Để đạt được ba từ “hơn” này, có ba từ “bớt” mà tôi cũng đặc biệt muốn chia sẻ cùng các em: bớt đố kỵ, bớt tự mãn, bớt sử dụng điện thoại.
Ganh đua để trở thành một học sinh giỏi nhất lớp, để có được một vị trí trong đội tuyển. Điều đó không sai. Nhưng nếu ganh đua thái quá vì những tham vọng cá nhân thì đó là đố kỵ.
Cần có một hoài bão lớn hơn, khát vọng lớn hơn cho một đất nước Việt Nam tươi đẹp hơn, thịnh vượng hơn, dân chủ hơn.
Và để hiện thực hóa khát vọng đó, chúng ta không thể thực hiện một mình. Bớt đố kỵ để có thêm những người bạn tốt cùng đồng hành trên hành trình chinh phục những đỉnh cao của tri thức.
Đạt được điểm số cao là tốt. Nhưng đừng lấy điểm số cao là mục tiêu học tập để rồi tự mãn, để chứng tỏ cho bạn bè thấy mình là một tài năng thiên bẩm.
Bill Gates đã phải làm việc gần 20 tiếng mỗi ngày để xây dựng đế chế Microsoft.
Trước khi đưa Apple trở thành biểu tượng của công nghệ, Steve Jobs đã bị sa thải một cách tàn nhẫn khỏi công ty do chính mình thành lập.
Bớt tự mãn để học tập và rèn luyện chăm chỉ hơn nữa, chấp nhận thách thức, thất bại và học cách vượt qua thách thức, thất bại ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt, nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành “tù binh” của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em.
Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những việc phi thường.
Hôm nay các em chính là những hạt mầm tươi xanh. Ngày mai hạt mầm ấy sẽ đâm chồi nở hoa, lan tỏa tri thức và văn hóa Việt Nam.
(Trích phát biểu của PGS.TS Vũ Hải Quân tại lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 của Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM sáng 5-9)