Cô Hiền, cô Hòa của học sinh chuyên biệt: Dạy các con cài nút áo cũng là nỗ lực lớn

Cô Ngọc Hiền và Kim Hòa (hàng đứng, thứ hai và ba từ phải qua) cùng tập với học trò để biểu diễn tại lễ tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” TP.HCM 2024 – Ảnh: K.ANH

457 thầy cô giáo trẻ đã được Thành Đoàn TP.HCM vinh danh, trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp TP năm 2024 được chọn từ cả ngàn hồ sơ đề cử. Một cách âm thầm, các thầy cô vẫn đang gieo chữ và nuôi những mầm xanh trong vườn hoa giáo dục của TP mang tên Bác.

Chương trình tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2024 tối 18-11 có một tiết mục đặc biệt của hai cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiền và Lê Thị Kim Hòa – giáo viên Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú, TP.HCM) diễn cùng những học trò cũng rất đặc biệt của mình.

Cách nhau ba khóa, hai cô giáo ấy cùng chọn học ngành giáo dục đặc biệt Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM. Họ có chung mong ước giúp những đứa trẻ vượt qua khiếm khuyết bản thân, hòa nhập với xã hội.

Các học trò trường chuyên biệt đã thiệt thòi nhiều lắm rồi, cố gắng để bù đắp phần nào cho các em luôn là mong mỏi lớn nhất của chúng tôi trong hơn chục năm gắn bó với nghề.

Cô LÊ THỊ KIM HÒA

Mỗi trò một giáo án riêng

Cơ duyên đưa cả hai cô về công tác tại Trường chuyên biệt Bình Minh. Không như giáo viên ở các trường học khác, hành trang lên lớp mỗi ngày của hai cô không chỉ là giáo án, bảng đen, phấn trắng mà còn có cả sự kiên nhẫn. Bởi để dạy trẻ chậm phát triển từng con chữ, mỗi lời hát nếu không đủ kiên nhẫn và yêu trẻ sẽ không dễ tìm tòi cách dạy hiệu quả để giúp các bạn hợp tác nhóm và tiếp thu tốt ở lớp.

Vì vậy, để có thể làm bạn, việc nắm bắt tâm lý, hiểu nhu cầu và hoàn cảnh của từng đứa trẻ rất quan trọng. Chưa kể còn phải phối hợp chặt chẽ với gia đình mới mong tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho các bạn ấy.

Hai cô giáo khoe, với mình hay bất cứ giáo viên nào của ngôi trường chuyên biệt ấy, chẳng có niềm vui nào lớn hơn khi thấy học trò ngoan hơn, nghe lời hơn, biết cầm bút và viết được những nét chữ đầu tiên.

Cô Hòa phụ trách lớp KN2 dành cho trẻ từ 5 – 9 tuổi, chủ yếu dạy các bạn nhỏ những kỹ năng cơ bản bởi đa số học trò là trẻ khuyết tật đủ thể trạng, có trẻ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật vận động… Có bạn 9 tuổi nhưng trí tuệ chỉ như trẻ 1 – 2 tuổi, không thể dạy chữ mà chủ yếu tập cho các con biết chăm sóc bản thân.

“Dạy cho các bạn biết đi vệ sinh đúng nơi quy định, không tè dầm, biết cài nút áo cũng là cả chặng đường cô phải kiên nhẫn rèn và trò nỗ lực ghi nhớ”, cô Hòa chia sẻ.

Trong khi cô Hiền phụ trách lớp của các bạn từ 8 – 12 tuổi và mỗi bạn cũng có thể trạng, mức độ khiếm khuyết khác nhau. Không thể có giáo án chung, giáo án của cô chính là sự linh hoạt khi dạy từng bạn. Điều này buộc cô phải quan sát, theo dõi ngay cả khi mỗi bạn bày tỏ thái độ, hành vi để kịp thời uốn nắn.

“Có khi áp dụng cách đó với bạn này phù hợp nhưng với bạn khác lại thành phản tác dụng. Giáo án riêng cho từng học trò ở trường chuyên biệt là vậy”, cô Hiền cười.

Hạnh phúc khi trò hòa nhập

Giờ học thông qua trò chơi giúp các bạn hiểu về các bộ phận cơ thể mình. Nhanh như chớp, Kim nhào đến cầm tay cô Hiền cắn ngấu nghiến rồi nhả ra như không có chuyện gì. Bất ngờ nhưng cô Hiền cũng không phản ứng gì vì đã quen với việc này. Có khi còn đùa nhau lớp 10 bạn thì Kim cũng thử da tay có thơm không gần hết rồi.

Cô Hiền nói mỗi bé có những khiếm khuyết nhất định, có bạn tự kỷ hoặc có vấn đề về thần kinh nhẹ, giáo viên theo dõi, phối hợp cùng gia đình cho trẻ đi bệnh viện điều trị. Học trò cắn, túm tóc, thậm chí tự nhiên chạy lại tát cô đã quá quen với cô giáo đứng lớp trẻ chậm phát triển, tự kỷ. Bởi các cô hiểu ấy là hành động bộc phát vì trẻ không thể làm chủ cảm xúc.

Cô Hiền tâm sự: “Đã làm thầy cô chắc ai cũng mong chứng kiến các con trưởng thành. Với tôi, chỉ cần các con tiến bộ từng chút một mỗi ngày, có thể tự chăm sóc bản thân.

Đã có bạn đi phụ quán ăn, bán vé số… tình cờ gặp ngoài đường nhận ra và gọi, chào cô Hiền. Niềm vui đó không thể so với bất kỳ thứ gì”.

Lòng yêu thương và sự hy sinh là thứ chưa bao giờ thiếu với cô giáo của những học trò đặc biệt ấy.

Ngoài dạy chữ, bài giảng của các cô luôn được sáng tạo để hỗ trợ các bạn kỹ năng sống, sao cho khi về nhà ít nhiều cũng hòa nhập với cộng đồng, biết giúp ba mẹ vài công việc trong nhà. Tiếp lời, cô Hòa nói giáo viên dạy trẻ khuyết tật trí tuệ không chỉ truyền đạt kiến thức mà phải là tấm gương cho học trò.

Mỗi lớp học ở ngôi trường này chỉ trên dưới chục trẻ nhưng để có thể vừa quản vừa dạy theo giáo án chung và riêng cho từng bạn với mỗi cô quả là mướt mồ hôi. Vậy là ngoài lên lớp, hai cô giáo trẻ ấy còn sắp xếp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vào ngày nghỉ.

Nhiều năm qua, cả hai cô đều là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận và TP.

Yêu thương và hy sinh

Cô Võ Thị Cẩm Thúy – hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh – cho rằng chọn làm cô giáo của trẻ khuyết tật, mỗi cô phải thật sự rất kiên nhẫn, chấp nhận hy sinh và yêu trẻ nhiều lắm mới có thể gắn bó hơn chục năm với nghề.

Theo cô Thúy, mỗi trẻ có những khiếm khuyết khác nhau, tính khí và hành vi cũng khác nhau mà hai cô Hiền và Hòa đều phải hiểu từng trẻ mới giúp các em vượt lên chính mình chứ khó so sánh với những đứa trẻ bình thường khác.

“Nhiều lần bị học trò gây thương tích, chỉ có tình yêu thương mới đủ sức níu kéo các cô gắn bó với nghề ở ngôi trường chuyên biệt cùng những đứa trẻ đặc biệt này”, cô Thúy bày tỏ.

Cô hiền hòa của học sinh chuyên biệt - Ảnh 2.Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương thầy cô giáo tiêu biểu

‘Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập, nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó’, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ với các nhà giáo.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *