Cuộc thi Lan tỏa năng lượng tích cực 2024
Đó là câu chuyện của bà giáo Nguyễn Thị Ba, 75 tuổi. Mong ước duy nhất của bà là học trò có cơ hội học chữ, từ đó vươn lên trong cuộc sống.
Trước khi về hưu năm 2003, bà từng dạy học ở Trường tiểu học Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một. Do không có người thân hay chồng con tại đây nên bà quyết định chuyển về Vĩnh Long sống cùng gia đình anh trai một thời gian.
Nhưng vì nhớ nơi mình từng gắn bó dạy học gần cả cuộc đời, bà một mình lên Bình Dương thuê trọ, sống bằng khoản lương hưu và đi bán vé số qua ngày.
Trên đường đi bán vé số ngang các con đường ở phường Phú Cường, bà Ba lúc này 68 tuổi nhìn thấy có nhiều em nhỏ đã phải mưu sinh từ sớm, phần lớn đều không biết chữ hoặc bỏ học dang dở.
Nghĩ mình còn sức khỏe, còn cái nghề, năm 2016 bà xin vào Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng phường Phú Cường để dạy học miễn phí. Cũng chính vì cơ duyên đến từ sự trăn trở day dứt này trong lòng mà suốt hơn 8 năm qua, chưa ngày nào tâm trí của bà không dành cho trẻ em ở lớp học này.
Sau 13 năm nghỉ hưu, một lần nữa bà giáo lại đứng trên bục giảng. Lớp học cũng chỉ 15m2 với chưa tới 20 em học sinh rải đều từ lớp 1 đến lớp 5 với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, có em nhỏ nhất chỉ 6 tuổi và học sinh lớn nhất đã 33 tuổi.
Lọt thỏm giữa thành phố rộng lớn, bóng lưng còng của người phụ nữ vẫn miệt mài trên khắp các đường phố, tiếp tục bán vé số để kiếm tiền lo con chữ cho học trò nghèo.