HLV Hansi Flick đã tung ra sân đội hình đá chính với 5 cầu thủ đến từ lò đào tạo trẻ La Masia của đội bóng. Và tính cả trận đấu, số cầu thủ “cây nhà lá vườn” của Barca được ra sân là 8 người.
Đội bóng trẻ nhất châu Âu
Trong số các đại gia của bóng đá châu Âu, không một đội bóng nào sử dụng cầu thủ trẻ từ lò đào tạo nhà nhiều như Barca. Chỉ tính trong biên chế đội 1, họ đã có ít nhất 11 người (tính cả Pedri, người chuyển sang Barca từ năm 17 tuổi, vẫn được tính thuộc diện đội bóng tự đào tạo).
Và trong trận thắng Valencia, HLV Flick gọi thêm nhiều cầu thủ đang thuộc biên chế đội trẻ như Marc Bernal, Gerard Martin, Valle… Riêng Bernal được trao suất đá chính, và đến tận phút 71 mới rời sân.
Lamine Yamal hóa ra không phải cầu thủ 17 tuổi duy nhất của Barca lúc này, bởi Bernal và Cubarsi cũng chỉ lớn hơn anh vài tháng. Cubarsi thậm chí đã nổi bật từ mùa giải trước, suýt nữa được triệu tập lên tuyển Tây Ban Nha dự Euro 2024 (anh được điền tên vào danh sách sơ bộ). Ở La Liga hiện tại, độ tuổi trung bình của Barca thấp đến mức đáng ngạc nhiên – vỏn vẹn chưa tới 23. Cần biết rằng, toàn bộ các CLB lớn của châu Âu đều có tuổi trung bình dao động 25 – 27.
Nhiều CĐV chế nhạo Barca, cho rằng họ buộc phải dùng các cầu thủ trẻ vì tình hình tài chính quá bết bát, gần như không còn khả năng mua các siêu sao. Điều đó không sai, nhưng đồng thời cũng mang theo một sự thật đáng nể, rằng La Masia vẫn đang là lò đào tạo cầu thủ tốt nhất thế giới.
Mùa hè vừa rồi, người hâm mộ đã được chứng kiến Lamine Yamal và Fermin Lopez xuất sắc đến như thế nào. Một người là siêu sao giúp Tây Ban Nha vô địch Euro 2024, và một người gồng gánh đội Olympic Tây Ban Nha đoạt luôn tấm HCV bóng đá nam ở Paris 2024.
Giấy rách phải giữ lấy lề
Khi Real Madrid ký hợp đồng với Mbappe, làng bóng đá chắc mẩm rằng đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha sẽ còn thống trị La Liga, cũng như bóng đá châu Âu trong nhiều năm tới. Nhưng rồi liên tiếp các chức vô địch của Tây Ban Nha mùa hè rồi đang dần làm thay đổi suy nghĩ đó. Trong cả hành trình vô địch Euro lẫn Olympic của Tây Ban Nha, các ngôi sao trẻ của Barca đều sắm vai nòng cốt.
Tình hình tài chính của Barca vẫn bi đát, đến mức họ còn chưa thể cho tân binh Dani Olmo ra sân, đồng thời vẫn kỳ kèo thương vụ mua Nico Williams dưới dạng trả góp. Nhưng mặt khác, nguồn cầu thủ từ La Masia lại là lời đảm bảo vững vàng cho tương lai của Barca. Thống kê của Transfermarkt cho thấy dàn cầu thủ “cây nhà lá vườn” của đội 1 Barca được định giá hơn 400 triệu euro, và nếu tính cả đội trẻ, con số đó sẽ là nửa tỉ euro.
Nếu Barca thực sự khao khát các tân binh đắt giá, họ đơn giản chỉ cần đánh đổi bằng những tài năng của học viện. Yamal, Pedri và Gavi hiện tại đều được định giá trên dưới 100 triệu euro. Nhưng tất nhiên, Barca chưa bao giờ có ý định đó, dù có nhiều lúc họ phải xoay xở kiếm tiền bằng đủ mọi cách (kể cả mang sân vận động Camp Nou làm nơi tổ chức tiệc cưới).
Hơn 10 năm qua, Barca – dưới hai thời lãnh đạo Joan Laporta lẫn Josep Bartomeu đã bán đi Neymar, Alexis Sanchez, Paulinho, Malcom, Arthur Melo, Dembele, Griezmann… để thu về hàng trăm triệu euro nhằm giải quyết các vấn đề tài chính, nhưng các biểu tượng của La Masia là bất khả xâm phạm.
Tất nhiên, vẫn có nhiều ngôi sao La Masia rời đội, nhưng đều dưới dạng miễn cưỡng khi họ muốn tìm kiếm thử thách mới, hoặc cơ hội mới. Barca từng bán Thiago Alcantara cho Bayern Munich với giá 25 triệu euro, rồi Fabregas và Pedro cho Chelsea (tổng cộng 60 triệu euro)… Đều là những mức giá khá rẻ với năng lực của họ.
Nhìn chung, ban lãnh đạo Barca vẫn thượng tôn La Masia. Những tài năng của học viện luôn là biểu tượng, là linh hồn của đội bóng, chứ không phải đối tượng phục vụ cho mục đích kinh doanh. Chỉ cần các cầu thủ muốn rời đi, CLB sẽ luôn tạo điều kiện. Thái độ đó lý giải vì sao Barca vẫn còn trụ vững ở vị trí hàng đầu thế giới, dù họ cũng là “chúa chổm” trong khoản nợ nần.
Các ngôi sao La Masia luôn có tương lai ở Camp Nou, kể cả khi họ đã rời đi. Thành công của Pique, Fabregas trong quá khứ là ví dụ, và giờ đây đến Dani Olmo – người vừa được mang về từ Leipzig với giá 55 triệu euro mùa hè này. Là một người Catalunya chính gốc, Olmo đã ở La Masia giai đoạn 9 – 16 tuổi, rồi lang bạt sang nhiều đội bóng khác để tìm kiếm cơ hội phát triển. Mùa hè rồi, anh rực cháy với danh hiệu vua phá lưới, trở thành một trong ba ngôi sao tấn công nổi bật nhất của tuyển Tây Ban Nha.
Hai trong ba ngôi sao đó – Olmo và Yamal là trụ cột của Barca vào lúc này. Họ, cùng một loạt các cầu thủ trưởng thành từ La Masia hứa hẹn sẽ tạo nên đối trọng không thể xem thường với Real Madrid.
Barca để ngỏ khả năng mua Nico Williams
Nếu chuyển nhượng thành công Nico Williams, Barca sẽ hoàn tất sở hữu cả ba ngôi sao tấn công nổi bật nhất của Tây Ban Nha mùa hè này. Hợp đồng của Nico với CLB Athletic Bilbao có điều khoản giải phóng chỉ vào khoảng 60 triệu euro, nhưng việc Barca kỳ kèo trả góp khiến thương vụ mãi không được dứt điểm.
Trong một phát biểu mới đây, cố vấn Enric Masip của chủ tịch Laporta cho biết “ban lãnh đạo đang xử lý thương vụ này”, thắp lên hy vọng cho CĐV Barca. Báo chí Tây Ban Nha cho biết Barca đã đưa ra đề nghị mới cho Bilbao, trong đó họ vẫn trả góp, nhưng số tiền được nâng lên thành 70 triệu euro.