Trong khi đó nhiều người vẫn chưa ý thức được việc đổ chất thải trái phép ngoài gây nguy hại cho môi trường còn có thể phải đối diện với án phạt tù.
Đã đổ chất thải còn lập bãi thu tiền
Cuối đường Nguyễn Bá Phát (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) là nơi mà ông B.M.T. (trú tại phường này) đã lập bãi để đổ trái phép chất thải. Đoạn đường này cách trụ sở phường chừng vài trăm mét. Tại hiện trường vẫn còn ngổn ngang nhiều chất thải như xốp, nệm, bao bì, ni lông…
Một người dân sống ở gần đó cho biết sau khi cơ quan chức năng xử lý thì không còn thấy xe tải đến san lấp nữa. “Thời gian trước nhiều xe tải về đây đổ khiến bãi này nhếch nhác, nhớp nhúa”, người này cho hay.
Thực tế nạn đổ trộm chất thải, xà bần, giá hạ… khiến nhiều người dân ở Đà Nẵng rất bức xúc. Vì thế, dư luận bày tỏ sự đồng tình khi Công an Đà Nẵng khởi tố ông B.M.T. để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong nhiều năm Đà Nẵng xử lý hình sự hành vi này.
Theo Phòng cảnh sát kinh tế Công an Đà Nẵng, từ tháng 5-2024 ông B.M.T. nhận làm dịch vụ phá dỡ công trình nhà ở cho một số hộ dân trên địa bàn phường. Để tiết kiệm chi phí, ông này không đưa xà bần, chất thải từ các công trình phá dỡ đến điểm tập kết tại khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn mà chở về đổ trái phép tại bãi đất cuối đường Nguyễn Bá Phát.
“Bãi đất này đang do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng quản lý nhưng ông T. tự ý chiếm dụng mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tiếp nhận, lưu giữ, chôn lấp chất thải” – cơ quan công an cho hay.
Không chỉ chở, chôn lấp chất thải trái phép, ông T. còn cho các xe tải khác chở chất thải rắn như hỗn hợp bùn, xà bần, bao bì ni lông, mảnh gỗ… vào đổ tại bãi đất trên để thu tiền từ 10.000 – 50.000 đồng/lượt xe.
Và để che mắt cơ quan chức năng, ông này dùng xe máy đào để san gạt, chôn lấp, lu nén số chất thải đã được đổ vào bãi, sau đó phủ một lớp cát mỏng lên trên.
San lấp bằng chất thải để… tiết kiệm chi phí
Thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã có một số người bị xử lý hình sự về hành vi tương tự.
Như trường hợp ông T.V.H. (trú tỉnh Bình Dương). Ông H. nhận ủy quyền hai thửa đất tại huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) từ một người khác đào khai thác đất san lấp, đất sét gạch để làm cơ sở nuôi trồng thủy sản tên T..
Tuy nhiên, sau khi khai thác đất san lấp, đất sét gạch xong, ông H. không tiến hành nuôi trồng thủy sản mà san lấp ao. Để tiết kiệm chi phí mua đất san lấp, ông H. cho một số cá nhân (không rõ nhân thân, lai lịch) đem các chất thải như xà bần, tro xỉ than, ni lông, vải vụn… đến đổ.
Cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương đã kiểm tra, phát hiện sự việc. Kết quả xác định tổng trọng lượng chất thải được chôn lấp tại cơ sở T. là 642.070kg trên khu đất có diện tích khoảng 1.000m2 và theo giám định thì đây là chất thải rắn công nghiệp thông thường.
“Tính chất, mức độ tội phạm bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội. Thực hiện với lỗi cố ý, làm biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên. Do vậy, hành vi của bị cáo đã phạm vào tội gây ô nhiễm môi trường” – bản án ngày 6-6-2024 của TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) nhận định.
Tòa tuyên ông H. phạm tội gây ô nhiễm môi trường và bị xử phạt số tiền 1,1 tỉ đồng.
Một vụ gây ô nhiễm môi trường khác liên quan đến các bị cáo V.A.V. (trú Long An, làm nghề san lấp mặt bằng) cùng các đồng phạm là B.C.C. (trú Long An, tài xế), T.V.M. (trú Bà Rịa – Vũng Tàu, tài xế).
Theo đó, sau khi ông V. nhận chuyển giao lại việc san lấp mặt bằng từ người khác thì đã yêu cầu các tài xế (làm thuê cho V.) điều khiển ô tô tải chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về đổ tại khu đất tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) của chủ đất là bà S. và ông T. để san lấp.
Sau đó, ông V. được một người (chưa rõ lai lịch) xưng là quản lý bãi tập kết phương tiện Công ty TNHH K. thuê chở xà bần vào đổ tại khu đất của bãi tập kết phương tiện công ty với giá 1,1 triệu đồng/xe tải 10 tấn.
Đồng thời, người này cũng thuê V. chở rác đang chứa trong bãi tập kết đem đi nơi khác đổ, giá 500.000 đồng/xe tải 10 tấn. V. đồng ý và điều các tài xế đến bãi tập kết phương tiện Công ty K. để chở rác thải về đổ tại khu đất của bà S. và ông T. để làm đường vào chống lún xe.
V. cho rằng rác thải này có thể dùng san lấp nên tiếp tục yêu cầu các tài xế chở rác từ bãi tập kết phương tiện của Công ty K. về đổ tại khu đất của ông T., bà S. Ngoài ra, V. còn thuê người điều khiển xe cuốc múc đất lấp lên rác thải để tránh bị phát hiện.
Sau khi việc san lấp tại khu đất của ông T., bà S. kết thúc, chủ đất đã thanh toán tiền san lấp, trong đó ông V. được trả 750 triệu đồng.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các thửa đất trên thì phát hiện vật liệu dùng để san lấp là chất thải rắn bao gồm bao bì nhựa phế liệu thải, vải vụn thải, bao bì sợi ni lông, vải giả da, cao su, mút xốp… nên tiến hành ghi nhận, lập biên bản hiện trường, thu mẫu để giám định. Vụ việc cũng được chuyển đến cơ quan điều tra xử lý.
Tại bản án hình sự sơ thẩm TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) tuyên phạt V. và các đồng phạm phạm tội gây ô nhiễm môi trường, trong đó V. lãnh án 4 năm 6 tháng tù. Sau đó, V. và các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử xét thấy căn cứ vào bản kết luận giám định thì: diện tích dùng chất thải làm vật liệu san lấp tại các thửa đất được xác định là 5.280m2, khối lượng chất thải san lấp là 4.371,8 tấn. Chất thải tại đây được định danh là chất thải rắn thông thường.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến chính sách, quy định về xử lý chất thải của Nhà nước; gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đến hệ sinh thái, đồng thời gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương.
Bản án phúc thẩm ngày 26-1-2024 của TAND TP.HCM bác kháng cáo của bị cáo V. và các đồng phạm.
Lập tổ tìm diệt giá hạ, xà bần
Tại nhiều tuyến đường ở các khu đô thị của Đà Nẵng, nạn đổ trộm xà bần, rác thải vẫn diễn ra phức tạp. Có địa phương như phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã phải thành lập tổ tìm diệt giá hạ, xà bần để tuần tra, mật phục, xử lý các trường hợp đổ rác thải, xà bần trái phép. Nhiều trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.