Ông Cường đề xuất ý kiến tại hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông… tổ chức chiều 28-8 tại Hà Nội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy dự và phát biểu tổng kết hội thảo.
Ưu đãi sinh viên xuất bản như sinh viên sư phạm
Ông Cường đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nên xem xét đề xuất bổ sung ngành xuất bản, phát hành vào danh sách những ngành được ưu tiên miễn học phí như các môn khoa học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lý do “vì báo chí, xuất bản cũng là ngành bảo vệ nền tảng tư tưởng cho Đảng”.
“Sinh viên ngành xuất bản, phát hành cần được miễn học phí, cần có các chế độ ưu đãi như sinh viên các ngành khác, cấp tiền phụ cấp như ngành sư phạm, thì may ra mới thu hút được người giỏi vào ngành để phát triển ngành này”, ông Cường nói.
Ông còn đề nghị phải nghiên cứu bổ sung phân hạng với người phát hành như với biên tập viên. Hiện nay người làm phát hành 30 năm đi làm vẫn là phát hành viên. Ông Cường đặt câu hỏi vậy cơ chế nào giữ được người giỏi, để công tác phát hành tốt.
Với biên tập viên, ông Cường cho rằng cũng cần có ưu đãi nghề nghiệp.
“Giáo viên được ưu đãi đứng lớp, những người làm công tác Đảng cũng có phụ cấp. Vậy nên chăng những người làm biên tập cũng cần có được ưu đãi về nghề nghiệp.
Ví dụ giảng viên bộ môn Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay trong các trường đại học đào tạo chuyên ngành được ưu đãi thêm 45% phụ cấp đứng lớp.
Ngành biên tập cũng phải đảm bảo đúng nền tảng tư tưởng của Đảng thì cũng nên có ưu đãi nghề nghiệp cho họ”, ông Cường phân tích.
Ngoài ra, ông Cường góp ý chương trình đào tạo ngành xuất bản, phát hành nên bám sát yêu cầu thực tiễn hơn, tăng cương thực hành tại các nhà xuất bản.
Biên tập viên sẽ phải có bộ kỹ năng theo chuẩn mới
Góp ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Trọng Đại – giám đốc Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES) cho rằng với sự ra đời và tốc độ phát triển của công nghệ sáng tạo nội dung ngày nay, khái niệm biên tập viên có lẽ sẽ sớm phải điều chỉnh và thay thế bằng khái niệm người sáng tạo.
Biên tập viên trở thành trung tâm của hoạt động sáng tạo và phát triển nội dung chứ không chỉ là cầu nối giữa tác giả, dịch giả với bạn đọc.
Nhưng muốn làm được vậy thì họ phải được đào tạo khác với chương trình truyền thống. Họ cần được đào tạo về tư duy, xây dựng bộ kỹ năng biên tập theo chuẩn mới, không phải chỉ biên tập mà còn để sáng tạo và phát triển nội dung.
Ngoài ra họ cần được trang bị nhận thức nền tảng về thế giới và Việt Nam, hình thành bản lĩnh của biên tập viên thời đại mới.
Vì khi việc sử dụng AI không đúng đắn có thể biến một người bình thường trở thành một gã khủng bố, gây nên tác hại khôn lường.
PGS.TS Lê Thị Thục – giám đốc trung tâm thông tin và nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, thì nêu những thách thức khiến người trong ngành phải day dứt bấy lâu.
Một là đào tạo nhân lực ngành xuất bản hiện nay của ta khá đuối, từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hạ tầng công nghệ… Nguy cơ tụt hậu rất lớn về công nghệ trong đào tạo xuất bản.
Thứ hai là trong khi sinh viên học ra không làm việc đúng nghề thì các nhà xuất bản, công ty sách lại đang sử dụng rất ít người có chuyên môn, 70% là nhân lực từ ngành khác.
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Phan Xuân Thủy nói các ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan, ban, ngành đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
Đồng thời xây dựng đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý, cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực xuất bản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.