Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất

Ngô Thị An: “Phải đi học để thay đổi đời mình mới lo được cho cả nhà” – Ảnh: DOÃN HÒA

Một mình mẹ tảo tần nuôi ba chị em ăn học và chăm bà nội già yếu đã là quá vất vả. Ngô Thị An luôn nhắc mình phải thật kiên cường mới có thể phụ mẹ lo cho cả nhà.

Cô học trò Ngô Thị An rối bời khi đứng trước ngã rẽ quan trọng của đời mình – Thực hiện: DOÃN HÒA – NHÃ CHÂN – MAI HUYỀN – TÔN VŨ

Một người mẹ ‘gánh’ 6 miệng ăn

Quá trưa, khi biết chúng tôi hỏi đường vào nhà cô bé An ở thôn Thiên Tân, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, những người được hỏi đều tấm tắc khen cô học trò gia cảnh nghèo, mồ côi cha nhưng rất ham học. Bà Hường (65 tuổi) – người hàng xóm – bảo biết tin bé An đỗ đại học, cả xóm này vừa mừng vừa thương.

“Mừng vì An giàu ý chí vượt khó, sắp thực hiện được ước mơ nhưng thương vì nhà con bé quá khó khăn. Sáu miệng ăn trong nhà đều trông chờ vào một mình mẹ nó. Giờ mà cho con bé đi học không biết mẹ nó có kham nổi không” – bà Hường thở dài.

Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất - Ảnh 2.

Bà Chu Thị Thủy – mẹ An, mắt đỏ hoe khi nghĩ đến khoản tiền nhập học cho con chưa xoay xở được – Ảnh: DOÃN HÒA

Đến nhà, ngay lúc bà Chu Thị Thủy – mẹ An – đội nắng tất tả trở về sau khi rửa bát thuê cho đám cưới gần nhà. Gương mặt bà khắc khổ, da đen sạm vì nắng, dáng người gầy gò. Khá bất ngờ khi người phụ nữ ấy năm nay chưa đến 39 tuổi.

“May mà hôm nay nhà đám cưới gọi qua phụ rửa thuê, nên cũng kiếm thêm được chút tiền gom góp trả nợ ngân hàng” – bà Thủy nói.

Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm sát sông Lam ấy vốn là tổ ấm của gia đình nhỏ. Đôi vợ chồng trẻ lần lượt đón ba đứa con chào đời. Cuộc sống dẫu có chút khó khăn song những tưởng cứ thế êm ả trôi vì hai vợ chồng cùng cố gắng lam làm nuôi con.

Ấy vậy mà tai ương ập đến. Một buổi sáng cuối năm của 12 năm trước, ông Ngô Công An – cha bé An – bị điện giật trong lúc đang làm thợ xây, không qua khỏi.

Bà Thủy nhận tin chồng gặp tai nạn khi đang ẵm đứa con út chưa kịp cai sữa, ngất lịm.

Người đàn ông trụ cột gia đình nằm xuống, gánh nặng nuôi ba đứa con thơ dại cùng người mẹ đã ngoài 70 tuổi dồn hết lên vai người vợ trẻ. An lúc ấy mới chuẩn bị vào lớp 1.

Ký ức tuổi thơ trong An là hình ảnh mẹ phải quần quật từ sáng sớm đến tối mịt ngoài đồng với mấy sào ruộng khoán. Hết mùa vụ, bà Thủy lại bươn chải đủ thứ nghề từ cắt lúa thuê, rửa bát đến phụ hồ, bốc vác… miễn có tiền nuôi con.

“Có hôm đi cắt lúa thuê, mẹ ngất xỉu vì nắng nóng. Lúc đó mình chỉ muốn nghỉ học để mẹ bớt nặng gánh” – An bộc bạch.

Rửa bát thuê đậu 3 trường đại học điểm cao

Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất - Ảnh 3.

Mồ côi cha, lại là chị cả nên An rất tháo vát giúp mẹ việc nhà, dạy bảo các em học hành – Ảnh: DOÃN HÒA

Nhớ thương người con trai duy nhất vắn số, bà Nguyễn Thị Liên – bà nội An – nhiều đêm thức trắng. Bà xót xa cho ba đứa cháu nội sớm mồ côi cha. Thời gian trôi đi, có lần bà thủ thỉ cùng con dâu hay con đi bước nữa, vì dẫu sao có người đàn ông trong nhà cũng vững chãi hơn!

Nhưng mẹ bé An lắc đầu. Người phụ nữ ấy biết mình phải vượt qua cực nhọc làm điểm tựa vững chắc cho các con. Bà Thủy nói đời mình ít chữ đã khổ nên dồn sức cho đời con ăn học mới mong khá hơn được.

Nhưng dè sẻn lắm rồi mà gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Gần đây đi khám, bà Thủy còn nhận chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ, viêm loét tá tràng, suy thận… Và để biết vậy thôi chứ tiền đâu mà điều trị!

Thương mẹ vất vả, bà nội lại hay đau ốm nên An ý thức tự lập từ nhỏ. Ngoài giờ đi học, An giúp mẹ quán xuyến việc nhà, chỉ bảo các em học. Nghỉ hè hay Tết, An xin làm bưng bê, phục vụ, dọn dẹp cho các cửa hàng nhỏ trong xã.

Cả lúc đang đi học, buổi tối An vẫn tranh thủ xin rửa bát thuê cùng mẹ ở các đám tiệc, sau đó chong đèn học bài khi kết thúc buổi làm thêm vào đêm muộn.

Nỗ lực ấy của Ngô Thị An được đền đáp xứng đáng khi được xét tuyển sớm qua kỳ thi đánh giá năng lực. Bạn đủ điểm đậu vào Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

Kết quả ấy càng làm lòng An rối bời khi đứng trước ngã rẽ quan trọng của đời mình. Mẹ Thủy cũng không khá gì hơn khi nhận thông tin trúng tuyển của con gái, phải làm sao để con có thể nhập học trong cảnh nhà thế này! Cô cần lắm được tiếp sức đến trường.

“Thương con lắm chứ, muốn con được đi học như chúng bạn nhưng thật lòng tui vẫn chưa nghĩ ra cách chi có thể kiếm được tiền để nuôi con suốt những năm tháng đại học sắp tới. Nhưng nếu kêu con nghỉ học, người làm mẹ như tui không đành lòng. Con không thể cứ tương lai mù mịt như đời mẹ” – bà Thủy đỏ hoe mắt.

Định bán con bò cho con nhập học

Cũng gần tới ngày An phải làm thủ tục nhập học, bà Thủy dự tính bán con bò cũng là gia tài lớn nhất của cả nhà. Nhưng An ngăn rồi tính: “Hay mẹ cứ vay mượn tạm để nhập học, con sẽ làm thêm trả nợ chứ bán con bò rồi mẹ làm ruộng sẽ cực nhọc lắm”.

Cô Lê Thị Bích Hải – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của An – nói An không may mắn như các bạn nhưng bù lại bạn ấy rất chăm học và học rất giỏi, lại tham gia tích cực và gương mẫu các hoạt động phong trào.

“An là tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên với các bạn ở trường. Hiểu hoàn cảnh của An nên nhà trường miễn giảm học phí hay mỗi khi có học bổng đều ưu tiên dành cho em ấy một phần làm động lực vượt qua khó khăn” – cô Hải cho biết.

Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất - Ảnh 4.

Bà nội của An đã già yếu, thương các cháu mồ côi cha nhưng giàu ý chí vươn lên – Ảnh: DOÃN HÒA

Mình sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để đi học đại học. Phải học mới mong thay đổi đời mình, rồi phải có công việc ổn định để mai này còn thay cha gánh vác gia đình.

NGÔ THỊ AN

Món quà mở ra tri thức

Mở chiếc máy tính cũ được một người bạn của mẹ cho hồi An bắt đầu vào học lớp 12, cô bạn tìm hiểu các công việc làm thêm như gia sư, chạy bàn ở gần trường đại học sắp tới.

Chiếc máy tính cũ ấy với An không chỉ là món quà kỷ niệm mà như người bạn thân. Nhờ nó, An tự mày mò học mà không đi học thêm như các bạn để giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho mẹ. “Nếu có thể nhận được suất học bổng Tiếp sức đến trường, nhất định khi đi làm tôi sẽ quay lại báo đáp ân tình của mọi người” – An bày tỏ.

Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất - Ảnh 5.

Chiếc máy tính cũ được một người bạn của mẹ An tặng trở thành người bạn đắc lực, giúp bạn học tập không phải đi học thêm. An đang tìm việc làm thêm trước thời gian chờ nhập học – Ảnh: DOÃN HÒA

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Con đậu 3 trường đại học, mẹ nghèo muốn bán con bò duy nhất - Ảnh 6.

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *