Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Ngày 8-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết đang củng cố hồ sơ, xử lý vụ cố ý gây thương tích giữa hai nữ sinh Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên).
Điều đáng nói là nữ sinh lớp 10 dùng dao đâm bạn trọng thương ngay giữa lớp học.
Đến khi nào chúng ta mới thôi không còn thấy những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường? Đâu là nguyên nhân của bạo lực học đường? Làm thế nào để phòng tránh bạo lực học đường từ gốc?
Nhằm góc thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Lương Đình Khoa xung quanh vấn đề này.
Bạo lực học đường đến từ tâm sân và tâm sợ
Tôi có tham gia cộng đồng “Dạy con trong hạnh phúc” với gần 300.000 thành viên trên Facebook. Đây là không gian sinh hoạt dành cho các cha mẹ trao đổi, thảo luận về các vấn đề dạy con, với sự đồng hành của chính các cha mẹ, thầy cô giáo có kinh nghiệm và tâm huyết.
Tôi nhớ trong một buổi chia sẻ về dạy con cho các cha mẹ, thầy giáo Dương Quang Minh (Cần Thơ) – người sáng lập cộng đồng này – đã chỉ ra nguồn gốc của bạo lực học đường xuất phát từ tâm sân và tâm sợ.
“Tâm sân là xu hướng muốn tấn công người khác, còn tâm sợ sẽ tạo ra nạn nhân.
Vậy nên bạo lực học đường tưởng như vấn đề của nhà trường cần giải quyết, nhưng sự thực đó chỉ là phần ngọn. Phần gốc cần xử lý vẫn là từ chính cách nuôi dạy con, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình” – thầy Dương Quang Minh giải thích.
Theo thầy Minh, trong các tình huống ứng xử giữa cha mẹ và con cái, nếu không cẩn thận sẽ đẩy con vào một trong hai hướng: Các cháu sẽ trở thành kẻ tấn công người khác hoặc bị người khác tấn công.
Khi cha mẹ tạo ra sự chèn ép, áp đặt lên các con thì thường sẽ xuất hiện 2 nhóm phản ứng: Một nhóm bị dồn nén cảm xúc, tỏ vẻ ngoan ngoãn lắng nghe. Nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại chuyện này và muốn con mình là một đứa nhỏ phục tùng 100% thì nó sẽ trở thành một đứa cam chịu.
Nhóm còn lại sẽ có xu hướng bung ra, trút sự ấm ức lên đồ vật hoặc bạn bè trong lớp.
Có một thực tế là không ít cha mẹ mắc sai lầm trong việc nuôi dạy con, đó là khi thấy con sợ cái gì thì thường né nó ra một bên, không cho con tiếp xúc. Thành ra nỗi sợ của con vẫn còn nguyên, không được giải tỏa, vượt qua. Tâm sợ chỉ có thể được giải quyết bằng cách đối diện.
Cách hành xử thiếu tinh tế trong mỗi gia đình cũng là nguồn cơn khiến trẻ sinh ra cam chịu, sợ sệt trước cuộc sống. Ví dụ nếu ở nhà bố mẹ mắng vì con lười học, học dốt thì khi đến lớp, đám đông bạn bè xúm lại nói: “Mày là đồ học dốt, tao không chơi với mày”.
Đứa trẻ ấy đang bị bạo lực về tinh thần. Cháu sẽ không dám nói với cô giáo, bố mẹ vì tâm lý sợ mình học dốt, nói ra sẽ bị mắng nữa.
Tình trạng bạo lực tinh thần cứ kéo dài, đứa trẻ cứ cam chịu như vậy sẽ ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Như vậy nhìn lại thì sẽ thấy chính chúng ta dạy cho các cháu nhỏ sợ sệt và cam chịu như vậy bởi những lời nói, hành xử thiếu khéo léo, thiếu kiên nhẫn, thiếu bình tĩnh ngay trong gia đình.
Sợ cha, sợ mẹ cũng là nguyên nhân mà nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng không chịu nói ra ngay khi gặp chuyện.
Cha mẹ phải là người đầu tiên không “ăn hiếp” con cái
Tôi có quen với một số tổng phụ trách và giáo viên làm công tác tham vấn học đường. Các thầy cô đều cho biết trong trường, những bạn bị tấn công thường hay là những bạn nhút nhát, thu mình, ít có bạn thân hay các đội nhóm. Vì nếu có nhiều, thì chắc chắn đã được bạn bè, đội nhóm đứng ra bảo vệ.
Cha mẹ cần nuôi dạy làm sao để con mình không có nhu cầu đi ăn hiếp ai cả và cháu cũng đủ vững mạnh bên trong để không ai ăn hiếp được mình.
Có những bé gái khi bị người khác xúc phạm mình đã nhìn thẳng vào mắt đối phương với sự nghiêm nghị, có sức mạnh bên trong khiến người nói xấu phải lúng túng, bối rối và lảng tránh. Còn nếu khi bị tấn công mà con chỉ cúi người nhìn xuống đất thì sẽ có khuynh hướng trở thành nạn nhân.
Nếu đã lỡ để con rơi vào tình trạng bị ức hiếp, bị trêu chọc trong lớp rồi, thì cha mẹ rất cần kết nối và lắng nghe con, để con nói ra hết những cảm xúc trong con.
Cha mẹ tuyệt đối không nên lớn tiếng đổ lỗi cho con: Tại sao không lên tiếng sớm, tại sao lại để bị bắt nạt? Làm như vậy chỉ càng tạo thêm nỗi sợ cho con, khiến con cảm thấy bị cô lập và lần sau chắc chắn sẽ không chia sẻ gì với cha mẹ.
Như vậy để có thể dạy con không muốn ăn hiếp ai và cũng không ai ăn hiếp được, thì việc đầu tiên cha mẹ cần phải thực hành là: Không biến chính mình thành người ăn hiếp con cái trong gia đình, không nên mang quyền làm cha mẹ ra để chèn ép con.
Tất cả các cha mẹ đều có niềm tin: Nếu con mình làm cái cháu muốn – thì cháu sẽ hạnh phúc. Thực tế cháu chỉ hạnh phúc khi nó được làm điều cháu muốn. Vậy nên cha mẹ rất cần để con được là chính con.
Điều nên dạy cho con là biết phân biệt đúng sai và biết sợ cái sai, thấy điều gì sai thì cần tránh xa, chứ không phải dạy để con trẻ phải sợ cha mẹ.
KIểm soát được cảm xúc sẽ không sinh ra bạo lực
Khi một người có hành vi lệch chuẩn, nghĩa là bên trong họ đang gặp bế tắc về cảm xúc. Hãy thử hình dung chúng ta 3 ngày không tắm đã thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu để cảm xúc bị tắc nghẽn trong thời gian dài mà chưa được “vệ sinh” thì rất nguy hiểm.
Những cảm xúc không tích cực bị ứ dồn ấy có thể dễ dàng bùng cháy bất cứ khi nào, tạo nên nhiều sự căng thẳng, mệt mỏi, tổn thương cho chính mình và những người xung quanh.
Đáng ngại hơn nữa, chúng có thể dẫn đến những hành vi hủy hoại sức khỏe, tính mạng của mình và người khác. Đó là lý do mỗi người cần được thực hành về trí tuệ cảm xúc (EQ).
Chỉ khi con người nhận diện, xử lý, kiểm soát được mọi cảm xúc của bản thân mới không sinh ra bạo lực, mà chỉ sinh ra trí tuệ và tình yêu thương để sống một cuộc đời tốt đẹp và bình yên hơn.
Thầy giáo Dương Quang Minh