Hàng loạt biến chứng nên có bệnh cần ngưng uống
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết cà phê chỉ thực sự có hiệu quả khi sử dụng một lượng vừa đủ. Trong cà phê cũng có thành phần là chất kích thích không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với bệnh nhân mắc bệnh dạ dày.
Các nghiên cứu đã chứng minh trong cà phê có nhiều thành phần khiến cho vết loét dạ dày nghiêm trọng hơn. Nếu sử dụng lâu dài, người bệnh có thể đối diện với hàng loạt biến chứng nghiêm trọng khác.
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP.HCM, nhấn mạnh trong cà phê có chứa hàm lượng caffeine cao, đây là chất kích thích có thể tác động đến não và hệ thần kinh, giúp con người tỉnh táo và ngăn ngừa sự mệt mỏi.
Trường hợp nếu đã quen dùng và dùng với liều lượng đúng sẽ giúp người dùng hưng phấn, tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, trong lúc căng thẳng cố gắng uống cà phê có thể dẫn đến nhiều hệ lụy:
– Run tay, đánh trống ngực, lo lắng: Do trong thành phần của cà phê chứa nhiều caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn, làm tăng nhịp tim. Vì vậy cần nghỉ ngơi và giảm lượng uống khi cần.
– Đau bụng, tiêu chảy: Trung bình nếu uống nhiều hơn 2-3 cốc mỗi ngày, cơ thể không thích nghi được sẽ có tác dụng “tẩy” khiến bạn đau bụng và tiêu chảy. Lúc này nên dừng việc uống cà phê để cơ thể được khỏe mạnh.
– Mất ngủ, đau đầu: Nếu thường xuyên bị mất ngủ, đau đầu thì nên dừng việc uống cà phê vài ngày. Bởi thành phần caffeine trong cà phê khiến cho tình trạng căng thẳng, suy nhược thần kinh càng trở nên nghiêm trọng.
Thông thường cảm giác buồn ngủ nảy sinh khi trong não tích tụ một chất gọi là adenosine. Caffein trực tiếp chặn adenosine, điều này làm giảm buồn ngủ sau khi uống. Uống cà phê trong 6 giờ hoặc ít hơn trước khi đi ngủ có những tác động gây rối loạn giấc ngủ.
– Tăng huyết áp: Theo các chuyên gia khuyến cáo thì những người bị tăng huyết áp nên ngừng uống cà phê, vì caffeine trong cà phê làm tăng huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra tiêu thụ 200-300mg caffein từ cà phê (tương đương 1,5-2 cốc) dẫn đến mức tăng trung bình lần lượt là 8mmHg, 6mmHg đối với huyết áp tâm thu và tâm trương.
Nhiều kết quả điều tra khác cũng phản ánh, tùy kiểu gene, lượng cà phê có thể làm tăng hoặc không làm tăng huyết áp của một người. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người cao huyết áp nên hạn chế cà phê.
– Trào ngược dạ dày thực quản: Thành phần caffeine có trong cà phê làm tăng khả năng kích thích các triệu chứng trào ngược axit vì nó có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, gây trào ngược dạ dày thực quản. Uống cà phê, trà và soda có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
– Rối loạn lo âu: Do hàm lượng caffeine cao, uống quá nhiều cà phê có thể gây ra các triệu chứng lo âu bao gồm tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu và mất ngủ. Những người đã từng sống chung với chứng rối loạn lo âu đặc biệt nhạy cảm với những tác động tiêu cực này của caffeine.
– Có hiện tượng bị nghiện cà phê: Nếu như rơi vào tình trạng mệt mỏi, uể oải, đau đầu khi không uống cà phê thì đó chính là dấu hiệu bạn bị nghiện cà phê. Lúc này, bạn nên dừng việc uống cà phê lại một thời gian để cơ thể không bị phụ thuộc vào nó. Nếu như dừng ngay một lúc sẽ vô cùng khó, bạn có thể giảm số lượng cà phê một cách từ từ, để cơ thể từng bước được thích nghi.
– Người bị tăng cân: Một số người sau khi sử dụng cà phê có cảm giác no nên muốn bỏ bữa hoặc chỉ ăn nhẹ trong bữa chính. Tuy nhiên, khi cảm giác no biến mất, dạ dày trống rỗng, cảm thấy đói nhanh nên nhiều người sẽ tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn mức thông thường. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự tăng cân, thậm chí là tăng cân mất kiểm soát.
Thức uống nào thay thế giúp tỉnh táo, giảm mỡ máu…
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết chúng ta có thể dùng loại thức uống khác thay thế cà phê cho một ngày mới tỉnh táo, năng lượng, lại tốt cho sức khỏe: hỗ trợ giảm mỡ máu và ngừa ung thư:
– Matcha: Matcha là bột mịn được nghiền từ lá trà, chúng có hàm lượng caffeine thấp hơn cà phê, nhưng lại chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
Các loại đồ uống chứa bột matcha ít caffeine hơn cà phê vậy nên khi uống matcha sẽ làm giảm bớt cảm giác bồn chồn, tránh tình trạng say do caffeine. Hàm lượng caffeine có thể thay đổi tùy theo cách pha chế và độ đậm đặc.
Matcha mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giàu chất chống oxy hóa, chống ung thư và lão hóa, giải tỏa căng thẳng, giúp xương chắc khỏe, giúp cải thiện một số yếu tố nguy cơ tim mạch, bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol xấu, chất béo trung tính và lượng đường trong máu.
– Nước ép táo: Trong táo, giấm táo hoặc nước ép táo chứa lượng đường fructose tự nhiên, chứa nhiều probiotic và vitamin B giúp tăng cường năng lượng. Nhờ đó có thể duy trì sự tỉnh táo trong vòng nhiều giờ.
Tuy nhiên, các dưỡng chất có trong táo hấp thụ rất chậm nên bạn cần có thời gian (khoảng 10 phút sau khi ăn) mới có thể tỉnh táo.
– Trà xanh: Các thiamine có trong trà xanh có khả năng giải tỏa sự căng thẳng và làm tăng sự tỉnh táo tức thì. Nếu quá căng thẳng hoặc mệt mỏi, hãy uống một tách trà xanh để cảm nhận sự tỉnh táo tốt nhất. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều đối với một số nhóm người.
Ca cao nóng: Ca cao nóng có hàm lượng caffeine thấp nhưng rất giàu theobromine, một chất kích thích nhẹ hệ thần kinh trung ương giúp tăng cường năng lượng một cách nhẹ nhàng mà không khiến cơ thể bồn chồn, lo lắng.
Ca cao nóng cũng rất giàu các chất chống oxy hóa giúp giảm cholesterol trong máu, ngăn nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư. Loại đồ uống này còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, tăng cường trí nhớ và làm giảm căng thẳng hiệu quả.
Nước lọc: Nước giúp cơ thể duy trì tình trạng tỉnh táo. Một ly nước ấm vào sáng sớm sẽ giúp cơ thể tiếp thêm sinh lực, tăng cường sự trao đổi chất, không chứa calo và siêu dưỡng ẩm.
Nước lọc có khả năng đánh thức các dây thần kinh sau khi tiếp xúc với da do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ. Do đó, ngoài uống nước ra bạn có thể rửa mặt, rửa tay chân để tỉnh táo hơn.
Phụ nữ đang mang thai là người mắc bệnh tim mạch không nên sử dụng cà phê, bởi việc hấp thụ nhiều caffeine có thể làm nhịp tim đập nhanh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.