Đưa Việt Nam thành trung tâm công nghiệp bán dẫn

Công nhân một công ty vốn FDI Hàn Quốc sản xuất đơn đặt hàng của một tập đoàn công nghệ lớn trong phòng sạch – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu.

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đã vạch ra lộ trình cụ thể cho tham vọng này.

Từ người đi sau đến trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Theo đó, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được chia thành ba giai đoạn rõ ràng, mỗi giai đoạn đặt ra những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng.

Giai đoạn 1 (2024 – 2030): Tập trung thu hút FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 – 2040): Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế chip, 2 nhà máy chế tạo chip, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Quy mô nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt 100.000 kỹ sư, cử nhân.

Giai đoạn 3 (2040 – 2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế chip, 3 nhà máy chế tạo chip, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử chip bán dẫn. Mục tiêu là làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc trong chuỗi sản xuất chip.

Những mục tiêu này thể hiện tham vọng lớn của Việt Nam trong việc chuyển mình từ một quốc gia đi sau trong lĩnh vực công nghệ cao thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Nguồn nhân lực: chìa khóa để mở cánh cửa thành công

Đưa Việt Nam thành trung tâm công nghiệp bán dẫn - Ảnh 2.

Dự báo nhu cầu ngành vi mạch – bán dẫn đến năm 2030 – Đồ họa: VÕ TÂN

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhận thức được điều này, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đào tạo từ 50.000 – 100.000 kỹ sư, cử nhân bán dẫn trong giai đoạn từ nay đến 2050.

Ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), nhấn mạnh: “Nguồn nhân lực chính là “đột phá của đột phá” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới”.

Trước khi đặt ra các mục tiêu đào tạo kỹ sư bán dẫn, NIC đã khảo sát nhu cầu nhân lực bán dẫn của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), các doanh nghiệp Amkor, Intel, Hana Micron Vina, Marvell, Qorvo, Cadence, Synopsys… 

Quá trình khảo sát thực hiện với cả doanh nghiệp bán dẫn đang đầu tư và những doanh nghiệp bán dẫn có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.

Theo kế hoạch, trong số 50.000 kỹ sư bán dẫn được đào tạo từ nay đến năm 2030, có 15.000 kỹ sư thiết kế chip và khoảng 35.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử.

Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2024, gần 20 trường đại học đã mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn. Đáng chú ý, Trường đại học FPT đã đặt mục tiêu tuyển sinh lên tới 1.000 chỉ tiêu cho ngành này.

PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp tại Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định: “Tất cả những gì chúng ta đang có lúc này là con người. Đây là lợi thế lớn nhất của Việt Nam so với các nước trong khu vực, nếu có nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng tốt sẽ kéo theo mọi thứ phát triển”.

Tuy nhiên, việc đào tạo một lượng lớn kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn cũng đặt ra nhiều thách thức. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp.

Đưa Việt Nam thành trung tâm công nghiệp bán dẫn - Ảnh 3.

Mục tiêu giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 – Nguồn: media.chinhphu.vn – Đồ họa: N.KH.

Tận dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”

Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam đang nắm giữ một lợi thế quan trọng khi nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang dịch chuyển đến khu vực Đông Nam Á. Chiến lược “Trung Quốc + 1” đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

PGS.TS Mai Anh Tuấn nhận định: “So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang nắm lợi thế khi nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang dịch chuyển đến do xung đột thương mại Mỹ – Trung. Lợi thế “Trung Quốc + 1″ đang đem tới cho chúng ta nhiều thuận lợi trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử”.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt lợi thế này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư thông minh và có chọn lọc.

Cần thấy rằng đơn hàng trong ngành công nghiệp bán dẫn phụ thuộc vào một số ông lớn, ngay cả Intel, Samsung, Nvidia cũng đi làm thuê.

Chip là sản phẩm đầu vào của ngành công nghiệp điện tử. Về năng lực để thiết kế chip cỡ 2nm (nanômet kỹ sư người Việt làm được), nhưng thiết kế ra bán cho ai là một câu chuyện khác, điều này phụ thuộc vào thị trường.

Mặt khác, đến nay Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip nên các tập đoàn Viettel, FPT sau khi thiết kế ra con chip đều phải thuê các đối tác nước ngoài sản xuất, ông Tuấn lưu ý.

Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhấn mạnh: “Muốn đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn, chúng ta phải triển khai cùng lúc hai hướng phát triển, đó là tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, hướng tới việc chuyển giao công nghệ. Đồng thời phải phát huy nội lực, theo đó Nhà nước phải bỏ tiền ra làm công nghiệp bán dẫn như đầu tư một nhà sản xuất chip theo mô hình liên doanh hoặc tự làm”.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc cũng là một lợi thế đáng kể. Cả hai quốc gia này đều muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, tạo ra cơ hội cho Việt Nam tận dụng nguồn vốn và công nghệ từ cả hai cường quốc này.

Tuy nhiên, để biến những cơ hội này thành hiện thực, Việt Nam cần có những chính sách đúng đắn và kịp thời. Việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn hoàn chỉnh, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và đóng gói, kiểm thử, sẽ là chìa khóa để Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn thực sự.

Chiến lược “Trung Quốc + 1”

Là một phương pháp kinh doanh quốc tế được các tập đoàn đa quốc gia áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chiến lược này khuyến khích các công ty không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn tìm kiếm các địa điểm sản xuất khác, như Việt Nam hoặc Ấn Độ, để tăng cường tính linh hoạt và bảo vệ trước những biến động kinh tế hoặc chính trị.

Đại học đua nhau mở ngành vi mạch bán dẫn

Đưa Việt Nam thành trung tâm công nghiệp bán dẫn - Ảnh 3.

Sinh viên học tập tại phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Đại học Quốc gia TP.HCM – Ảnh: Thiện Thông

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, nhu cầu mỗi năm tăng 10 – 15%. Trong đó chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử, khoảng 30% trong số này có trình độ sau đại học.

Đủ khả năng đào tạo

Bà Thủy cho hay dự kiến thời gian tới nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn. Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.

Mỗi năm Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo được khoảng 6.000 kỹ sư liên quan tới ngành công nghiệp bán dẫn. Đại học Bách khoa mỗi năm đào tạo 3.850 kỹ sư, Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo khoảng 3.000 kỹ sư. Chỉ tính 3 trường đại học này mỗi năm đã đào tạo gần 13.000 kỹ sư liên quan tới ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo chương trình phát triển nhân lực bán dẫn của Chính phủ, sẽ có 18 trường đại học tham gia đào tạo kỹ sư bán dẫn trong thời gian tới, ngoài các đại học công lập thì các trường tư nhân như Đại học FPT cũng tham gia đào tạo.

Như vậy, chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn từ nay đến năm 2030 khả thi, việc đào tạo sẽ tập trung đào tạo ngắn hạn, nâng cấp từ những kỹ sư ngành gần do các trường đào tạo để họ trở thành những kỹ sư bán dẫn.

Đua đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

Những năm trước đây trường đại học đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành điện – điện tử nhưng nay nhiều trường đã tách thành một ngành độc lập. Năm 2024, hàng loạt trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành hoặc ngành thiết kế vi mạch – bán dẫn. Trong khi đó một số trường phát triển chuyên ngành thiết kế vi mạch trong ngành điện tử viễn thông hoặc khoa học máy tính. Tuy nhiên, chỉ tiêu ngành này ở các trường không nhiều, chỉ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu.

Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay đại học này đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp.

Đáng chú ý, hiện nay các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn cũng đang tìm đến các trường đại học để cùng chung tay đào tạo đội ngũ lao động, kỹ sư chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, nâng cao tầm vóc của người Việt trong lĩnh vực công nghệ này.

Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao TP.HCM và nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế cũng đã ký kết hợp tác phát triển năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo đó, sinh viên tại TP.HCM sẽ có các kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế và kiểm định vi mạch, đồng thời học cách giải quyết những vấn đề kỹ thuật trong quá trình thiết kế vi mạch, thiết kế bảng mạch in và các quy trình hoàn chỉnh trong thiết kế, sản xuất vi mạch.

Năm 2024 có gần 20 trường đại học mở ngành thiết kế vi mạch, bán dẫn

1. Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)

2. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM)

3. Trường ĐH Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM)

4. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM

5. Trường ĐH Việt Đức

6. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

7. Trường ĐH Cần Thơ

8. Trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

9. Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng)

10. Trường đại học Khoa học (Đại học Huế)

11. Đại học Bách khoa Hà Nội

12. Trường ĐH FPT

13. Trường ĐH Lạc Hồng

14. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

15. Trường ĐH CMC

16. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội

17. Trường ĐH Phenikaa

18. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *