Đại úy công an hiến máu cứu nhiều em nhỏ và sản phụ

Đại úy Đinh Văn Giáp trong lần hiến tiểu cầu ngày 29-12-2024 – Ảnh: THẾ THẾ

Hiến máu, hiến tiểu cầu cứu nhiều em nhỏ

Lần gần nhất, ngày 29-12-2024, nhận được tin một cháu bé 11 tuổi (ở Đắk Lắk) đang nguy kịch vì sốt xuất huyết nặng và cần tiểu cầu nhóm máu B, anh Giáp tức tốc đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Hòa (TP Buôn Ma Thuột – người thân của cháu bé) không giấu nổi xúc động khi nhắc về khoảnh khắc ấy. “Trong tình huống ngặt nghèo, gia đình không biết bấu víu vào ai thì gặp được anh Giáp. Chính anh đã trao cho cháu cơ hội được sống”, chị Hòa nói.

Trước đó ngày 9-11-2024, nghe tin một cháu bé (11 ngày tuổi, cũng ở Đắk Lắk) cần tiểu cầu nhóm máu B gấp, anh Giáp lại vượt 60km đường rừng, đèo dốc ngay trong đêm, kịp thời hiến tiểu cầu cứu em bé.

Khi đang hiến tiểu cầu thì anh Giáp nhận được thông tin thêm 1 trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi đang nguy kịch, cần tiểu cầu B gấp nên anh Giáp tiếp tục hiến tiểu cầu lần nữa.

Nhờ được tiếp tiểu cầu B kịp thời, 2 bé sơ sinh đã vượt qua cơn nguy kịch.

Anh Giáp cho biết nhiều bệnh nhân đứng trước lưỡi hái tử thần vì thiếu tiểu cầu trầm trọng, trong khi người đủ điều kiện để hiến tiểu cầu rất ít. Để hiến tiểu cầu thì người hiến cần sức khỏe, lượng tiểu cầu trong máu phải đạt trên 200.000 tiểu cầu/mm3 máu.

“Có người bàn tán về việc nhiều lần hiến máu của mình là làm màu. Bản thân mình thấy việc hiến máu là rất bình thường, xuất phát từ tâm nên cũng không để ý”, anh Giáp tâm sự.

Cứu sản phụ khỏi lưỡi hái tử thần

Đại úy công an hiến máu cứu nhiều em nhỏ và sản phụ - Ảnh 3.

Sau khi hiến máu, tiểu cầu, thấy hoàn cảnh của nhiều bệnh nhân khó khăn, anh Giáp còn hỗ trợ một chút kinh phí – Ảnh: THẾ THẾ

Đã 28 lần hiến máu cứu người, đại úy Giáp nhớ mãi kỷ niệm vượt 60km trong đêm để cứu sản phụ bị “bác sĩ trả về lo hậu sự”.

Đó là trường hợp sản phụ Phan Thị Tuyết Minh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, năm 2023.

“Khi đó bác sĩ nói chị Minh đang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu. Có người nói hiến làm gì nữa, giấy tờ đã làm xong để người nhà về lo hậu sự. Người nhà níu tay mình nói còn nước còn tát và mình đề nghị được hiến tiểu cầu để cứu chị Minh” – anh Giáp nhớ lại.

Phép màu đã xảy ra 4 ngày sau đó, chị Minh tỉnh, sức khỏe ổn định.

Mới đây mình có dịp ghé thăm lại gia đình chị Minh, thật mừng khi thấy chị đã khỏe mạnh như thường, con của chị cũng bụ bẫm, đáng yêu”, anh Giáp không giấu được niềm vui.

Nhớ lại thời khắc quay về từ cửa tử, chị Minh kể khi tỉnh dậy mới hay tin anh Giáp hiến tiểu cầu cho mình.

Lúc đó nghe người nhà kể, khả năng sống gần như là không còn, 99% là chết bởi lượng máu mất quá nhiều, bác sĩ cũng bó tay.

“Nhưng may sao có anh Giáp là cứu tinh nên mới sống sót và khỏe mạnh. Lần trước hai chị em gặp nhau, tôi chỉ biết khóc, cảm ơn và mong Giáp thật nhiều sức khỏe”, chị Minh xúc động.

Nhân vật tiêu biểu của mô hình “Chiến sĩ đỏ tình nguyện”

Nói về anh Giáp, thượng tá Trần Thanh Tuấn – trưởng Công an huyện Krông Nô – cho biết anh Giáp là nhân vật tiêu biểu của mô hình “Chiến sĩ đỏ tình nguyện” được thành lập vào tháng 4-2023 (mô hình có gần 300 thành viên, trong đó 77 thành viên nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Krông Nô).

“Bất kể lúc nào, đang ở đâu, khi có các trường hợp nguy kịch và cần đến mình, anh Giáp đều có mặt cứu giúp”, ông Tuấn nói.

Đại úy công an hiến máu cứu nhiều em nhỏ và sản phụ - Ảnh 4.

Đại úy Đinh Văn Giáp đã hiến máu 28 lần, trong đó có 18 lần hiến tiểu cầu, nhận bằng khen đột xuất của chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – Ảnh: MINH QUỲNH

Tính đến nay, đại úy Đinh Văn Giáp đã hiến máu 28 lần, trong đó có 18 lần hiến tiểu cầu. Ngày 19-11-2024, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã trao tặng bằng khen đột xuất cho đại úy Đinh Văn Giáp về thành tích xuất sắc trong việc hiến tiểu cầu cứu người trong tình thế nguy cấp.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *