“Tết này cô giao cho em những bài tập như phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết; tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình; phụ gia đình bày hoa quả dâng cúng tổ tiên…”, Lê Hoàng Diệp Chi – học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Quận 7, TP.HCM chia sẻ.
Bài tập chỉ là một bức hình, một clip vài giây
Những bài tập đó học sinh chỉ cần gửi hình ảnh hoặc clip cho giáo viên hoặc chia sẻ lên link của lớp là được.
“Làm những bài tập này đơn giản lắm. Tết năm nào nhà em cũng có cả bộ sưu tập hình, clip, em chỉ cần gửi lên trên link padlet của lớp em, vậy là hoàn thành bài tập. Làm bài tập như thế này vừa vui, vừa… như không làm bài tập”, Diệp Chi vui vẻ kể thêm.
Những bài tập Tết như trên có ở nhiều trường học tại TP.HCM trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập và thời đại 4.0.
Đan Anh, học sinh lớp 4/1 – Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3, TP.HCM, cho hay lớp của em cũng được thầy giáo phát cho một tệp giấy gọi là “Nhật ký Ngày Tết”.
Tệp “Nhật ký ngày Tết” này đã in sẵn những câu hỏi và cả những hình ảnh ngộ nghĩnh… học sinh có thể hoàn thành bất cứ lúc nào bằng những câu trả lời đơn giản, vẽ, tô màu…
Bài tập làm trò chơi hứng thú
Nói về việc giao cho học sinh những bài tập Tết thú vị, cô Bùi Thanh Thảo – giáo viên chủ nhiệm lớp 4/1, Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Quận 7, TP.HCM – bộc bạch:
Dịp Tết là khoảng thời gian học sinh sum vầy với gia đình, người thân nên bài tập phải nhẹ nhàng, phù hợp thời đại, phù hợp với văn hóa ngày Tết. Nên nói là bài tập nhưng các em chỉ cần đánh dấu vào phiếu và gửi hình, clip ngắn cho giáo viên là đã xong.
“Khi những hoạt động trong gia đình trở thành bài tập, được cô chấm điểm sẽ khiến các em chú ý hơn, thể hiện thái độ, trách nhiệm trong gia đình. Các em ngấm hơn những ý nghĩa cao đẹp về văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.
Với mục đích như vậy, tôi biến những bài tập này thành trò chơi, thành trải nghiệm chụp hình của các em… Cứ như thế, học sinh không những thích mà phụ huynh cũng thích” – cô Thanh Thảo chia sẻ.
Tương tự, thầy Châu Hiền Đức – Tổ trưởng chuyên môn khối 4, Trường tiểu học Lương Định Của, Quận 3, TP.HCM – cho biết các bài tập dịp Tết mà thầy giao cho học sinh không phải là giao bài tập mà chính là các hoạt động vui chơi ngày Tết của các em.
“Chủ đề “Chào năm mới” là hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 2 của học sinh tiểu học, trong đó có ngày nghỉ Tết nên tôi đã tạo những hoạt động dạy học phù hợp với học sinh.
Các em có thể lựa chọn nhiều cách. Ví dụ, các em có thể vẽ, cũng có thể chụp hình dán vào đó để thành có cuốn sổ tay. Khi đến lớp đầu năm mới các em có thể khoe với bạn về cuốn sổ tay sắc màu với những trải nghiệm trong dịp Tết bên gia đình, người thân. Đây là hoạt động để tăng cường thêm ý nghĩa của ngày Tết đối với các em học sinh”, thầy Châu Hiền Đức nhấn mạnh.
Đi chợ Tết cũng… trở thành bài tập.
Đi chợ Tết với những câu hỏi như “hôm nay đi chợ Tết em mang theo bao nhiêu tiền? Em đã mua hết bao nhiêu tiền? Em còn lại bao nhiêu tiền?” đã vào bài tập trải nghiệm Tết này của học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Lương Định Của quận 3, TP.HCM.
Theo thầy Châu Hiền Đức, bài tập Tết này học sinh có thể chọn làm vì học sinh lớp 4 đang học phép cộng, trừ, nhân hoặc có thể chọn trò chơi tìm câu chữ liên quan đến Tết.