngại vì thấy “làm quá” so với mấy chỗ từng ứng tuyển vị trí tương tự. Nhưng cô muốn có việc làm ngay nên đành chấp nhận.
An phải làm bài kiểm tra tiếng Anh, phỏng vấn với bộ phận nhân sự, sau đó với sếp rồi cả thực hành xử lý tình huống. Chờ đến tuần thứ ba vẫn chưa có kết quả nhưng vẫn cố thêm chút nữa.
Cuối cùng, cái kết là chỉ nhận được sự im lặng, đến một email từ chối tử tế cũng không có. “Tôi cũng không hiểu tuyển một nhân viên phục vụ mà cần đến quy trình tuyển dụng chặt chẽ và mất thời gian như vậy để làm gì?”, An bày tỏ.
Điều bình thường ở các công ty đa quốc gia
Phỏng vấn nhiều vòng không còn xa lạ với chuyên viên tài chính Minh Thư (26 tuổi, ở TP.HCM). Mấy công việc cô từng nộp hồ sơ đều qua ít nhất 4 vòng phỏng vấn trở lên.
Vì tham gia chương trình tuyển dụng của các tập đoàn đa quốc gia hoặc công ty có chương trình tuyển dụng định kỳ số lượng lớn nên với Thư, việc tuyển dụng gắt gao nhiều vòng là bình thường.
“Doanh nghiệp lớn thường cần những nhân sự có chuyên môn và kỹ năng vượt trội nên phải có nhiều vòng sàng lọc, kiểm tra kỹ năng và phỏng vấn trực tiếp với nhiều cấp quản lý là phù hợp. Chỉ cần nội dung từng vòng hợp lý, tôi đều chấp nhận”, Thư nói.
Kinh nghiệm của cô gái này là trong quá trình tham gia các vòng phỏng vấn ở công ty này vẫn tham gia chương trình tuyển dụng của nơi khác để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Chỗ nào ngỏ lời đồng ý trước và nếu đúng danh sách yêu thích thì chọn trước, nếu không cứ chờ cân nhắc thêm.
Nguyễn Đức (24 tuổi, ở TP.HCM) cho biết giữ quan điểm nói “không” với doanh nghiệp tuyển dụng nhiều vòng.
Theo anh, doanh nghiệp mà cứ quy trình phỏng kéo dài là dấu hiệu cho sự bất cập, thiếu thống nhất trong nội bộ nên ứng viên mới phải qua nhiều vòng phỏng vấn các cấp quản lý khác nhau.
Hơn nữa, làm việc ở lĩnh vực sáng tạo nên các giải pháp hay sáng kiến mà anh trình bày cho công ty ở các vòng thể hiện năng lực không cần thiết, chưa kể có thể bị mất nếu không đậu.