Cô Hồng vẫy lại, nói dịu dàng: “Mai lên trường, cô chuẩn bị áo trắng, khăn quàng và sách vở nữa. Có nhiều bánh kẹo lắm, các em lên trường nhận sách vở về để đi học nhé”.
Từ cậu học trò áo trắng màu cháo lòng
Đó là hai trong nhiều học trò mà cô giáo Hồng đã hỗ trợ, giúp đỡ trong hơn 10 năm làm nghề dạy học ở xã vùng sâu, khó khăn này. Chính vì thế, hình ảnh cô giáo đi vận động học trò, thuyết phục phụ huynh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã quen thuộc với người dân ở Plao Siêng và nhiều buôn làng khác ở huyện Lắk và Krông Nô (Đắk Nông).
Cô Hồng kể năm 2013 cô tốt nghiệp sư phạm văn Trường ĐH Tây Nguyên nhưng không xin được việc làm. Thế là suốt bốn năm liền, cứ trường nào trong huyện có cô giáo nghỉ thai sản là cô Hồng xin dạy thay mấy tháng.
Mãi đến năm 2017, Hồng mới được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường THCS Trần Quốc Toản. “Đến nay mình cũng chưa được vào chính thức, vẫn là giáo viên hợp đồng, nhưng mình vui vì được làm đúng nghề, được giúp đỡ học trò”, cô Hồng tâm sự.
Cô Hồng nhớ lại những ngày đầu khi về trường, vào dịp 20-11 một cậu học sinh người Mông mặc bộ áo trắng đã nhuốm màu cháo lòng, cúc đã đứt mất hai cái, bẽn lẽn lên gặp cô.
“Bạn ấy đưa từ sau lưng ra một bông hoa nhựa tặng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc cô luôn khỏe. Hình ảnh mộc mạc ấy khiến mình rất xúc động và luôn ghi nhớ.
Sau nhiều năm đi dạy, được chúc mừng Ngày Nhà giáo mỗi năm, nhưng hình ảnh cậu học trò ấy khiến mình rất ấn tượng. Mình cũng thương học trò chỉ có những bộ quần áo xộc xệch đến trường, cơm ăn còn chưa no nên học con chữ cực vất vả”, cô nói.
Thế là cô Hồng về lập Câu lạc bộ thiện nguyện Trao yêu thương để vận động nhà hảo tâm tặng sách vở, quần áo giúp học trò tự tin trong ngày tựu trường.
“Năm nay mình đã vận động được hàng trăm bộ cặp, sách và 60 bộ áo trắng để tặng học trò. Mình cũng đang cùng Câu lạc bộ thiện nguyện Trao yêu thương vận động thêm học phí giúp đỡ các em quá khó khăn có nguy cơ nghỉ học giữa chừng”.
Giúp học sinh tự tin đến trường
Mấy ngày nay, cô Hồng tất bật chuẩn bị mọi thứ từ học phí, tiền ăn đến việc sắm một số vật dụng để em Vừ Thị Sanh, tân sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên, nhập học. Cô Hồng là giáo viên chủ nhiệm của Sanh năm lớp 9. Hồi đó, nghe cô bé nói phải nghỉ học vì cha mất, một mình mẹ không cáng đáng nổi việc nuôi sáu người con.
“Mẹ muốn Sanh nghỉ học về đi làm thuê phụ gia đình, nhưng em lại rất muốn học. Học để thoát khỏi cảnh nghèo, thoát khỏi quan điểm của buôn làng con gái cần gì học, chỉ cần lấy chồng sinh con”, cô nhớ lại.
Thế là cô Hồng tất tả chạy vào nhà Sanh thuyết phục mẹ của học sinh. Cô hứa sẽ lo cho tiền ăn, tiền học thì mẹ của Sanh mới chấp nhận. Lên cấp III, Sanh đi học cách nhà đến 50km, cô cũng nhờ bạn bè và đồng nghiệp hỗ trợ em để em có việc làm thêm, hoàn thành chương trình THPT với thành tích học sinh xuất sắc ba năm liên tiếp.
Thầy Trịnh Văn Quyết, hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, cho biết trường nằm ở xã vùng sâu, điều kiện kinh tế của hầu hết phụ huynh còn rất khó khăn. Năm nào nhà trường cũng phải đi vận động để hỗ trợ thêm, giúp các em học sinh không phải nghỉ học.
“Tôi mới về trường được hai năm nhưng hoạt động thiện nguyện, kêu gọi để giúp đỡ học trò của nhóm cô Hồng đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nhiều em học sinh không chỉ được hỗ trợ quần áo, giày dép, sách vở mà còn được cấp học phí, một ít tiền ăn hằng tháng. Việc làm của cô Hồng giúp các em học sinh bớt khổ và tự tin đến trường hơn”, thầy Quyết tâm sự.
Cô giáo vận động hàng ngàn cặp sách, bộ quần áo cho học sinh
Ông Đặng Xuân Kiên, chủ tịch UBND xã Ea R’bin, cho biết cô Hồng là một điểm sáng ở địa phương. Nhiều năm nay cô Hồng cùng nhóm của mình luôn vận đồng hàng ngàn bộ cặp sách, quần áo mới, quà tặng, tiền để giúp cho học sinh được tựu trường.
Cô cũng là người nhiệt tình đi đến từng hộ dân vận động học trò đi học, thuyết phục phụ huynh không bắt con ở nhà đi làm nương rẫy. Đặc biệt, cô không chỉ giúp cho học trò trường mình mà còn cho học trò nhiều trường học khác.