Có nên xem mảng dạy thêm là ‘kinh doanh có điều kiện’?

Học sinh học thêm sau giờ học chính khóa tại một điểm dạy thêm ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Việc đưa một ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh trong ngành đó được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích chung của xã hội.

Việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho học sinh, cho cả giáo viên.
Nhà giáo Chu Cẩm Thơ

Vấn đề tranh cãi

Việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Tuy chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động của việc dạy thêm đến an sinh quốc gia về quy mô kinh tế, đến sức khỏe tinh thần, thể chất, trí tuệ…, sự phát triển của nguồn nhân lực, chất lượng dạy và học… nhưng chúng ta đều dễ dàng nhận ra dạy thêm thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội.

Nếu dựa vào những tiêu chí ảnh hưởng đến an sinh như sự phổ biến của ngành nghề, sự phát triển của nguồn nhân lực… thì chúng ta sẽ thấy dạy thêm thực sự là ngành nghề đặc biệt.

Do đó, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho học sinh, cho cả giáo viên.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm cần phải hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, phối hợp, môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho học sinh. Những việc này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Quản lý chặt chẽ, minh bạch

Khi được quản lý như một danh mục kinh doanh có điều kiện, việc quản lý hoạt động dạy thêm sẽ chặt chẽ. Việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm, giúp phụ huynh, học sinh, giáo viên dễ dàng lựa chọn và so sánh, ngăn chặn hoạt động dạy thêm trái phép, không đảm bảo chất lượng.

Việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giảm thiểu bất bình đẳng thúc đẩy việc học thêm phải dựa trên nhu cầu thực của người học, và khả năng đáp ứng của đơn vị cung cấp dịch vụ. Từ đó vai trò của gia đình, phụ huynh, của chính người học thực sự được nâng cao, mang tính quyết định khi lựa chọn dịch vụ dạy thêm.

Đặc biệt, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học. 

Điều này quan trọng trong thực tế hiện nay, khi ranh giới giữa hai hoạt động này mập mờ, khiến không ít nhà trường, tổ chức giáo dục không thực sự làm tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục của mình, khiến việc lạm dụng dạy thêm xảy ra.

Việc ủng hộ đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện đặt ra cả vấn đề quản lý nhu cầu học thêm và năng lực dạy thêm.

Đối tượng của dạy thêm là học sinh – phần lớn là những người còn đang ở độ tuổi chịu sự giám hộ, chưa độc lập, chưa tự chủ, chưa thể xác định rõ nhu cầu học thêm của họ. Người tham gia dạy thêm cũng có sự đặc thù, khi ở nước ta hầu hết họ là những giáo viên đang tham gia giáo dục chính khóa.

Do tính chất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến xã hội và sự phát triển của từng học sinh, sẽ không dễ khi minh bạch hóa các thông tin tác động của sản phẩm dạy thêm để định giá, xác định chất lượng dịch vụ.

Đồng thời việc quản lý dịch vụ này không hề đơn giản. Do đó, vấn đề đặt ra là xác định cơ quan quản lý dịch vụ dạy thêm, giải pháp cho các cơ sở dạy thêm minh bạch chất lượng và phát huy được tích cực của dạy thêm trong thực tế giáo dục.

Nhu cầu có thật

Sau bài viết “Dạy thêm cần quy định cụ thể” trên Tuổi Trẻ ngày 21-11, nhiều bạn đọc đã có ý kiến về việc này.

Bạn đọc Võ Quốc Trung bình luận: “Học thêm là nhu cầu có thật, cần ban hành các quy định pháp luật cụ thể. Việc cấm giáo viên dạy học sinh của mình trên lớp chính khóa (hoặc cả học sinh của trường mình công tác) là phòng chống tiêu cực, đáp ứng nguyện vọng phụ huynh học sinh. Nếu việc dạy thêm gây phản cảm thì Bộ GD-ĐT cần xem xét lại toàn diện vấn đề này”.

Bạn đọc Toan…@gmail.com cũng ý kiến: “Nhu cầu học thêm để làm việc, hiểu biết là trân quý. Việc dạy thêm, học thêm cần có tổ chức, quản lý tại các trung tâm đủ điều kiện (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, môi trường, đóng thuế…).

Nên cấm dạy học thêm tràn lan trong các trường phổ thông công lập hoặc tổ chức kéo học sinh về nhà riêng dạy. Trường phổ thông cần tổ chức dạy ngoại khóa, các hoạt động xã hội… ngoài dạy văn hóa”.

Bạn đọc An Nhiên kể: “Ở xã mình có một số giáo viên chỉ dạy thêm học sinh lớp họ, còn ép các em đi học thêm nữa. Em nào học thêm với cô thì được học trước chương trình, biết trước đề kiểm tra. Em nào không học thì có giỏi đến mấy cũng không thể lấy được điểm 10 của cô vì nhiều cái trong đề ra vượt ngoài nội dung SGK”.

Tương tự, một bạn đọc tâm sự: “Ở địa phương tôi học sinh tiểu học đi học thêm tràn lan. Các cháu mới lớp 1 mà học cả ngày trên lớp, tối đến còn tới nhà cô để học thêm, không có thời gian để nghỉ ngơi, thật tội nghiệp. Nên cấm 100% các hoạt động dạy thêm học thêm cấp tiểu học”.

Bạn đọc Huy Hoàng đề xuất: “Theo tôi, luật phải nghiêm cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường chính học sinh của mình thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề, những bức xúc lâu nay trong dư luận xã hội”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *