Công nghiệp bán dẫn cần ưu đãi đặc biệt

Lao động làm việc tại nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam – Ảnh: Intel Products Việt Nam

Ngày 23-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo luật ra đời nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Cùng với đó phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam. Góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Muốn đi nhanh, chạy xa phải đầu tư cho bán dẫn

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn và đồng tình việc phải có chính sách ưu đãi. Thủ tướng cho rằng muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này.

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng nhấn mạnh cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, lệ phí, nguồn cung cấp nước sạch, điện, cơ sở hạ tầng và tài chính.

Trong đó Thủ tướng nêu rõ ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ.

Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.

Trước đó, tại báo cáo thẩm tra dự luật về công nghiệp bán dẫn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất cần phải có quy định phát triển công nghiệp bán dẫn trong luật. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, có chính sách ưu đãi vượt trội, khả thi. Xem xét bổ sung một số quy định về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học.

Quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch; nghiên cứu bổ sung quy định kích cầu, phát triển thị trường trong nước đối với sản phẩm bán dẫn do doanh nghiệp nội địa sản xuất. Quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị… cho phù hợp.

“Tổ lớn đón đại bàng lớn”

Bàn thêm về vấn đề trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng luật cần bổ sung quy định về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học ngành công nghiệp bán dẫn và giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.

Bổ sung quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đây được xem là một lĩnh vực đòi hỏi khắt khe về chất lượng cơ sở hạ tầng.

Ông nhấn mạnh khi tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng đi kèm với chính sách ưu đãi đặc biệt cho các chuyên gia cùng với các chính sách khác… sẽ đồng nghĩa với việc “dọn ổ cho đại bàng đáp”.

“Chúng ta cần mạnh dạn đột phá tư duy khi xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần phải có chính sách ưu đãi đặc biệt cho ngành công nghiệp đặc biệt này. Khi chúng ta có “Tổ lớn sẽ đón được các đại bàng lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn…”, ông Tuấn nêu rõ.

Còn theo đại biểu Vũ Hải Quân (TP.HCM), cần có cơ chế linh động trong mua sắm hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn, cơ chế cho vấn đề hạ tầng dùng chung.

“Cơ chế đấu thầu, duy tu, bảo hành các trung tâm công nghệ dùng chung phải linh động, vì nếu không thì các trường lại phải trích từ học phí của sinh viên”, ông Quân nêu.

Do đó, ông cho rằng dự luật phải có những đột phá về tư duy; nếu không lại cũng chỉ như dự án Luật Công nghệ thông tin ban hành cách đây vài chục năm.

Đánh giá doanh nghiệp phải tổng thể

Cùng ngày, phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cách thức hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và quy luật cạnh tranh.

Ông nhìn nhận can thiệp bằng biện pháp hành chính làm méo mó thị trường và trái với quy luật, tư duy phát triển của nền kinh tế. Ông cho rằng quản lý các doanh nghiệp phải phù hợp cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế trong các điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Về kế hoạch kinh doanh, Thủ tướng cho rằng nên cho hội đồng quản trị chịu trách nhiệm các quyết định làm sao bảo toàn và phát triển vốn, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Thủ tướng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Trong đó đầu tư công theo Luật Đầu tư công còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin “lòng vòng” cấp hành chính.

Đồng tình việc khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 7-8 việc đúng, 1-2 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn, phát triển vốn.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) nói nếu đi vào quản lý từng hành vi của doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc cán bộ chỉ sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhà nước lúc nào cũng “sợ buông ra”, quy định thẩm quyền hẹp nhất để dễ quản lý.

Việc này dẫn đến mất quyền chủ động, khả năng cạnh tranh kém. Trong khi đó sai phạm tại doanh nghiệp nhà nước vẫn xảy ra, lãnh đạo bị xử lý và tiền vẫn mất.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *