Ngày 28-12, lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết trong 6 cơ sở ủ giá bằng chất cấm bị công an phát hiện có 1 cơ sở được chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng không kiểm tra khâu sản xuất giá
Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo, do ông Lâm Văn Đạo, 34 tuổi, ngụ Nam Định) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Giấy chứng nhận do chi cục đã nêu cấp cho cơ sở Lâm Đạo (trụ sở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) có hiệu lực ngày 22-4-2024 và có giá trị đến 22-4-2027, đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh.
Về việc cấp chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm” cho cơ sở ủ giá bằng chất cấm, lãnh đạo này nói doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký qua đơn vị. Sau đó chi cục chỉ thẩm tra về điều kiện cơ sở vật chất trong sơ chế và đóng gói để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Còn khâu sản xuất, theo lãnh đạo chi cục, đơn vị không kiểm tra được trừ khi thanh, kiểm tra đột xuất. Lý do chi cục không có thẩm quyền để biết cơ sở này có ngâm hóa chất cấm trong sản xuất giá hay không.
Để phát hiện sai phạm cần phải lấy mẫu giám định hoặc triển khai chuyên đề mới xác định được.
“Cơ sở này nhập nhèm khi bao bì có in số giấy chứng nhận do đơn vị cấp để bày bán rộng rãi. Trong khi từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói trách nhiệm của ngành nông nghiệp còn hàng hóa bán ra thị trường lại thuộc trách nhiệm kiểm tra của ngành y tế; khi sản phẩm bày bán ở cửa hàng, siêu thị trách nhiệm kiểm tra của ngành công thương”, lãnh đạo chi cục nói thêm.
Cũng theo vị này, việc hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất cấm nhưng chủ các cơ sở vẫn sử dụng để ủ giá đơn vị chỉ nắm qua báo chí. Tuy nhiên, với hóa chất ngành y tế mới đủ thẩm quyền để kiểm tra.
Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đắk Lắk cho biết sẽ phối hợp liên ngành để làm rõ, còn hiện tại chưa nhận được thông tin gì.
Kiểm tra vụ giá ngâm chất cấm “vì sức khỏe người dân”
Liên quan đến vấn đề này, Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk báo cáo vụ giá ủ hóa chất cấm có thể gây chết người.
Cục đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở vi phạm, các biện pháp xử lý, yêu cầu truy xuất triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay, báo cáo gửi trước ngày 30-12.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, trong quá trình sản xuất giá, các cơ sở dùng thêm hoạt chất 6- Benzylaminopurine (nước kẹo) pha trộn. Chất này là chất cấm, vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong.
4 chủ cơ sở ở Đắk Lắk dùng 400ml “nước kẹo” hòa với 1.000 lít nước giếng để sản xuất ra 2.000kg giá thành phẩm. Trong năm 2024, các cơ sở đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá có ngâm “nước kẹo”, tương đương 8 – 10 tấn/ngày.
Riêng cơ sở của ông Đạo bán cho Bách Hóa Xanh 350 – 400kg giá/ngày, trên nhãn mác ghi: “vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”… để lừa dối người tiêu dùng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh (Bách Hóa Xanh) xác nhận nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỉ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá từ tháng 3-2024 đến nay.
Sau khi có thông tin về việc một cơ sở sản xuất giá tại Đắk Lắk bị khởi tố, đơn vị đã cho kiểm tra, thu hồi, ngưng bán toàn bộ số giá do cơ sở Lâm Đạo (TP Buôn Ma Thuột) cung cấp.