Cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop: Chấn chỉnh nhưng xem lại đồng lương giáo viên

Tin nhắn trao đổi giữa cô H. và phụ huynh học sinh lớp 4/3 – Ảnh: PHCC

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, đầu tháng 9-2024, cô H. – giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM – xin phụ huynh đóng góp tiền để mua laptop cá nhân. Cô H. đã xin phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng khi mua laptop giá 11 triệu.

Trong quá trình này, cô H. đã tạo bình chọn trên group trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, nhưng có một vài phụ huynh không đồng ý và một số phụ huynh không ý kiến. Vì thế, cô H. nói sẽ không nhận tiền hỗ trợ mua laptop, đồng thời không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

Dù nói “không nhận ủng hộ” từ phụ huynh học sinh để mua laptop nữa nhưng cô H. vẫn giữ quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và không trả lại số tiền phụ huynh ủng hộ mua laptop cho ban đại diện lớp.

Sự việc gây bức xúc và được phụ huynh phản ánh đến báo chí. Ngày 28-9, cô H. đã bị tạm đình chỉ đứng lớp trong thời gian chờ xử lý sự việc.

Buồn cho nghề giáo

Nhiều bạn đọc cảm thấy buồn cho môi trường giáo dục lại mất đi sự trong sạch đẹp đẽ vốn có bởi những “con sâu làm rầu nồi canh” như cô H..

“Chính những người như thế này làm cho biết bao hình ảnh đẹp mà ngành giáo dục xây dựng đổ sông đổ biển”, bạn đọc Trinh Tú viết.

“Thật buồn khi cứ đầu năm là lại xảy ra tình trạng lạm thu như vậy, mà không biết người đầu ngành giáo dục có biết hay không, và cũng thật đáng buồn lại có những giáo viên như vậy…”, tài khoản mngh****@gmail.com chia sẻ.

Bạn đọc Hang bày tỏ: “Là một giáo viên đại diện cho bộ mặt giáo dục trường, lớp mà vòi vĩnh quà bằng được. Đâu ra cái chuyện vô lý mất laptop cá nhân thì vòi phụ huynh quyên góp!”. 

Tương tự, tài khoản Thanhlongltdn có ý kiến: “Laptop là công cụ làm việc của cá nhân cô, cô làm mất thì phải tự sắm lại chứ”.

Trong khi đó, bạn đọc Quang Thanh cho rằng: “Đây là sự việc đáng buồn. Nhưng cũng cần nhìn vấn đề sâu xa hơn là hầu hết giáo viên hiện nay đều có đồng lương không đủ trang trải cuộc sống. 

Khi cuộc sống quá khó khăn sẽ nảy sinh chuyện không mong muốn. Việc này cần nhanh chóng cải thiện để lực lượng giáo viên yên tâm công tác và cống hiến hết lòng với nghề”. 

Tuy nhiên, có ý kiến tranh luận lại, bạn đọc Ngô Tấn Thuận viết: “Đã chọn con đường này thì phải chấp nhận trước đã. Một nghề cao quý mà đi đòi hỏi phụ huynh học sinh như thế thì dạy học sinh như thế nào? 

Biết là lương không đủ trang trải cuộc sống nhưng hãy lên tiếng với cơ quan, cấp trên và những hỗ trợ của các tổ chức nhà trường. Không nên yêu cầu phụ huynh phải đáp ứng yêu cầu cá nhân của mình”. 

Nên nghiêm cấm việc mượn danh hội phụ huynh học sinh đứng ra thu tiền

Để không còn những hình ảnh xấu xí như vậy trong môi trường giáo dục, nhiều bạn đọc cho biết cần phải chấn chỉnh không chỉ việc lạm thu, mà còn phải chấn chỉnh cả phẩm chất đạo đức nhà giáo.

Theo bạn đọc Trần Văn Tám: “Lấy danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, có trường nhờ hội cha mẹ học sinh vận động mua tivi, máy lạnh, đèn, quạt… Giờ đến giáo viên xin thẳng phụ huynh tiền mua laptop và máy in chỉ làm việc soạn đề cương ôn tập thì tôi cảm nhận cô giáo này quá xem thường chính mình về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo”.

“Chung quy cũng lợi dụng phụ huynh học sinh để vòi tiền. Thiết nghĩ đã đến lúc phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm tất cả sai phạm xảy ra tại trường. Đặc biệt, nghiêm cấm việc mượn danh hội phụ huynh học sinh đứng ra thu tiền phụ huynh dưới mọi hình thức”, bạn đọc Phan Hà Dũng bình luận.

Không chỉ chấn chỉnh việc thu chi trong nhà trường, tài khoản Dân Tộc cho rằng sau sự việc này “ngành giáo dục phải chấn chỉnh từ trên xuống, chấn chỉnh cả tư duy… Tôi mong các cấp lãnh đạo luôn giám sát ngành giáo dục vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *