Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai năm học mới 2024-2025 của Hà Nội diễn ra ngày 14-8, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định cùng với việc tiếp tục xây dựng “trường học hạnh phúc”, những hoạt động đã đem lại kết quả tích cực như “tiếng trống học bài” sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Năm 2016, tại xã Phú Châu, sau mỗi giờ ăn tối, tiếng trống báo vang lên và loa công cộng của xã phát đi thông tin “Đã đến giờ học tối, đề nghị phụ huynh giảm bớt hoạt động không cần thiết, tạo không gian yên tĩnh cho học sinh học bài”.
Khi nghe trống và loa báo, nhiều trẻ em đang chơi tự giác ngừng lại ngồi vào bàn học. Các bậc phụ huynh cũng giảm âm lượng tivi, giữ yên lặng cho con học.
Việc nhỏ nhưng hiệu quả thu nhận lại đáng mừng. Nhiều phụ huynh cho biết trước đây vất vả nhắc nhở, mắng mỏ nhưng con không chịu tự học tối. Nhưng từ khi nghe trống báo, không cần chờ bố mẹ nhắc con đã ngồi vào bàn học.
“Tiếng trống học bài” lan ra nhiều xã khác ở Ba Vì và một số nơi ở Hà Nội. Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết năm học 2024-2025 “tiếng trống học bài” sẽ triển khai như một trong các nhiệm vụ năm học, vì đây là cách rèn nề nếp tự học cho học sinh, góp phần nâng chất lượng giáo dục.
Trong buổi tổng kết năm học cũ, triển khai năm học mới của Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức trao tặng 70 chiếc trống cho các nhà văn hóa xã, trung tâm hoạt động cộng đồng, trường học để khích lệ việc thực hiện “tiếng trống học bài”.
Ủng hộ sáng kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường Marie Curie (Hà Nội), xin tài trợ hoàn toàn kinh phí mua trống và đặt thợ làng nghề Đọi Tam (Hà Nam) làm từ tháng 3-2024 để kịp trao trước năm học mới.
Ông Khang từng được biết đến với nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương khó khăn, học sinh khó khăn. Việc quyết định tuyển giáo viên tiếng Anh, để dạy trực tuyến cho học sinh lớp 3 học chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Mèo Vạc (nơi thiếu giáo viên) của thầy Khang giờ đã lan tỏa rộng khắp.
Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, Lâm Đồng cũng đang thực hiện việc hỗ trợ dạy trực tuyến tiếng Anh cho một số địa phương miền núi phía Bắc.