Có bạn trên tay còn nguyên vết kim tiêm, có bạn kéo theo cây truyền nước đi nhận quà nhưng cũng có bạn nằm thiêm thiếp dậy không nổi khi quà đến. Gửi theo mỗi món quà là lời chúc các chiến binh ung thư sẽ mạnh mẽ với cuộc chiến còn đầy gian nan này.
15 tuổi mắc 2 bệnh ung thư
Ngồi một góc giường bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP (huyện Bình Chánh, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Thúy Kiều (mẹ bạn Bùi Nguyễn Ngọc Diễm) khóc nức nở làm nhiều người xung quanh cũng cám cảnh. Ngọc Diễm mê man trên giường, thở khó nhọc, gương mặt rúm ró theo mỗi cơn đau.
Ngọc Diễm 15 tuổi, quê ở Bình Định, là cô bạn đầy năng lượng, học giỏi và nhiều ước mơ. Đùng một cái, Diễm phát hiện bị ung thư máu. Tưởng chừng ấy đã là biến cố lớn nhất cuộc đời nhưng không phải vậy. Từ quê nhà vào TP.HCM điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (huyện Bình Chánh, TP.HCM) rồi Diễm được bác sĩ cho về quê tiếp tục duy trì.
Thế nhưng những cơn đau kỳ lạ trong xương ngày càng xuất hiện nhiều hơn đến mức không chịu nổi khiến gia đình phải đưa Diễm đi bệnh viện kiểm tra tiếp. “Bác sĩ chẩn đoán con bị hẹp vùng chậu hai bên và viêm dây chằng vùng mông rồi cho thuốc về uống. Nhưng cơn đau ngày càng nặng hơn, có uống thuốc cũng không hết đau” – Diễm thều thào cố thuật lại tình trạng bệnh của mình.
Bà Kiều kể đưa con đi khắp các bệnh viện nhưng không nơi nào tìm ra nguyên nhân dù cơn đau ngày càng dữ dội hơn. Một lần nữa, bà buộc lòng phải đưa con gái lớn trở lại TP.HCM. Người mẹ như chết lặng khi bác sĩ thông báo kết quả Diễm bị u xương ác tính.
Điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP, cô bé nhận thêm chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy mạn và nhiễm trùng máu. Con gái sức cạn với bệnh tình dồn dập. Cha mẹ cũng lực kiệt khi đồng lương phụ hồ của cha mẹ còn không đủ cái ăn cái mặc. “Con bé luôn miệng kêu đau quá, cho con một liều thuốc để con chết đi mẹ ơi” – bà Kiều nấc lên từng tiếng bất lực, không thành lời.
Điều duy nhất bà có thể làm lúc này là cố gắng xoa bóp tay chân hòng giúp con vơi bớt cảm giác khó chịu, đau buốt trong xương. Diễm cũng được truyền thuốc giảm đau liên tục nhưng ăn được vài miếng cháo lại nôn ra hết. “Bác sĩ nói đồng lương phụ hồ của tụi tôi không đủ chạy chữa cho con. Diễm cũng nói thôi nhà mình không đủ tiền, mẹ cho con về nhà nhưng nhìn con vậy sao đành” – bà Kiều đưa tay quệt nước mắt.
Bệnh viện hy vọng và luôn mong được kết nối nhiều hơn với các nhà hảo tâm để không chỉ mang đến sự hỗ trợ vật chất mà còn san sẻ niềm vui tinh thần, giúp các bé tạm quên đau đớn trong những ngày điều trị tại bệnh viện.
Chị HÀ VŨ NHƯ HƯƠNG (phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng TP)
Niềm an ủi khỏa lấp nỗi buồn
Chị Hà Vũ Như Hương – phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng TP – cho biết hầu hết bệnh nhi đều ở các khu vực xa đến nên không về quê được. Vì vậy, khi có nhà hảo tâm đến tổ chức chương trình văn nghệ, trò chơi và trao quà, họ đều rất vui và cảm thấy được an ủi.
Tại buổi trao quà cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), ông Nguyễn Trọng Dũng – phó trưởng phòng công tác xã hội – thay mặt các bệnh nhi cùng gia đình gửi lời cảm ơn chương trình Ước mơ của Thúy đã chia sẻ, đem niềm vui Trung thu đến sớm với các bệnh nhi nơi đây.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Đỗ Phương Anh (khoa huyết học trẻ em Bệnh viện Truyền máu – Huyết học) nói đặc tính bệnh buộc các bệnh nhi phải nằm điều trị tại khoa ít cũng vài tuần, có khi đến vài tháng nên phải xa gia đình, người thân ở nhà. “Mỗi món quà sẽ như động lực tiếp thêm năng lượng cùng các cháu vượt qua khó khăn khi chống chọi với bệnh hiểm nghèo” – bác sĩ Phương Anh chia sẻ.
Trung thu năm nay, chương trình Ước mơ của Thúy tặng 1.000 phần quà cho bệnh nhi ung thư. Mỗi phần quà 500.000 đồng (200.000 đồng tiền mặt và quà 300.000 đồng gồm bánh, sữa, dụng cụ học tập). Tổng kinh phí 500 triệu đồng.
Kéo dài đến ngày 16-9, chương trình tổ chức vui chơi và tặng quà ở chín bệnh viện trên cả nước. Tại TP.HCM đã trao ở bốn bệnh viện: Ung bướu, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP, Truyền máu – Huyết học. Tại Đà Nẵng có hai bệnh viện: Ung bướu và Phụ sản – Nhi.
Tại Hà Nội, quà Trung thu của chương trình sẽ đến với bệnh nhi ở hai bệnh viện Nhi trung ương và K trung ương. Còn tại Thừa Thiên Huế là Bệnh viện Trung ương Huế.
Chỉ biết xin cơm từ thiện ăn
Ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, chị Phạm Như Ý (quê Cà Mau) kể hai vợ chồng đã ly hôn, một mình chị nuôi hai con trai. Hồi tháng 4 năm nay, con trai Ngô Chí Trung (5 tuổi) đột nhiên bị sốt và xuất huyết dưới da.
Đưa con đi khám, Trung được chẩn đoán bị ung thư, phải chuyển lên TP.HCM nhập viện. Để có tiền chữa trị cho con, chị đã bán mảnh đất được ông bà ngoại cho. Bi kịch hơn, ba tháng sau khi Trung phát bệnh, ông ngoại cậu bé cũng được chẩn đoán ung thư đã di căn sang phổi và dạ dày, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Tôi xin cơm từ thiện chứ không có tiền ăn, cũng không thể mua quà bánh gì cho con. Là thu nhập chính trong nhà nhưng giờ tui phải ở đây chăm con, có làm được gì nữa đâu mà có đồng ra đồng vô” – chị Như Ý nước mắt lưng tròng.