Chuyện một số ba mẹ cho con của hồi môn “khủng” trong ngày đám cưới trong thời gian gần đây khơi lên nhiều ý kiến từ bạn đọc.
Mới đây nhất là thông tin phó chủ tịch huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho con gái 600 công đất (tương đương 90 tỉ đồng) trong ngày đám cưới gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên vị phó chủ tịch huyện này lại cho rằng vợ ông nói nhầm.
Trong văn hóa Việt Nam, việc trao của hồi môn cho cô dâu, tặng quà chú rể thường xuyên diễn ra, tùy vào điều kiện của từng gia đình.
Nhưng cho làm sao hợp lý, cho làm sao để mọi người đồng cảm khi người cho, người nhận và cả dư luận không bị phiền hà, đó là điều đáng bàn.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, sau đây là bài viết của bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Của cho không bằng cách cho
Truyền thống người Việt xem cưới hỏi là một trong ba sự kiện quan trọng của đời người. Đó là “Tậu trâu – Cưới vợ (bao gồm cả gả chồng) – Làm nhà”.
Vì thế khi gả con gái, phần lớn gia đình người Việt đều cho con của hồi môn.
Việc trao của hồi môn cho cô dâu, tặng quà chú rể thể hiện sự trân trọng của gia đình và họ hàng dành cho con cháu, kèm lời chúc phúc gia đình mới.
Nhưng cho như một cách khoe khoang trong một số trường hợp “chơi trội” dư luận từng đề cập, người nhận và người cho sẽ được gì ngoài sự phiền phức không đáng có?
Và những đám cưới khoe khoang như vậy liệu có hạnh phúc và bền chặt hơn những đám cưới giản dị, chừng mực, ấm cúng?
Tôi từng chứng kiến một số bạn trẻ nhà cũng khá giả nhưng đám cưới giản dị, chỉ hai bên gia đình và bạn bè thân thiết. Còn lại là thiệp “báo hỉ” vì không muốn “mắc nợ nhau”.
Ở một khía cạnh khác, việc khoe của, cho con quá nhiều của hồi môn trong cưới hỏi sẽ ảnh hưởng đến ý chí tự lập, cổ vũ lối sống thực dụng, phân biệt giàu – nghèo.
Thói khoe khoang, kệch cỡm có thể xâm lấn các giá trị đạo đức truyền thống.
Nếu muốn cho tiền giúp đỡ con gái, con rể có vốn làm ăn, có rất nhiều cách để cho, chứ đâu nhất thiết phải diễn ra trong lễ cưới, hỏi và “rao” trước bàn dân thiên hạ.
Người Việt có câu tục ngữ rất hay: “Của cho không bằng cách cho” là vậy.
Còn trẻ ngồi trên đống của, sao hiểu giá trị đồng tiền?
Tôi có không ít bạn bè nước ngoài được mời đến dự đám cưới ở Việt Nam, chứng kiến tiệc tùng rình rang, rồi cha mẹ hai bên lên trao của hồi môn “khủng”.
Một số người đã hỏi: “Có phải do đám cưới Việt quá phức tạp và tốn kém nên người Việt ít dám ly hôn?”.
Cũng từng đi nhiều nơi, dự nhiều đám cưới của bạn bè phương Tây, tôi học được cái hay của họ là tổ chức hết sức đơn giản mà trang trọng.
Đặc biệt, nhiều thanh niên phương Tây coi trọng ý thức tự lập, xem đó là giá trị cốt lõi, tối kỵ việc ỷ lại vào cha mẹ.
Ngược lại, đối với bậc cha mẹ, dù thương con đến mấy, đám cưới cũng không có chuyện khoe khoang cho của hồi môn như ở Việt Nam.
Họ quan niệm mới lập gia đình riêng mà đã ngồi trên đống của, làm sao hiểu giá trị đồng tiền, nói chi khả năng quản trị và nối nghiệp.
Phải biết “tích cốc phòng cơ”
Vợ chồng tôi tổ chức cưới vợ, gả chồng cho các con, ngoài những vật phẩm theo truyền thống bắt buộc phài có, để các con đỡ tủi thân, chúng tôi gắng lo đủ. Nhưng trong ngày cưới chúng tôi không cho và cũng không hứa hẹn gì hết.
Khi các con tốt nghiệp đại học, đi làm, chúng tôi nói chuyện với con, sau này muốn có vợ, có chồng, cưới xong là ra ở riêng ngay, không được ở chung với bố mẹ. Chưa có nhà riêng thì thuê nhà trọ mà ở với nhau.
Mặc dù chúng tôi có đất, nhà, cũng là để sau này, lúc nào đó sẽ cho các con.
Các con tôi biết thân phận nên lao động, làm việc, tiết kiệm tự mua đất làm nhà trước khi cưới. Các gia đình sui gia biết, song không dám nói gì. Có nói thì cũng chỉ đến “ông bà ấy keo kiệt” là cùng.
Chúng tôi buộc các con phải sống có trách nhiệm với chính mình. Phải biết lao động và tự lập. Phải biết tiết kiệm để tích cốc phòng cơ.
Con hơn cha là nhà có phúc. Dù cha mẹ giàu đến đâu nhưng các con mà không có ý chí thì miệng ăn núi lở. Chúng tôi không cần ai khen, cũng không hề sợ ai chê.
Bạn đọc tài khoản thie****@gmail.com