Con gái của anh ngư dân chết trong bão Chanchu vào đại học

Cây xương rồng trên triền cát trắng nỗ lực vào đại học dù mất cha khi mới chào đời

Linh Kiều hay sang phụ ông ngoại vá lưới để ra khơi đánh cá – Ảnh: LÊ TRUNG

Con mới chào đời, bão đã cướp cha

Con gái của anh ngư dân chết trong bão Chanchu vào đại học - Ảnh 2.

Ba của Kiều mất cách đây 18 năm, trong cơn bão Chanchu – Ảnh: LÊ TRUNG

Trong những thanh niên trai tráng mãi mãi nằm lại biển khơi sau siêu bão năm 2006 có cha của Vương Thị Linh Kiều. Cha mất khi cô bé chưa đầy hai tháng tuổi. Giờ đây cô đã thành tân sinh viên Đại học Duy Tân. Vai mẹ Kiều nuôi hai con thêm nặng ở ngôi làng Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

“Người ta nói khuôn mặt tôi giống ba. Tôi cũng chỉ hình dung ba qua di ảnh trên bàn thờ” – Kiều thổ lộ.

Bão Chanchu ập vào Biển Đông giữa tháng 5-2006, cướp đi sinh mạng hàng trăm ngư dân miền Trung. Xã Bình Minh có hơn 80 người chết, mất tích, còn riêng làng biển Bình Tịnh chiếm một nửa.

Thời điểm ấy tin dữ liên tục báo về, nhiều ngư dân mất tích giữa biển, trong số đó có chàng thanh niên Vương Công Phú (26 tuổi). Anh ra đi bỏ lại người vợ cùng hai cô con gái. Linh Kiều lúc ấy mới sinh chừng hai tháng tuổi, còn người chị Vương Thị Mỹ Linh được 4 tuổi.

Tai ương quá lớn ập đến gia đình khiến mẹ Linh Kiều, chị Võ Thị Thiên ngã khuỵu, đau đớn. Nỗi đau mất chồng và những chuyện khác khiến chị suy sụp, nghĩ quẩn mà uống thuốc trừ sâu tự tử.

“May mắn được người thân phát hiện kịp thời, đưa vào bệnh viện cấp cứu, gần một tháng trải qua cơn thập tử nhất sinh, tôi được xuất viện về nhà” – chị Thiên nhớ lại.

Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2024 cho tân sinh viên Quảng Nam – Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 27-9 và tại Quảng Trị ngày 28-9. Lễ trao tại các khu vực, tỉnh thành khác trong cả nước sẽ diễn ra trong tháng 10 và 11.

Sau thời gian nghĩ quẩn, người mẹ tội nghiệp ấy quyết sống vì con. Hai đứa con gái nheo nhóc khiến đôi vai của chị nặng thêm. Làm thuê làm mướn đủ việc, lúc vào Tây Nguyên hái cau thuê, rồi ra Đà Nẵng giúp việc, trông trẻ cho người ta kiếm tiền nuôi con. Xa nhà, chị gửi hai đứa con gái cho ông bà hai bên nội ngoại coi sóc.

Chừng ấy năm hai chị em Kiều phải tự săn sóc cho mình. “Từ nhỏ không có ba, mẹ đi làm xa, hai chị em côi cút trong nhà, nhiều lúc thấy bạn bè ở bên ba mẹ sớm tối, tôi thấy có chút hụt hẫng” – Kiều nghẹn ngào.

Chị em mồ côi nối nhau vào đại học

Con gái của anh ngư dân chết trong bão Chanchu vào đại học - Ảnh 2.

Lúc rảnh, Linh Kiều nhận gia công hàng may mặc tại nhà kiếm tiền – Ảnh: LÊ TRUNG

Cảnh đời bất hạnh không khiến hai chị em Kiều gục ngã, mà trái lại càng mạnh mẽ như những cây xương rồng trên triền cát trắng. Mẹ làm xa nhà lâu mới về, hai chị em cô phải tự săn sóc bản thân, học hành.

Cách đây 7 năm, khi tôi đến nhà để viết bài về chị gái của Kiều cho chương trình học bổng “Đèn đom đóm” của báo Tuổi Trẻ, quả thật xúc động trước cảnh hai cô bé lủi thủi tự chăm sóc nhau khi mẹ vắng nhà. Lúc mẹ chưa gửi tiền về nhà kịp các em nay ăn cơm nhà nội, mai nhà ngoại.

Vậy mà cả hai cô bé đều học giỏi. Kiều kể ngoài thời gian học, cô còn làm thêm cho xưởng may mặc gia công trong thôn, mỗi ngày được trả công 10.000 – 20.000 đồng đủ trang trải ăn uống. “Hàng may mặc là chiếc túi quần họ đã may xong, đem về lộn cho đúng bề trái ra phải rồi giao lại kiếm tiền” – Kiều kể.

Con gái của anh ngư dân chết trong bão Chanchu vào đại học - Ảnh 5.

Linh Kiều xúc động khi nhớ quãng thời gian mất cha, mẹ xa nhà kiếm tiền, hai chị em cô côi cút, lủi thủi – Ảnh: LÊ TRUNG

Kiều tâm sự, nhiều lúc buồn cô hay ra biển. Nhìn về phía xa xăm, cô mong cho ba ở nơi chín suối phù hộ cho mẹ và hai chị em được khỏe mạnh. Cô cũng hứa với ba sẽ cố gắng học hành. 12 năm cô đều đạt học sinh khá, giỏi. Vừa qua, Kiều trúng tuyển vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường đại học Duy Tân.

Ngôi nhà của cô bé trống huơ trống hoác, chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc giường và bàn học. Trên bàn chẳng còn sách vở. Thấy tôi thắc mắc, Kiều nói: “Hết học cấp ba rồi, em lấy sách vở cũ đem bán giấy vụn, kiếm được đồng nào hay đồng nấy trang trải”.

Dù đến tháng 10 mới nhập học chính thức nhưng Kiều đã sớm ra TP Đà Nẵng ở trọ cùng chị gái Vương Thị Mỹ Linh. Linh vừa tốt nghiệp ngành kiểm toán Trường đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng và đang thử việc ở một khách sạn.

“Tôi ra sớm tìm việc làm thêm” – Kiều bảo. “Mình sẽ nỗ lực học tốt với ngành mình chọn, ra trường có việc làm ổn định lo cho bản thân mình và mẹ” – Kiều thổ lộ.

Mẹ giúp việc nhà, xin ứng trước tiền lương cho con nộp học phí

Hai đứa con gái tuổi ăn tuổi học, mười mấy năm nay chị Thiên phải đến các tỉnh, thành phố làm nghề giúp việc, trông trẻ cho nhà người ta kiếm tiền.

Chị kể lúc xưa, mỗi tháng được trả công từ 2-3 triệu đồng, nay thì đồng lương có phần cao hơn, chị được chủ trả công mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Khoản tiền đó tiêu nhín lại, gửi về cho hai đứa con ăn học. Trước đây chị giúp việc cho các gia đình tại Đà Nẵng, giờ đây phải đến tận Quảng Trị để ở mướn kiếm sống.

Mang trong mình căn bệnh khớp, hở van tim, nhưng người mẹ ấy vẫn gắng gượng vì con, không dám đến bệnh viện chữa trị. “Tôi sợ lòi ra nhiều bệnh, chữa tốn tiền không có tiền cho các con ăn học nên không dám đến bệnh viện” – chị tâm sự thật lòng.

Chị Thiên cho hay cách đây bốn năm, cô con gái đầu Mỹ Linh đỗ đại học, chị vui nhưng lo não lòng bởi gia cảnh khó khăn.

“Tôi nói: “Mẹ không nuôi con ăn học nổi con ơi”. Nó khóc mấy ngày liền, nhất quyết đi học bằng được. Tôi cũng đành gắng gượng, “ăn nhín, nhịn thèm” để cho con ăn học. Hết 4 năm, nó ra trường đi làm. Tôi chưa nhẹ được người thì giờ tới bé Kiều nhập học”.

Kiều học lớp 12, thấy gia cảnh khó khăn, chị gái lại học đại học, cô bé xin mẹ đi xuất khẩu lao động sang Nhật làm kiếm tiền gửi về.

“Thấy nó còn nhỏ quá, sức khỏe yếu ớt, sợ qua đó không trụ nổi xứ người nên tôi bảo thôi cố gắng ở lại bên này kiếm trường nào đó học, mẹ sẽ nuôi. Giờ con bé đậu đại học, tôi “đâm lao thì phải theo lao” chứ biết sao giờ. Ráng khổ xíu nữa, hy sinh đời mẹ để con có tương lai” – người mẹ tâm sự.

Mỹ Linh, chị gái của Kiều, từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2020. “Tôi nhận được học bổng báo Tuổi Trẻ thì vỡ òa. Số tiền đó giúp trả một phần nợ, trang trải chi phí ăn học. Qua được quãng thời gian đó, tôi kiếm việc làm thêm để trang trải” – Linh nhớ lại.

Khi em gái ra ở trọ cùng, Linh nói sẽ ráng làm để được một khách sạn nhận vào chính thức, phụ mẹ lo cho em. “Mẹ đã phải ứng trước lương của chủ nhà để Kiều nộp học phí gần 18 triệu đồng rồi sau đó trừ dần vào lương mẹ giúp việc, trông trẻ cho người ta” – Linh nghẹn ngào.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ. Chương trình đăng ký học bổng đã kết thúc ngày 20-9-2024.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Bỏ kết quả đại học ở TP.HCM, chọn quê nhà vì không có tiền - Ảnh 5.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *