Không chỉ đổi tên gọi, ACL2 (tiền thân là AFC Cup) cũng đá theo thể thức mới từ mùa giải 2024-2025. Bóng đá Việt Nam có hai đại diện tham dự là CLB Nam Định (vô địch V-League) và Thanh Hóa (vô địch Cúp quốc gia).
Tuy nhiên CLB Thanh Hóa đã nộp đơn xin rút lui. Bởi nếu tham dự, họ phải cày ải đến 4 đấu trường gồm V-League, Cúp quốc gia, Giải vô địch các CLB Đông Nam Á và ACL2. Với lịch thi đấu và di chuyển dày như thế, thể lực của các cầu thủ khó đáp ứng được.
Lý do trên nghe qua tưởng chừng khá thuyết phục, nhưng nó lại cho thấy cách hành xử thiếu chuyên nghiệp lẫn thiếu trách nhiệm của CLB Thanh Hóa khi đại diện bóng đá Việt Nam tranh tài ở đấu trường châu lục. Nếu đội nào cũng ứng xử như thế, bóng đá Việt Nam chẳng khác nào tự đóng cửa chơi với nhau trong khi chất lượng giải đấu trong nước đã dần thua kém bạn bè trong khu vực.
Nói có sách, mách có chứng. Theo bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia được AFC công bố hồi cuối tháng 5, V-League xếp hạng 14 châu Á và hạng 7 khu vực Đông Á. Trong khi Thai League xếp hạng 8 châu Á, hạng 4 Đông Á. Còn Malaysia Super League xếp hạng 12 châu Á, hạng 6 Đông Á. Chúng ta từng tự hào có giải đấu số 1 khu vực. Nhưng giờ thì đã thua cả Malaysia, thậm chí là cả Indonesia trong tương lai nếu như tự thân mỗi CLB V-League không chịu thay đổi suy nghĩ và cách làm bóng đá.
“Tôi đã từng chứng kiến đủ thứ chuyện tào lao trước đây, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ chứng kiến điều gì ngu ngốc hơn thế!” – HLV trưởng CLB Thanh Hóa, ông Velizar Popov, viết trên Facebook cá nhân ngày 21-7 cùng tấm ảnh ông đặt tay lên trán biểu thị sự thất vọng trước thông tin đội nhà xin rút khỏi ACL2.
Không chỉ nhà cầm quân người Bulgaria thất vọng, người hâm mộ Việt Nam phản ứng tiêu cực, cho rằng CLB Thanh Hóa làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Việc CLB Thanh Hóa xin rút lui khỏi ACL2 khiến bóng đá Việt Nam có nguy cơ bị trừ điểm trên bảng xếp hạng các giải vô địch quốc gia của AFC, mất cơ hội có thể lên chơi ở ACL1 trong tương lai. Hình ảnh của bóng đá Việt Nam trong mắt AFC cũng phần nào suy giảm.
Mất 6 năm CLB Thanh Hóa mới được trở lại sân chơi châu lục sau khi thua ở vòng play-off AFC Champions 2018 và xuống chơi ở AFC Cup 2018. Và lần trở lại này, họ chẳng hề mặn mà. Đó là điều phải suy nghĩ, không chỉ với CLB Thanh Hóa mà là bất kỳ CLB nào của Việt Nam. Chỉ khi có trách nhiệm với hình ảnh của bóng đá Việt Nam, các đội mới đưa mình vào khuôn khổ, qua đó xây dựng nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.
Trong tuần này, đại diện của AFC vẫn sẽ tới Thanh Hóa để kiểm tra điều kiện thi đấu, tập luyện tại đây. Khả năng CLB Thanh Hóa thay đổi ý định, quay trở lại thi đấu ở ACL2 vì thế cũng có thể xảy ra.