Sinh ra chỉ có mẹ, chưa một lần được nhìn thấy cha, lớn lên nhờ túi cá, bao ve chai của ngoại, đến trường bằng sự bao dung của cộng đồng… là cuộc đời đầy nỗ lực của tân sinh viên Lê Thị Liên.
Những ngày giữa tháng 8, báo Tuổi Trẻ nhận được những dòng tâm thư của cô bé tân sinh viên Lê Thị Liên (18 tuổi, ngụ tổ 4, khóm Phú Nhứt, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Qua mấy cuộc hẹn mới gặp được Liên, bởi những ngày này em phải lên TP.HCM đăng ký nhập học.
Liên là một cô gái hoạt bát, năng động, luôn nở nụ cười, trông không giống những gì mô tả trong bức tâm thư. Nhưng khi vượt qua dòng kênh Vĩnh Tế, nhà Liên là một thế giới hoàn toàn khác. Phía trước căn nhà gỗ tạp bé xíu, lợp mái tôn, hai người phụ nữ mặt lúc nào cũng ngơ ngác. Đó là mẹ và chị hai của Liên.
Liên vào bếp lo bữa trưa cho cả nhà. Bữa ăn của mấy mẹ con hôm đó chỉ là nồi cơm trắng, một nồi canh măng kèm ít rau bình bát dây hái ở bụi sau hè, cùng chén nước mắm. Liên nói: “Ăn vậy là ngon rồi. Vì ngoại bán cá nên ăn cá ế riết ngán rồi. Mấy con gà mẹ nuôi để lớn lên bán kiếm tiền. Cả nhà hiếm khi dám ăn lắm”.
Liên kể tiếp, mẹ cô tên Lê Thị Đẹp, năm nay 42 tuổi, mắc chứng tâm thần từ lúc mới sinh. Liên là con giữa. Cô có chị hai và một em trai út. Nhưng ba chị em đều có cha khác nhau, và cả ba cùng bị những người cha ruồng bỏ từ lúc còn trong bụng mẹ.
Cuộc trò chuyện hôm đó bị cắt ngang bởi tiếng khóc của trẻ, đứa bé xanh xao, gầy gò mếu máo, là con gái của chị hai. Năm nay, cháu của Liên lên 3 tuổi nhưng chưa nói được từ nào, cháu bé cũng dần có biểu hiện bệnh giống như mẹ. Liên và em trai út được bình thường, được đi học là điều may mắn, là tia sáng cuối cùng của cả gia đình.
Mang tiếng ở phường, nhưng gia đình Liên sống biệt lập bên bờ sông, xung quanh không một người hàng xóm. Phía bên kia sông là một thế giới khác, lúc nào cũng nhộn nhịp và huyên náo. Căn nhà nhỏ mà ba thế hệ con người chen chúc sống ở đó cũng được dựng nhờ trên đất của nhà nước. Cũng không ít lần địa phương đến “vận động” dời đi. “Mấy lúc như vậy mình thấy tủi thân. Vì nghèo khó, không có đất đai mà ngoại và mẹ đành phải sống nhờ ở đây. Nhưng cũng may là mấy cô chú ở địa phương đồng cảm, cho cam kết di dời khi gia đình mình có điều kiện”, Liên nói.
Lúc ông ngoại Liên còn sống, gia đình có bảy miệng ăn. Mỗi sáng ông ngoại thường hay phụ giúp bà đi đặt lọp kiếm cá mang ra chợ bán. Còn buổi chiều, bà ngoại đạp xe quanh xóm mua ve chai bán lại kiếm lời. Ông ngoại Liên mất sau kỳ thi THPT của Liên ba ngày. Bây giờ, khi Liên chuẩn bị rời quê thì mọi công việc kiếm ăn cho cả nhà đều phụ thuộc vào đứa em trai út đang học lớp 5, cùng sức lực của bà ngoại già đã gần 70.
Trong căn nhà nơi mà Liên luôn coi là tổ ấm thật sự của cô, căn phòng ngủ chật chội, chứa đầy quần áo của mẹ con người chị cả. Gian nhà chính là chỗ ngủ của Liên và bà ngoại. Phía trước sân là chiếc giường gỗ, đó là chỗ ngủ của đứa em út và ông ngoại cô bé. Căn nhà cũng chẳng có gì quý ngoài hai chiếc bình ắc quy để thắp sáng ban đêm. Nằm dài dưới đất là chiếc tủ lạnh ve chai ngoại mua về làm nơi trữ nước đá, thực phẩm.
Lúc sang sông, Liên kể với nét mặt tủi buồn: “Quanh xóm có nhiều người là bà con của mẹ, nhưng ít ai tiếp xúc. Mẹ và chị hai vì mang bệnh nên cũng không ai dám thuê mần mướn. Cháu em đã 3 tuổi nhưng vì khờ khạo nên cũng chẳng được đến trường. Vì thế mẹ em chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi mấy con gà, chị thì chỉ biết giữ con”.
Thực hiện: CHÍ HẠNH – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TRINH TRÀ
Ở phường An Phú có các thầy cô từng dạy Liên từ nhỏ đến cuối cấp phổ thông. Nhắc đến Liên, ai cũng khen là một cô bé thông minh, đầy nghị lực, biết nhận thức trước hoàn cảnh gia đình, không than trách số phận và luôn nỗ lực vươn lên. Liên là cô bé luôn được thầy cô tin tưởng giao trọng trách lớp trưởng, lớp phó học tập.
Liên thông minh, học giỏi nên từ lúc học lớp 4 đã nhận được nhiều suất học bổng của FPT, thường xuyên nhận được sự bảo trợ của hội khuyến học phường và thị xã Tịnh Biên. “Thấy mẹ và ngoại khó khăn, cực khổ, năm lên THCS tôi chủ động tìm đến thầy cô hỏi thăm thông tin các nơi giúp đỡ người nghèo. Cứ chỗ nào có, tôi viết thư trình bày hoàn cảnh để xin tiền đi học. Có khi xin trên mạng, có khi xin ở chùa. Cũng may mọi người thương tình hỗ trợ nên tôi mới học đến hôm nay”, Liên nói.
Để đền đáp lại tình thương ấy, Liên nỗ lực học thật giỏi và không bao giờ bỏ cuộc trước những lúc khó khăn. Trong quá trình học tập, ngoài học lực giỏi xuyên suốt, Liên còn đạt được nhiều giải thưởng về khoa học kỹ thuật cấp trường, cấp tỉnh, được thi chọn học sinh giỏi và đạt giải cuộc thi “Sách – Người bạn đồng hành” của tỉnh An Giang.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Trắng – giáo viên chủ nhiệm hai năm liên tiếp của Liên – cho biết gia đình Liên có hoàn cảnh rất đặc biệt và không giống bất cứ đứa trẻ nào mà cô từng gặp. Nhà Liên rất khó khăn, sống nhờ ông bà ngoại, nhưng em luôn là một cô bé học giỏi của trường, luôn có thành tích đứng nhóm đầu của lớp. Em còn là một người luôn biết giúp bạn bè, năng động, là một người thủ lĩnh ở trường.
“Mỗi lúc khó khăn, thay vì về nói với ông bà, em thường tìm đến thầy cô để nhờ giúp đỡ. Đây là sự năng động, tự tìm tòi, tự lực vươn lên. Thầy cô chúng tôi ai cũng mong Liên sẽ được tiếp sức, bước hết chặng đường cuối và thực hiện được ước mơ. Em đang đối mặt với nhiều áp lực, do con đường đại học tốn rất nhiều chi phí và gian nan”, cô Trắng tâm sự.
Cuối cuộc trò chuyện, Liên tất tả mang theo giấy tờ chạy ra phường xin xác nhận hộ nghèo để được vay tiền đóng học phí. Ngành học của Liên dự kiến mỗi năm mất 35 triệu đồng. Học kỳ đầu tiên Liên phải tìm đủ 19 triệu đồng để được nhập học. Ngoài ra, Liên còn phải tìm được chiếc máy tính để phục vụ ngành học của mình.
Liên dự định khi có tiền sẽ đưa đứa cháu con chị hai lên Cần Thơ khám bệnh. Chị hai và cháu Liên hiện mắc chứng tâm thần
Liên nói, ông ngoại trước đây là bộ đội, khi còn sống, ông có dặn dò khi ông mất đi toàn bộ số tiền quân khu hỗ trợ mai táng để dành hết cho Liên đóng học phí đại học. Nhưng số tiền này vài tháng nữa mới có. Một lần nữa Liên lại tìm đến thầy cô và được hướng dẫn viết thư gửi đến báo xin học bổng. Với điều kiện gia đình hiện tại thì giấc mơ đại học của Liên có thể sẽ khép lại đâu đó trong năm học thứ 2 hoặc thứ 3.
Liên nói hôm sau sẽ quay lại TP.HCM để phụ bạn bè dọn phòng trọ chuẩn bị cho việc học sắp tới. Trước lúc xa quê, Liên cứ nắm tay, ôm lấy mẹ rồi dặn dò đủ thứ. Liên nói: “Ước mơ lớn nhất của con là đưa mẹ rời khỏi căn nhà gỗ biệt lập này. Con muốn đưa mẹ cùng cả nhà sang sông để sống hòa nhập hơn với cộng đồng, để cả nhà không còn bị vận động rời đi nữa. Nếu được học, có việc làm, chắc chắn con sẽ chung tay với địa phương và nhiều nơi khác để cùng giúp đỡ, nuôi dưỡng những bạn có cùng hoàn cảnh với mình hiện tại được viết tiếp ước mơ đến trường”.
Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại link này, hoặc quét mã QR ở hình bên.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành hoặc tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên, hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành, tên tân sinh viên mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
CHÍ HẠNH
5-9-2024