GEN Z chọn việc: Đạt chuẩn tay nghề, không đủ đáp ứng ‘đầu ra’

Nhiều bạn trẻ chọn học nghề từ sớm, tham gia các lớp tuyển chọn của doanh nghiệp để có việc làm ngay khi tốt nghiệp – Ảnh: HÀ QUÂN

TS Phạm Xuân Khánh – hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội – cho rằng doanh nghiệp vẫn thiếu lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đã qua đào tạo. Trong đó, có doanh nghiệp phải thuê lao động nước ngoài, ảnh hưởng việc thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Với cả triệu lao động đang làm việc ở Bắc Ninh và các tỉnh lân cận, khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm từ chương trình hợp tác giữa trường với doanh nghiệp chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu.

Ông VŨ QUANG KHUÊ (hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh)

Giải bài toán việc làm cho sinh viên

TS Khánh cho biết nhà trường đang phối hợp cùng hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp tác, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp hoặc đào tạo lại cho người lao động. Nhà trường hưởng lợi về đội ngũ chuyên gia, nguồn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Còn doanh nghiệp chi trả chi phí đào tạo, sau 2 – 3 năm có được nhân sự chất lượng.

“Thị trường lao động đang cần nhiều nhân lực các lĩnh vực cơ khí, điện – điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế, thương mại điện tử…

Nhiều doanh nghiệp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức như Hanwha Aero Engines, Daikin, Samsung cần nguồn lao động chất lượng cao về chế tạo thiết bị cơ khí, điện – điện tử công nghiệp” – ông Khánh cho hay.

Còn ông Vũ Quang Khuê – hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh – cho biết trường đang có hai lớp trọng điểm, xây dựng modul học tập chuẩn của Đức cho nghề cắt gọt kim loại (cơ khí chính xác) và điện tử công nghiệp. Sinh viên sẽ học trong lớp 4.0 thông minh, xong modul nào có thể đi làm ngay thay vì phải hoàn thành cả quá trình như trước.

Tuy vậy, 50 sinh viên hai lớp này là con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Năm nay, khóa đầu tiên của lớp này tốt nghiệp với 100% có việc làm, mức thu nhập 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Nhà trường đã kết hợp với một số công ty cùng tuyển sinh, mở lớp đào tạo, thực tập tại công ty và ký hợp đồng (lương bậc 2) cho sinh viên. Trong đó vẫn dành nguồn nhân lực chất lượng cao nhất định cho các đơn vị như Samsung, Luxshare-ICT, Canon, Foxconn, LG. Tuy vậy, khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ đáp ứng phần rất nhỏ so với nhu cầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp thay đổi nhu cầu theo đơn hàng, yêu cầu của đối tác. Do đó, để giảm độ trễ của chương trình, nhà trường và nhà tuyển dụng thành lập hội đồng tư vấn nghề với hai cấp chiến lược (ban giám đốc – ban giám hiệu) và cấp triển khai (trưởng khoa – trưởng phòng kỹ thuật).

Đào tạo ngành mới, hướng tới tương lai

Cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, đa dạng ngành nghề, loại hình kinh doanh. Vì thế, các trường cũng không thể đào tạo, đáp ứng hết nhu cầu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Thầy Vũ Quang Khuê nói doanh nghiệp công nghệ, bán dẫn rất quan tâm đến ngành mới như thị giác robot, camera robot thông minh và đòi hỏi nhân sự chất lượng cao.

Ông cho rằng cần có chính sách đặc thù hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chẳng hạn về lương, hỗ trợ nhà ở xã hội, cử đi học nước ngoài, kể cả hỗ trợ doanh nghiệp liên quan tới công nghệ số, bán dẫn.

Cùng với đó, sinh viên rất cần được trang bị ngoại ngữ, kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng mềm, thúc đẩy tự học trên các nền tảng số. Từ thực tế hiện nay, có những yêu cầu như khả năng thuyết trình của ứng viên, giới thiệu dự án bằng ngoại ngữ mà nếu lao động trẻ thiếu tự tin, thiếu sáng tạo, kiến thức không chắc coi như “mất điểm”.

“Khi đi làm, các bạn có thể học lại các modul làm việc lưu trữ trên nền tảng đám mây mà không cần quay lại trường sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian của các bạn và cả công ty. Nhà trường có thể hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp khi yêu cầu công việc thay đổi” – ông Khuê nói.

Kết nối sinh viên với doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm

Trường cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP.HCM vừa khai mạc sự kiện Job Fair 2024. Đây là sự kiện tuyển dụng thường niên mang đến nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Năm nay, lần đầu tiên trường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM để gia tăng kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Ngày hội năm nay chọn chủ đề “Bứt phá để thành công” gồm có các hoạt động: phỏng vấn giả định, talk show, workshop dành riêng cho sinh viên từng ngành như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa… được kéo dài đến 26-7.

Đại diện doanh nghiệp tại talk show “CV ư...? Không gì phải xoắn” tư vấn về CV cho sinh viên sắp ra trường - Ảnh: VŨ THỦY

Đại diện doanh nghiệp tại talk show “CV ư…? Không gì phải xoắn” tư vấn về CV cho sinh viên sắp ra trường – Ảnh: VŨ THỦY

Ngay tại buổi khởi động, sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với đại diện gần 20 doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác với nhà trường. Trong đó, talk show đầu tiên với tên gọi “CV ư…? Không gì phải xoắn” có sự tham gia của các diễn giả là đại diện một số doanh nghiệp đã hướng dẫn, chia sẻ góc nhìn của nhà tuyển dụng về CV xin việc của ứng viên.

Ngày hội tuyển dụng chính sẽ diễn ra ngày 26-7 tại Trường cao đẳng FPT Polytechnic trong khu Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM). Dự kiến 50 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề có mặt tại ngày hội này mang đến nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên cùng tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp cũng như công việc phù hợp sau khi ra trường

Khuyến nghị chính sách đột phá, ưu tiên công nghệ cao

– Xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế đóng vai trò là trung tâm vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao. Các cơ sở này đào tạo sinh viên, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nghề cho lao động ở doanh nghiệp, ưu tiên về công nghệ bán dẫn, năng lượng thông minh, chế biến chế tạo…

– Thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, dự báo nhu cầu nhân lực, cơ cấu ngành nghề, giới tính, trình độ, kinh nghiệm, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tế.

– Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hướng dẫn, cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng nguồn thu, tái đầu tư, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước hướng đến việc tự chủ.

– Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo mới, xây dựng và ban hành chuẩn kiến thức, kỹ năng tương ứng trình độ đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp.

– Ban hành danh mục nghề nghiệp bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo, thu hút doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ mới, hợp tác công – tư trong đào tạo.

– Cho phép mô hình trường trong trường, bổ sung chức năng dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

– Có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề, tăng đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhất là nghề mới, công nghệ cao.

– Các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư dành cho đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động.

– Chú trọng cơ cấu giữa đại học và giáo dục nghề nghiệp. Các trường phải hướng tới các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

TS PHẠM XUÂN KHÁNH

(Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội)

GEN Z chọn việc: Tuyển dụng rộng mở, yêu cầu cao hơnGEN Z chọn việc: Tuyển dụng rộng mở, yêu cầu cao hơn

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện gia tăng ở cả nhóm lao động phổ thông lẫn nhóm trình độ đại học và trên đại học, tới hơn 50% trong ngành công nghiệp. Điều này cho thấy cơ hội việc làm của thanh niên cũng đa dạng lựa chọn hơn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *