Xu hướng này thu hút sự chú ý khi bộ ảnh mặc kèm vân kiên – một loại áo choàng cổ để tránh bẩn vai áo và trang trí như một phục sức – với áo cử nhân trong lễ tri ân trưởng thành của bạn Nguyễn Thái Hương (lớp 12B2 Trường tiểu học – THCS – THPT Trương Vĩnh Ký, Đồng Nai) đăng trên một diễn đàn về Việt phục.
Lướt mạng, thấy clip phối vân kiên với áo cử nhân, Đặng Kim Ly (21 tuổi, Hà Nội) đã bị thu hút bởi sự độc đáo của nó.
Là người yêu thích Việt phục, Ly liền đặt thuê vân kiên và mũ hoa để phối với áo cử nhân cho ngày tốt nghiệp của mình tại Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội.
Diện bộ trang phục đặc biệt đến buổi lễ, Ly nhận thấy mọi người rất thích thú. Không chỉ bạn bè mà ngay một số giảng viên cũng dành nhiều lời khen cho sự kết hợp sáng tạo này.
Yêu thích văn hóa Việt, Ly cũng thường diện Việt phục dạo phố. Cô đã không ít lần giới thiệu những bộ trang phục đang mặc d nhiều người cũng không biết.
“Hy vọng những trào lưu này sẽ giúp cho Việt phục trở nên phổ biến hơn, vì cổ phục của nước ta đẹp chẳng kém gì các nước khác”, Ly hào hứng.
Cũng “đu trend”, Phạm Tùng Dương (22 tuổi, tân cử nhân ngành sư phạm lịch sử Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng tạo phối đồ kết hợp cả áo tấc, vân kiên với áo cử nhân.
Ban đầu Dương dự tính sử dụng vân kiên thời Hậu Lê phối với giao lĩnh. Song thấy giao lĩnh chưa quá phổ biến, bạn quyết định sử dụng vân kiên thời Nguyễn phối với áo tấc, để bộ lễ phục thêm phần đặc sắc. Tìm hiểu, nghiên cứu về cổ phục, Dương đã tự may áo tấc cho lễ tốt nghiệp của mình.
“Mình muốn văn hóa truyền thống của đất nước được quảng bá và ứng dụng rộng rãi hơn, thay vì sử dụng trang phục nước ngoài”, Dương lý giải cách phối đồ của mình.
Bà Lê Huyền Trang – người sáng lập tiệm phục sức Mộc Miên Thị (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chuyên sản xuất những món phụ kiện cho Việt phục – cho biết mức giá mua vân kiên và Việt phục hiện khá cao. Vì vậy, các bạn trẻ thường sẽ thuê để chụp hình hay mặc vào những ngày lễ quan trọng.
Trong đó, vân kiên được các bạn trẻ dùng hiện nay đa phần lấy cảm hứng từ vân kiên thời Nguyễn. “Nhiều loại được cách tân với nhiều kiểu dáng, hoa văn, màu sắc phù hợp hơn với trang phục tốt nghiệp cũng như sở thích từng người”, bà Trang nói.