PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên khoa môi trường Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sở hữu bốn bằng sáng chế về môi trường và dành nhiều tâm huyết truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Bên cạnh đó, những giải pháp và sáng chế của cô góp phần bảo vệ môi trường và mang lợi ích cho người dân.
Nghiên cứu vì cộng đồng
Năm 2012, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành khoa học sự sống và môi trường tại Đại học Tokushima (Nhật Bản), TS Xuân Thùy trở về Đà Nẵng và công tác tại khoa môi trường Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Cũng từ đây, giảng viên trẻ bắt đầu hành trình thắp lửa cho những sáng chế vì môi trường cùng sinh viên.
Kể về những sáng chế của mình cùng những học trò cộng sự, cô Thùy chia sẻ thiết bị lọc nước đa tầng là sáng chế mang dấu ấn nhất với cô.
Nhiều năm trước, nhận thấy nước sinh hoạt của gia đình mình bị cặn bẩn, cô Thùy đã dành nhiều thời gian khảo sát, đánh giá chất lượng bồn nước của hơn 500 hộ dân khác trên địa bàn TP Đà Nẵng. Từ đó, cô phát hiện hầu hết các bồn chứa nước của các hộ gia đình đều có lớp cặn bẩn ở đáy.
Cô Thùy nhanh chóng cùng sinh viên lập ra các nhóm nghiên cứu để tạo ra sản phẩm lọc nước đa tầng với mong muốn giúp các hộ dân sử dụng được nguồn nước sạch hơn.
Giải pháp của cô Thùy đưa ra là làm một dụng cụ để chứa các vật liệu như cát thạch anh, bông, than hoạt tính… để lọc nước. Thiết bị được phân thành nhiều ngăn riêng nên khá dễ dàng thay, rửa vật liệu lọc và tiết kiệm chi phí.
Qua nhiều lần thử nghiệm, thiết bị được chứng minh có thể lọc được cặn bẩn, tách các ion kim loại nặng, phù sa… cho nguồn nước sạch hơn, an toàn hơn tương đương với các thiết bị lọc nước trên thị trường nhưng chỉ với mức giá thành rất thấp – chỉ từ 500.000 đồng.
Sáng chế ra một sản phẩm đến được với cả những người dân còn khó khăn, người dân có thu nhập thấp là mục tiêu mà cô Thùy và các cộng sự của mình hướng đến.
Cùng với dự án mang tên “thiết bị lọc nước ngầm đa tầng”, cô Thùy cùng các nhóm nghiên cứu đã thành công với các dự án khác nhau ở cả ba lĩnh vực môi trường nước, đất và không khí.
Trong đó, nổi bật có ba công trình khác cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ, gồm phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic (Gama-PGM), thiết bị nuôi trùn quế đa tầng để xử lý chất thải nông nghiệp, thùng hóa vàng mã.
Thúc đẩy phong trào nghiên cứu trong sinh viên
Ngoài việc giảng dạy, cô Thùy là giảng viên dành nhiều tâm huyết cho các dự án nghiên cứu, sáng chế liên quan đến môi trường của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong nhiều năm qua. Đặc biệt cô sẵn sàng rút tiền túi “đầu tư” giai đoạn đầu cho sinh viên nghiên cứu.
“Việc lồng ghép đề tài nghiên cứu khoa học với các cuộc thi hay giải thưởng của các đơn vị để sinh viên có cơ hội nhận được giấy khen, tiền thưởng cũng là cách để các em cảm thấy được ghi nhận công sức và thêm động lực cho việc nghiên cứu”, cô Thùy nói.
Không để những sáng chế chỉ nằm im trên giấy, cô Thùy cùng các sinh viên của mình tìm cách đưa nghiên cứu về những vùng sâu vùng xa, nơi bà con đang gặp vấn đề về nguồn nước và kinh tế còn khó khăn.
Ban đầu là xử lý nước nhiễm mặn cho bà con ở huyện đảo Lý Sơn, tiếp đến là xử lý nước nhiễm phèn cho bà con xã đảo Tam Hải. Khi nghe Nguyễn Đức Trí (25 tuổi), cựu sinh viên Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng, kể về thực trạng nhiều hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn đang phải dùng nguồn nước nhiễm mặn, cô Thùy động viên học trò tìm đến để hỗ trợ bà con.
“Quy trình và phương pháp sinh viên đều đã được học ở trường. Khi ra đảo, tôi chỉ là người hướng dẫn các em phải làm sao tận dụng chính nguồn vật tư, vật liệu mà bà con đang có sẵn để giảm chi phí đến mức thấp nhất, để người dân dễ tiếp cận hơn phương án đưa ra”, cô Thùy nói.
Đời sống người dân được cải thiện
Ông Trần Anh Minh – một người dân huyện đảo Lý Sơn – cho biết nguồn nước bà con sử dụng trước nay ai cũng biết là bị nhiễm mặn nhưng vẫn chấp nhận sử dụng vì chưa có ai giúp họ xử lý vấn đề triệt để.
“Nước sau khi được nhóm của sinh viên Đức Trí xử lý đã giảm tình trạng nhiễm mặn đáng kể. Dự án xử lý nước này đã cải thiện đời sống của gia đình tôi rất nhiều. Trước đó, bà con phải chở các bình nước cồng kềnh và phải tốn một khoản chi phí khá cao. Trong khi sử dụng các bộ lọc thì chỉ cần ở nhà và chỉ bỏ ra chi phí bằng 1/4 trước đó”, ông Minh nói.