GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà khoa học, nhà giáo danh tiếng tại Việt Nam, người thầy có nhiều sáng kiến, đóng góp cho khoa học kỹ thuật và cho sự phát triển của TP.HCM.
Người thầy dạy học trò đam mê nghiên cứu khoa học
Thông tin từ đại diện gia đình GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, ông qua đời lúc 2h02 sáng 11-8, thượng thọ 88 tuổi.
Ông Chu Phạm Ngọc Sơn sinh năm 1936, tại Sài Gòn, nguyên quán tỉnh Hưng Yên.
Năm 1954, ông theo học tại Đại học Khoa học Sài Gòn (tiền thân Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay). Sau khi thi đỗ chứng chỉ lý hóa sinh PCB và chứng chỉ khoa học lý hóa và tự nhiên SPCN, năm 1955, ông phụ việc, làm nghiệm chế viên tại phòng hóa học của trường.
Năm 1957, ông tốt nghiệp cử nhân lý hóa, được giữ lại làm giảng nghiệm viên tại Đại học Khoa học Sài Gòn.
Năm 1958, ông tốt nghiệp cử nhân toán. Năm 1959, ông bảo vệ thành công luận văn cao học và được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Delaware, Mỹ.
Năm 1962, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành hóa lý hữu cơ.
Trở về nước, ông về lại Đại học Khoa học Sài Gòn làm giảng sư. Từ cuối năm 1962, ông bắt đầu đứng lớp giảng dạy hóa học và sau đó là một số môn học khác ở các năm tiếp theo. Ông cũng được mời giảng dạy ở nhiều trường khác.
Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam, tiếp tục công tác giảng dạy, là giảng viên của Trường đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM).
Năm 1981, ông Chu Phạm Ngọc Sơn được Nhà nước phong học hàm giáo sư hóa học.
Năm 1987, ông chuyển sang làm giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, kiêm chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM. Ông công tác tại đây đến khi nghỉ hưu vào năm 2001.
ThS Phùng Quán, trưởng phòng tổ chức – hành chính Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết GS Chu Phạm Ngọc Sơn là người thầy của nhiều nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm, hướng dẫn bao lớp sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở các trường đại học.
“Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn là một người luôn tâm huyết với ngành hóa, vị thuyền trưởng ưu tú của nhiều thế hệ sinh viên. Tuy đã hơn 80 tuổi nhưng thầy vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu của mình, đóng góp và phục vụ cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề nóng của xã hội về y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thầy Sơn chưa bao giờ rời chuyên môn, rời giảng dạy, dù được giao phụ trách quản lý Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, đảm nhiệm suốt 3 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, thầy vẫn dành thời gian đứng lớp, dạy cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, báo cáo ở các hội nghị về hóa học trong và ngoài nước. Thầy dạy học trò đam mê nghiên cứu khoa học”, ông Quán chia sẻ.
Cuộc sống của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn gắn chặt với phòng thí nghiệm
Nhiều thế hệ học trò của thầy Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết cuộc sống của ông mấy chục năm qua gắn rất chặt với phòng thí nghiệm, với đội ngũ khoa học trẻ ông đã dạy và sát cánh cùng họ trong nghiên cứu.
Ông sẵn sàng trao đổi, giải thích, sửa rất kỹ báo cáo khoa học, luận án, ngồi đọc đến 1-2 giờ khuya là chuyện bình thường để đến sáng kịp trao đổi lại với tác giả.
Những giáo trình ông giảng dạy ở Trường đại học Khoa học tự nhiên tuy mang tính cơ bản nhưng đầy “hơi thở” cuộc sống như vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính an toàn của thực phẩm, môi trường sống…
GS Sơn từng chia sẻ: “Cũng như các thầy cô ở các trường đại học và viện nghiên cứu, chúng tôi cũng phải cố gắng để không bị lỗi hẹn với các nhà khoa học thế giới, nhưng đối với tôi, điều quan tâm nhiều nhất là nhất định không được lỗi hẹn với dân tộc, với đất nước của mình. Và đó là điều tôi luôn luôn muốn tâm tình với học trò và với những thế hệ khoa học đàn em Việt Nam của hôm nay và ngày mai”.
Trong sự nghiệp, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã công bố hơn 200 báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, có 5 công trình được đưa vào sản xuất, xuất bản nhiều giáo trình, chuyên luận về hóa học đại cương và nhiệt động hóa học.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn cũng từng nhắn nhủ học trò: “Những điều tôi muốn gửi gắm đến các học trò của tôi và nếu được phép thì đến đội ngũ khoa học trẻ Việt Nam chỉ vỏn vẹn trong các cụm từ sau đây: trọng thầy, thương trò, đam mê nghiên cứu, giảng dạy, gắn bó với đất nước”.
Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn
Nghiên cứu cơ chế phản ứng hữu cơ; tổng hợp hữu cơ tinh vi; phương pháp phân tích vết.
1. Cơ chế phản ứng nhiệt phân các polyme
2. Ứng dụng của một số loại polyme trong các lĩnh vực chất tạo màng và chất kết dính
3. Cơ chế phản ứng hữu cơ và hóa lượng tử ứng dụng
4. Áp dụng các phương pháp phổ nghiệm hiện đại vào phân tích vết hữu cơ trong thực phẩm và môi trường
Ngoài những thành tựu xuất sắc ở giảng đường và phòng thí nghiệm, ông còn đóng góp rất đáng kể cho đất nước và TP.HCM trên cương vị đại biểu Quốc hội 3 khóa (8, 9, 10); phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Sau khi về hưu, ông vẫn tích cực hoạt động giảng dạy và xã hội với vai trò phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, phó chủ tịch Hội Khoa học phân tích lý – hóa – sinh Việt Nam, phó chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM…
Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và kỹ thuật, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận…