Theo thống kê của mạng lưới an ninh Kaspersky Security Network (KSN), số lượng người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa ngoại tuyến đã giảm đến 57% trong 4 năm qua.
Các mối đe dọa ngoại tuyến gồm các đối tượng xâm nhập vào máy tính bằng cách lây nhiễm các tệp, phương tiện di động hay bắt đầu xâm nhập vào hệ thống máy tính ở dạng kín, như các chương trình bên trong các trình cài đặt phức tạp, các tệp được mã hóa…
Những số liệu thống kê này cũng bao gồm các đối tượng được phát hiện trên máy tính của người dùng sau khi họ đã quét hệ thống lần đầu bằng các giải pháp của Kaspersky.
“Việc giảm số lượng các mối đe dọa ngoại tuyến là do nhiều yếu tố khác nhau tạo thành. Bên cạnh những nỗ lực nhất quán của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện các biện pháp an ninh mạng trong nước, người dùng Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều bước chủ động hơn để tự bảo vệ mình.
Mặc dù mức giảm này có vẻ ổn trên lý thuyết nhưng chúng ta vẫn nên thận trọng và nhất quán trong các bước để bảo vệ tài sản của mình trước những mối đe dọa mạng này”, ông Yeo Siang Tiong, tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky, nhận xét.
Tính riêng khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, lượng sự cố đe dọa mạng ngoại tuyến xảy ra với người dùng Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực, bỏ rất xa so với các quốc gia còn lại.
Cụ thể, theo thống kê của Kaspersky, tổng số lượng cuộc tấn công mạng ngoại tuyến được hệ thống bảo mật của hãng này ngăn chặn tại khu vực Đông Nam Á là hơn 234,7 triệu. Trong đó, Việt Nam có đến 114,8 triệu cuộc tấn công, chiếm gần 50% tổng số sự cố, đứng đầu khu vực.
Quốc gia xếp thứ hai là Indonesia ghi nhận chỉ có hơn 51,2 triệu cuộc tấn công ngoại tuyến, thua rất xa so với Việt Nam. Các quốc gia xếp kế tiếp lần lượt là Philippines, Thái Lan, Malaysia với chỉ khoảng hơn 22 triệu cuộc tấn công. Singapore là quốc gia có lượng tấn công ngoại tuyến thấp nhất với chỉ 1,6 triệu cuộc.
Người dùng cần làm gì trước các đe dọa mạng ngoại tuyến?
Hãy luôn cập nhật thiết bị, phần mềm và ứng dụng của bạn bằng các bản cập nhật bảo mật mới nhất.
Hãy sử dụng mật khẩu mạnh, độc đáo và duy nhất cho mỗi tài khoản trực tuyến của bạn. Hãy cân nhắc sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và lưu trữ mật khẩu của bạn một cách an toàn.
Hãy thận trọng với các email, tin nhắn hay các cuộc gọi điện thoại đáng ngờ yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tài chính của bạn. Xác minh tính xác thực trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Hãy kích hoạt xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến của bạn bất cứ khi nào có thể. Điều này cung cấp một lớp bảo mật bổ sung bằng cách yêu cầu một hình thức xác thực phụ ngoài mật khẩu của bạn.
Hãy sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy để giữ an toàn cho dữ liệu của bạn. Không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công vào thiết bị của bạn mà còn tạo kết nối an toàn để bảo vệ dữ liệu của bạn.