Đây là sân chơi học tập lâu năm nhất ở TP.HCM, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh thành phố và các tỉnh thành phía Nam.
Sân chơi học tập đúng nghĩa
Những người sáng lập gọi Giải Lê Quý Đôn là một sân chơi học tập thay vì một cuộc thi.
Mỗi tuần các em sẽ giải đề thi trên báo do thầy cô Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM biên soạn. Câu hỏi trong đề bám sát chương trình học ở trường. Không chỉ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học, đề thi Giải Lê Quý Đôn còn gợi mở các em ứng dụng kiến thức đó vào cuộc sống, đúng với phương châm “học đi đôi với hành”.
Năm đầu tiên tổ chức giải trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM (1995 – 1996), có khoảng 35.000 bài dự thi gửi về. Mùa giải đầu tiên trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ (1999 – 2000) nhận được 17.000 bài.
Năm học gần nhất (2023 – 2024), có tổng cộng 1.148.266 bài dự thi với hơn 90.000 thí sinh đến từ 426 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành. Những con số này đã chứng minh sự phát triển và khả năng lan tỏa sâu rộng của Giải Lê Quý Đôn.
Mỗi năm, ban tổ chức chọn ra hơn 1.000 em đạt điểm cao để tranh tài trực tiếp ở vòng thi chung kết. Từ đó, ban giám khảo chấm chọn 117 em điểm cao nhất để trao giải.
Để Giải Lê Quý Đôn trở thành một sân chơi học tập đúng nghĩa, thầy cô Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cùng đội ngũ phóng viên khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ luôn nỗ lực đổi mới không ngừng. Mỗi ngày thi vòng chung kết giống như một ngày hội – một cơ hội để các em trải nghiệm những điều mới mẻ, độc đáo.
Có năm các em được tham gia làm thí nghiệm khoa học: dốc ngược chai mà quả bóng vẫn hít chặt không rơi, đứng lên quả trứng mà trứng vẫn không vỡ. Có năm các em được xem tiểu phẩm sân khấu phản ánh tình trạng bạo lực tuổi học trò ngay tại sân trường.
Thú vị không kém là “tiệc sách”. Các em được tự do lựa chọn cuốn sách mình yêu thích đang được bày trên “bàn tiệc” giữa sân trường, sau đó chia sẻ cảm nhận vào cuốn “Nhật ký đọc sách mini” do bản thân tự thiết kế.
Để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều thí sinh là trải nghiệm đi xe buýt mui trần ngắm trọn thành phố thân yêu. Các em được nghe thuyết trình, được đi qua từng cung đường và ngắm nhìn những địa điểm mà mình chưa bao giờ đặt chân đến.
Năm học 2022 – 2023, ở vòng thi chung kết, các em được chơi trò chơi dân gian, thưởng thức những món ăn vặt đường phố và tham quan con hẻm Sài Gòn. Tại đây, các em có cơ hội nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện. Những câu chuyện xúc động thời kháng chiến đã góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong lòng thế hệ trẻ.
Gần nhất, năm học 2023 – 2024, thí sinh thi vòng chung kết được vào Thảo cầm viên, đóng vai một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Độc đáo hơn, các bạn còn tự thiết kế bài thi thành một ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của riêng mình.
Thầy Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) chia sẻ những người tổ chức luôn hy vọng Giải Lê Quý Đôn phát triển theo hướng mới mẻ về hình thức và bổ ích về nội dung. Những gì các em tiếp cận phải gắn liền với đời sống thực tiễn, học đi đôi với hành. Những năm sắp tới, giải sẽ gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ cách ra đề đến cách tổ chức.
Bay cao từ Giải Lê Quý Đôn
Trải qua 3 thập niên, sân chơi Giải Lê Quý Đôn đã trở thành người bạn đồng hành thân thuộc của nhiều thế hệ học trò. Từ sân chơi này, các bạn đã trưởng thành, bay cao, bay xa để chinh phục ước mơ của mình.
Cô Huỳnh Thị Bình An (giáo viên Trường tiểu học Hanh Thông, quận Gò Vấp) là thí sinh tham gia Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM lần thứ 8 (năm học 2002 – 2003). Giờ cô An đã trở thành giáo viên, tiếp tục đồng hành cùng học trò trong quá trình tham gia giải.
Nhiều thí sinh khiến những người tổ chức Giải Lê Quý Đôn vừa tự hào, vừa hạnh phúc. Đạt được thành công nhất định trong cuộc sống, các bạn vẫn nhớ về ngôi nhà thân yêu mang tên Giải Lê Quý Đôn và nhiệt tình truyền lửa cho thế hệ đàn em.
Đàm Nguyễn Trọng Nhân đoạt Giải Lê Quý Đôn ba năm liền, trong đó có hai giải thủ khoa lớp 8 và lớp 9. Bạn là Công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2015, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của Đại học Monash (Úc). Hiện Nhân đang là kỹ sư tại Microsoft (Canada).
Chính Giải Lê Quý Đôn đã cho Nhân động lực bước ra vùng an toàn, tự tin hơn, bồi đắp nhiều kỹ năng hơn. Đã nhiều năm trôi qua, bạn vẫn còn giữ đầy đủ bốn bộ áo thụng, gấu bông và nhiều phần quà khác.
Theo Nhân, Giải Lê Quý Đôn có những cái hay, tác động trực tiếp đến việc học lâu dài của bạn. Thứ nhất, dù bám sát chương trình học nhưng đề thi Lê Quý Đôn vẫn có những câu nâng cao nhất định. Đây là cơ hội để bạn thử thách bản thân.
Thứ hai, ở vòng chung kết, Nhân gặp rất nhiều người bạn đến từ các trường trong thành phố và các tỉnh. Nhờ vậy mà bạn rèn được tâm lý vững vàng trước đám đông. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả những kỳ thi sau này của Nhân. Thứ ba, Giải Lê Quý Đôn rất dễ tham dự. Các bạn chỉ cần mua báo rồi giải đề thi như làm bài tập về nhà.
Giống Trọng Nhân, bạn Lê Nguyễn Nguyên Khôi xem Giải Lê Quý Đôn là bước đệm trưởng thành. Sau khi trở thành thủ khoa năm lớp 5, Khôi rủ em gái Anh Khuê cùng tham gia, hai anh em tuần nào cũng ngồi giải đề với sự động viên của ông ngoại.
Là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành toán ứng dụng và vật lý lý thuyết, mỗi ngày Khôi đều có những bài toán khác nhau để giải, giống như hồi xưa mỗi tuần bạn đều ngồi giải đề Lê Quý Đôn. Khôi nhận ra sự kiên trì, chịu khó của bản thân đã được nuôi dưỡng từ ngày đó.
Tương tự, việc ba năm liền đoạt Giải Lê Quý Đôn đã trở thành động lực thúc đẩy Ngô Lâm Quang Duy học tập chăm chỉ. Duy được tuyển thẳng vào khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM, tốt nghiệp bác sĩ y khoa loại giỏi, danh hiệu á khoa ngành y khoa, hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Và thật trùng hợp, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nơi Duy làm việc – bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – chính là thí sinh tham gia Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM năm đầu tiên.
Với học sinh, Giải Lê Quý Đôn là một sân chơi học tập lý thú, nơi các em thỏa sức tung hoành, tìm tòi điều hay, điều mới. Còn với thầy cô giáo, Giải Lê Quý Đôn là nơi thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo trong việc dạy học. Thông qua giải, thầy cô có thể đo lường mức độ tiếp thu của học sinh, từ đó hoàn chỉnh ý tưởng, sáng kiến giảng dạy của mình.
Giải Lê Quý Đôn bước vào năm thứ 30, đúng thời điểm tròn 50 năm thống nhất đất nước. Ban tổ chức sẽ tiếp tục đổi mới nội dung ra đề, bám sát và đi sâu vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, cũng như nâng cao năng lực và phẩm chất cho các em. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nội dung, hình thức thi cũng sẽ áp dụng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số chung của thành phố.
Ông NGUYỄN VĂN HIẾU (giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)
* Thầy Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, người sáng lập Giải Lê Quý Đôn):
Vừa vui chơi, vừa học tập rèn luyện
Là nhà giáo, chúng tôi luôn muốn đồng hành cùng thế hệ thanh thiếu nhi, giúp các em vừa vui chơi vừa học tập, rèn luyện. Nhìn vào số lượng bài dự thi qua mỗi năm, có thể thấy sự phối hợp giữa nhà giáo và nhà báo đã chạm đến con tim, suy nghĩ, cảm xúc của rất nhiều phụ huynh và học sinh. Đó là hạnh phúc!