Công Phượng là cầu thủ ra nước ngoài thi đấu nhiều nhất của bóng đá Việt Nam. Anh đến CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản, năm 2016), Incheon United (Hàn Quốc, 2019), Sint-Truiden V.V. (Bỉ, 2019) và Yokohama FC (Nhật Bản, 2023-2024). Nhưng thật đáng buồn, cả 4 chuyến xuất ngoại của Công Phượng đều thất bại. Càng về sau cơ hội thi đấu của cầu thủ được ví như “Messi Việt Nam” ngày càng ít dần.
Hai năm ở CLB Yokohama FC, Công Phượng chỉ được đá vỏn vẹn 3 trận ở cúp quốc gia, với tổng thời gian ra sân chỉ hơn 80 phút. Còn lại anh không được ra sân một phút nào ở Giải hạng nhất (J-League 1) hay Giải hạng nhì (J-League 2). Thậm chí cựu tiền đạo trưởng thành từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai này còn không được đăng ký một trận nào ở J-League 2 mùa này trước khi nói lời chia tay hôm 15-9.
Dù vậy Công Phượng lại trở về Việt Nam với tư thế một ngôi sao được chào đón. Có thông tin anh được một đội bóng hạng nhất “nhà giàu” mời ký hợp đồng với giá chuyển nhượng không dưới 6 tỉ đồng/năm cho bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Con số này cao chẳng kém những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện tại như Quang Hải, Hoàng Đức, Phạm Tuấn Hải hay thủ môn Đặng Văn Lâm…
Nhưng Công Phượng có đáng giá như vậy không?
Với một cầu thủ hai năm trời chỉ tập chay ở Nhật Bản, cảm giác bóng và phong độ là điều khó có thể lấy lại một sớm một chiều. Nhìn Quang Hải đến giờ vẫn chưa thể lấy lại được phong độ ở CLB Công An Hà Nội hay đội tuyển Việt Nam sau chuyến xuất ngoại thất bại ở CLB Pau FC (Pháp) thì rõ. Hơn nữa, Công Phượng đang ở độ tuổi có lẽ đã bắt đầu đi qua sườn dốc của sự nghiệp.
18 tỉ đồng cho 3 năm hợp đồng mà một CLB hạng nhất “nhà giàu” sẵn sàng trả cho Công Phượng là con số đáng suy ngẫm. Bởi theo lời ông Jernej Kamensek – một nhà cựu môi giới quốc tế và từng là giám đốc kỹ thuật CLB Bình Định, số tiền đó bằng với ngân sách một CLB nhỏ châu Âu huấn luyện cho 100 cầu thủ trẻ hằng năm. 18 tỉ đồng cũng hơn phân nửa ngân sách gần 30 tỉ đồng mà tỉnh Nghệ An cấp cho trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hằng năm, đào tạo cho khoảng 215 cầu thủ thuộc 12 lớp theo các độ tuổi từ U9 đến U21.
Bóng đá Việt Nam chưa thể lấy bóng đá nuôi bóng đá, tự nuôi sống bản thân mình mà sống bằng nguồn tiền của các ông bầu “thích thì chơi và chán thì rút”. Vung tiền mua một cầu thủ ngôi sao, đội bóng không thể thu lợi được nhiều từ việc bán vé hay bán áo thi đấu. Huống hồ số tiền đó thay vì dành cho một cầu thủ đã 29 tuổi, không còn đỉnh cao phong độ thì dành cho đào tạo trẻ sẽ giúp CLB phát triển bền vững hơn nhiều.
Nếu các ông bầu cứ vung tiền chạy theo mua sắm ngôi sao, bóng đá Việt Nam khó có thể vươn lên trong tương lai.
Ngã rẽ bất ngờ của Công Phượng?
Hôm nay (20-9), Công Phượng có thể sẽ chốt CLB mà anh sẽ gia nhập. Nhiều khả năng, đội bóng Công Phượng gia nhập cũng là cái tên bất ngờ. Ngay cả mức phí chuyển nhượng cũng không cao so với đội bóng “nhà giàu” được nhắc đến. Lý do là Công Phượng muốn được thi đấu và tìm lại chính mình. Anh cũng thích thú với môi trường Nhật Bản mà CLB này hướng đến khi triết lý và các vị trí chủ chốt đều đang giao cho chuyên gia Nhật Bản.