Trong cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội hai tháng đầu năm 2024, Thủ tướng giao các bộ ngành phải có giải pháp để “giữ chân” các tập đoàn công nghệ lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Intel, Foxconn, Samsung… Tuổi Trẻ đã trao đổi và ghi nhận các ý kiến vì sao phải giữ chân các “ông lớn” này và các giải pháp cụ thể là gì.
Ông NGUYỄN VĂN TOÀN, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng cần sớm có giải pháp bù thuế tối thiểu toàn cầu cho nhà đầu tư và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn để không chỉ giữ chân mà còn thu hút thêm các tập đoàn công nghệ toàn cầu đến đầu tư.
Theo ông Toàn, chính các tập đoàn công nghệ toàn cầu sẽ giúp Việt Nam phát huy tối đa các lợi thế về nguồn nhân lực, tài nguyên đất hiếm để định hình ngành công nghiệp bán dẫn nội địa những năm tới.
Tính toán ngay việc bù thuế tối thiểu toàn cầu
* Thưa ông, ông có thể nói ngay về thuế tối thiểu toàn cầu…
– Trong bối cảnh Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1-2024, áp thuế 15% với các tập đoàn đa quốc gia có quy mô vốn trên 750 triệu euro thì việc giữ chân nhà đầu tư công nghệ lớn trở nên gấp gáp hơn.
Việc áp thuế 15% sẽ làm chúng ta mất lợi thuế về ưu đãi thuế lâu nay. Hiện Chính phủ đã giao các bộ ngành xây dựng cơ chế áp thuế đi kèm với cơ chế ưu đãi đầu tư để giữ chân nhà đầu tư.
Cái khó lớn nhất trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam là nội luật không kịp thay đổi khi để sửa một luật cần nhiều kỳ họp Quốc hội để thông qua.
Vì thế, Quốc hội đã ban hành một nghị quyết về việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu để có thể thích ứng kịp thời.
Việc cần lúc này là Chính phủ cần sớm có giải pháp để bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu cho các nhà đầu tư.
Bởi các nhà đầu tư FDI lớn ở Việt Nam hiện đang đóng thuế ở ngưỡng từ 7 – 10%/năm, nếu áp thuế 15% thì số thuế nhà đầu tư phải đóng thêm rất lớn. Nếu không đóng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thì nhà đầu tư vẫn phải đóng ở bản quốc. Vì thế, cần có giải pháp để bù đắp, hỗ trợ họ gắn bó.
Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư FDI có quy mô đầu tư lớn như hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ…
* Theo ông, việc giữ chân các tập đoàn công nghệ lớn sẽ mang lại lợi ích gì cho Việt Nam và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển thế nào?
– Các tập đoàn bán dẫn lớn có xu hướng mở rộng đầu tư ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác để giảm thiểu rủi ro (hiện tập trung ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản). Các nhà đầu tư bán dẫn lớn thấy Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để đầu tư lâu dài.
Thứ nhất là môi trường chính trị ổn định và có nguồn nhân lực dồi dào, có thể trở thành nhân lực chất lượng cao nếu được đào tạo cơ bản.
Thứ hai, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi có một nguồn năng lượng ổn định và sạch, Việt Nam đủ điều kiện để phát triển nguồn năng lượng này.
Thứ ba, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 42 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đây là lợi thế lớn nếu chúng ta có chính sách khai thác, tinh luyện tốt sẽ tạo nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành bán dẫn phát triển.
Thứ tư, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sản xuất bán dẫn mới của thế giới trong chiến lược Đài Loan+1, Hàn Quốc+1 của các tập đoàn bán dẫn đa quốc gia. Nhiều tập đoàn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua.
Việc giữ chân và thu hút thêm các tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam đầu tư sẽ được nhiều lợi ích khi họ mang theo nguồn vốn lớn, tạo nhiều việc làm ở phân khúc công nghệ cao, lương cao, chúng ta cũng thu được thuế và hội nhập nhanh hơn vào kinh tế toàn cầu.
Một lợi ích lâu dài khác là chính các tập đoàn công nghệ lớn sẽ giúp Việt Nam có được nguồn lao động có trình độ, kỹ năng cao trong quá trình vận hành các nhà máy tại Việt Nam. Các tập đoàn này cũng mang theo kỹ năng quản trị tốt đến Việt Nam, tạo lan tỏa, giúp các doanh nghiệp nội địa cải thiện quản trị.
* Với năng lực hiện tại, Việt Nam có thể tham gia các khâu nào của ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn toàn cầu?
– Nếu chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì có thể tham gia vào khâu cao nhất là thiết kế chip bán dẫn ở những công đoạn đơn giản.
Các tập đoàn như Viettel, FPT đã sản xuất được chip bán dẫn dân dụng phục vụ sản xuất tivi, tủ lạnh và đã xuất khẩu được ra nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khai thác, tinh luyện đất hiếm để cung cấp đầu vào cho sản xuất chip.
Tăng niềm tin với nhà đầu tư Mỹ, châu Âu
* Khi ưu đãi thuế không còn, lợi thế đất đai, lao động, điện giá rẻ cũng dần mất đi, chúng ta cần làm gì khác để giữ chân nhà đầu tư lớn?
– Giải pháp lâu dài là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng hơn. Khoản thuế tối thiểu toàn cầu thu được thời gian tới là nhiều ngàn tỉ đồng mỗi năm. Chúng ta sử dụng nguồn thuế này để lập quỹ hỗ trợ đầu tư.
Quỹ này có thể sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước đào tạo lao động, nâng cao công nghệ, hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước liên kết với các nhà đầu tư FDI.
Vấn đề là quy trình giải ngân quỹ này cần đơn giản, không vi phạm công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam. Đồng thời cần sử dụng quỹ này để thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh.
* Bên cạnh chuyện thuế thì ông cũng đã nhắc đến môi trường đầu tư. Vậy câu chuyện này thế nào, thưa ông?
– Có một thực tế là vốn FDI Mỹ đầu tư ra thế giới khoảng 200 – 300 tỉ USD, rất lớn, nhưng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 1 tỉ USD trong khi chúng ta thuộc nhóm nước dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI của khu vực. Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU đã ký thông qua 3-4 năm nay, nhưng Nghị viện châu Âu chưa thông qua.
Đây là dấu hỏi rất lớn. Nguyên nhân có thể do môi trường đầu tư Việt Nam còn những điểm chưa thực sự phù hợp với nhà đầu tư châu Âu, Mỹ có công nghệ nguồn, công nghệ cao, các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nước ta chưa làm họ yên tâm.
Khâu thực thi chính sách về đầu tư của các địa phương cũng cần làm tốt hơn, những chính sách trong thu hút đầu tư của trung ương tốt nhưng việc thực thi chính sách ở địa phương có sự khác biệt.
Vì thế, cùng một cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực như nhau nhưng có địa phương thành công, có địa phương chưa thành công trong thu hút đầu tư FDI. Sự chủ động của từng địa phương có tác động lớn đến quyết định của các nhà đầu tư FDI, đặc biệt là nhà đầu tư có vốn lớn và công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần triệt để chống tham nhũng vặt trong thực thi chính sách đầu tư để tăng niềm tin với các nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu.
Với các vướng mắc ở bên trên, Chính phủ cần có cơ chế đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư lớn, thông qua tổ công tác của Thủ tướng để giải quyết sớm vướng mắc của nhà đầu tư, từ đó tạo niềm tin để họ yên tâm gắn bó với Việt Nam.
* Giữ chân các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu đã khó nhưng việc tận dụng cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước sẽ khó hơn. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của Việt Nam và làm gì để hiện thực hóa?
– Cơ hội để chúng ta phát triển ngành bán dẫn lúc này là chưa từng có, nhưng vấn đề là làm thế nào để chớp được thời cơ lịch sử. Chính phủ đã rất nhạy bén và đang xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của nước ta.
Có hai vấn đề đặt ra với phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay. Đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, để khắc phục Chính phủ đang xây dựng đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Vấn đề thứ hai là phải đầu tư phát triển nguồn điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất chip. Trung bình một nhà máy sản xuất chip có quy mô vốn đầu tư từ 10 – 20 tỉ USD, mỗi nhà máy sản xuất chip này cần một nhà máy điện có quy mô 100MW để cung ứng điện cho sản xuất 24/24 giờ.
* Sự hiện diện của các “ông lớn” công nghệ toàn cầu có là “bệ đỡ” để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của ngành bán dẫn?
– Ngành bán dẫn của chúng ta đang ở giai đoạn sơ khai, nếu để doanh nghiệp Việt Nam tự phát triển sẽ không làm được vì mình đi sau họ rất xa.
Kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc cũng cho thấy phải có công nghệ nguồn từ Mỹ thì họ mới phát triển được ngành công nghiệp bán dẫn như hiện nay.
Chúng ta từng đầu tư nhiều nguồn lực nhà nước để đầu tư những quả đấm thép, giờ điều kiện đã tốt hơn, nguồn lực nhiều hơn nên cần dồn lực để đầu tư một nhà máy bán dẫn của Việt Nam để nắm bắt cơ hội trong ngành này.
Nhiều nhà đầu tư trong nước như Viettel, FPT, Vingroup đang định hướng hợp tác với các tập đoàn bán dẫn lớn toàn cầu để xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, nhân lực để bắt tay với các đối tác lớn toàn cầu trong sản xuất chip.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương:
3 giải pháp để thu hút và giữ chân nhà đầu tư lớn
Các nhà đầu tư FDI đến Việt Nam thường quan tâm đến ba lĩnh vực. Đầu tiên là hạ tầng và đất đai. Đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn. Nhà đầu tư đặt những yêu cầu về hạ tầng rất cao.
Do vậy giải pháp đối với lĩnh vực đất đai và hạ tầng là chúng ta tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn Luật Đất đai khi luật có hiệu lực.
Đây là điều không chỉ người dân mà cả các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư FDI mong chờ. Trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư.
Lĩnh vực thứ hai mà các nhà đầu tư FDI quan tâm và cần tập trung các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực. Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đề án phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn.
Trong đó có đào tạo 50.000 kỹ sư lĩnh vực thiết kế, sản xuất chip bán dẫn mà liên bộ Kế hoạch và Đầu tư – Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng. Các nhà đầu tư FDI quy mô lớn luôn đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực.
Chúng ta có lợi thế nguồn nhân lực hết sức dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng. Nhưng cái chúng ta cần tập trung lúc này là trình độ, kỹ năng của người lao động.
Lĩnh vực thứ ba mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và chúng ta tiếp tục tập trung thực hiện các đột phá về cải cách thể chế.
Thời gian qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác. Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
Việc quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam.
Ông Võ Xuân Hoài (phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia – NIC):
Muốn phát triển ngành bán dẫn Việt Nam phải hợp tác quốc tế
Đối với công nghiệp bán dẫn thì Việt Nam có điều kiện để phát triển, từ con người, hạ tầng, thể chế, chính sách ưu tiên phát triển.
Nhưng để phát triển được ngành công nghiệp bán dẫn, hướng tới 2030 – 2045 có thể làm chủ công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế, sản xuất, kiểm thử, đóng gói chip thì bắt buộc chúng ta phải hợp tác quốc tế.
Trong đó, việc thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đến Việt Nam là rất quan trọng, việc này đòi hỏi có sự tham gia tích cực và vai trò lớn của Chính phủ trong việc đưa ra cơ chế ưu đãi phù hợp.
Chính phủ cũng cần đóng vai trò kết nối giữa các tập đoàn FDI với doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận được công nghệ mới, công nghệ cao, dần dần làm chủ giống như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã làm.