Theo quy định, các website có chức năng đặt hàng trực tuyến đều phải thực hiện các thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, nhiều trang web giả mạo cả tick (tích) xanh “đã thông báo” của cơ quan chức năng để đánh lừa người dùng.
Giả như thật đến 99,9%…
Thường xuyên lướt web và mua hàng trên các trang mạng xã hội, chị H. (ngụ quận Ba Đình, Hà Nội) vô tình bấm vào một đường link bán mỹ phẩm Kiehl’s được giới thiệu trên Facebook.
Nhìn thấy ảnh giao diện có tích xanh, cộng thêm website giới thiệu có hình ảnh “đã thông báo Bộ Công Thương”, chị tin tưởng đó là sản phẩm chính hãng nên không ngần ngại đặt mua một combo sản phẩm có giá hơn 2,7 triệu đồng cho ba sản phẩm với giá giảm tới 45%.
Khi nhận hàng, chị H. kiểm tra hàng với bao bì, mẫu mã giống tới 99,9% các sản phẩm hay sử dụng, nên đã chấp thuận thanh toán. Tuy nhiên, khi bắt đầu sử dụng sản phẩm, chị H. thấy chất lượng không giống như các loại mỹ phẩm Kiehl’s thường sử dụng.
Ví dụ, dòng sản phẩm serum loãng hơn chứ không đậm đặc, hộp kem bôi retinol có màu tương tự sản phẩm chính hãng nhưng mùi nồng, không thơm…
Nghi ngờ đây là sản phẩm giả, chị H. đã gửi thông tin tới báo Tuổi Trẻ để nhờ xác minh thêm. Từ manh mối này, phóng viên truy cập fanpage và website https://www.kiehl.com.vn/ để đặt mua sản phẩm.
Sau khi “book” một đơn hàng, một số điện thoại gọi đến để xác nhận và khẳng định sản phẩm được ship (vận chuyển) từ Trung tâm thương mại Lotte – nơi có gian hàng chính hãng của Kiehl’s, được hoàn trả nếu kiểm tra không ưng ý.
Tuy nhiên, có tình trạng “song sinh” cả fanpage và website, tồn tại cùng lúc hai trang tiếp thị online của hãng mỹ phẩm Kiehl’s “giống nhau đến 99%. Điểm khác là một website có đầy đủ tên thương hiệu mỹ phẩm (https://www.kiehls.com.vn) và một trang web thiếu chữ “S”.
Với fanpage, hình ảnh đại diện có ký hiệu tích xanh (chứng nhận fanpage chính thức) nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy tích xanh này được “lồng” vào ảnh giao diện.
Dù vậy, từ giao diện, nội dung giới thiệu sản phẩm, hình ảnh đến tên nhà cung cấp, chính sách bán hàng hay thậm chí là biểu tượng “Đã thông báo Bộ Công Thương” ở cuối trang web đều “giống như thật”.
Khi đến gian hàng của Kiehl’s ở Lotte trên đường Liễu Giai (Hà Nội), chúng tôi được nhân viên tại đây khẳng định không vận chuyển, bán hàng qua mạng hoặc bất cứ website có tên miền tương tự, đồng thời khẳng định các sản phẩm của thương hiệu này không có chính sách giảm giá tới 40 – 50% như người tiêu dùng phản ánh.
Dẹp web này, web khác lại mọc lên
Trong thực tế, nhiều người tiêu dùng từng phản ánh về việc mua phải hàng giả từ những website giả mạo. Các công ty cũng đã khuyến cáo, song cứ “dập” trang web này, web khác lại mọc lên.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương cho biết qua rà soát, website kiehl.com.vn chưa thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương, đồng thời khẳng định sẽ đưa vào danh sách vi phạm để xử lý.
Điều ngạc nhiên là cơ quan này chưa nhận được bất kỳ phản ánh hay khiếu nại của chủ thể quyền nhãn hiệu Kiehl’s hoặc phản ánh từ các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về sở hữu trí tuệ.
Sau khi tiếp nhận phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm tại website https://www.kiehl.com.vn/, Tổng cục Quản ly thị trường đã rà soát và ghi nhận các thông tin trên website kiehl.com.vn là giả mạo và không thể xác định địa chỉ của công ty sở hữu website.
Do đó, tổng cục đã yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ hosting (lưu trữ dữ liệu) cho website này phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn không cho người dùng từ Việt Nam truy cập, website kiehl.com.vn cũng bị đưa vào danh sách các website vi phạm do chưa thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. Ngay sau đó, website này không còn truy cập được.
Tuy nhiên, trên Facebook lại xuất hiện những trang fanpage giả mạo trang chính hãng, cùng trang website khác được dựng nên.
Tại thời điểm truy cập ngày 18-1, trang web https://www.kiehlsvietnam.online/ có giao diện, giới thiệu sản phẩm tương tự web chính hãng, có chức năng đặt hàng, thanh toán nhưng không có biểu tượng “Đã thông báo Bộ Công Thương”.
Đại diện truyền thông Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam – đơn vị quản lý, phân phối thương hiệu mỹ phẩm Kiehl’s tại Việt Nam – xác nhận có tình trạng các website, trang kinh doanh sản phẩm Kiehl’s giả mạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc xử lý các trang giả mạo và hàng giả tại Việt Nam chưa đạt kết quả không như kỳ vọng.
Hàng loạt thương hiệu bị làm giả tinh vi
Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới được rao bán trên nhiều website khác nhau với “thật giả lẫn lộn”. Đơn cử như thương hiệu mỹ phẩm Estée Lauder, từ trang Fanpage Estée Lauder Vietnam có tích xanh đã được xác thực, giới thiệu đến địa chỉ website là https://www.esteelauder.com.vn/, có chức năng đặt hàng và thanh toán.
Tuy nhiên, website này không có tích xanh “Đã thông báo Bộ Công Thương”. Tìm hiểu thêm cho thấy thương hiệu này có nhiều trang website khác nhau giới thiệu và bán sản phẩm. Bao gồm website https://www.storeesteelaudervn.store/ còn tự xác nhận là trang web chính hãng, có biểu tượng tích xanh “Đã thông báo Bộ Công Thương”. Website https://esteelaudercompanies.vn cũng có biểu tượng tích xanh “Đã thông báo”.
Tất cả các trang web này đều giới thiệu là Công ty TNHH ESTEE Lauder Việt Nam, có người đại diện là bà Trần Điệp Lam Giang, có địa chỉ tại quận 1, TP.HCM.
Ngoài ra, cũng có nhiều Facebook với hình ảnh tích xanh được thiết kế trong ảnh đại diện để “bẫy” người dùng. Chẳng hạn, thương hiệu Lancôme, từ một Facebook có ảnh đại diện được ghép tích xanh, đã giới thiệu website https://www.lancomevietnam.online/.
Website này có giao diện, hình ảnh, nội dung và các thông tin giới thiệu không khác nào “cặp song sinh” website có tên miền https://www.lancome.vn/, cũng đều có tích xanh “Đã thông báo Bộ Công Thương”.
Cả hai website này đều có thông tin công ty và người đại diện như nhau, song các hình ảnh, thông tin trên website https://www.lancomevietnam.online/ mờ và nhỏ hơn nhiều so với website https://www.lancome.vn/.
Không có tên trong danh sách vẫn có tích xanh
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để xác thực một website bán hàng, đặt hàng trực tuyến có đăng ký với Bộ Công Thương hay không, nên truy cập vào địa chỉ online.gov.vn, bởi theo quy định, các website phải công bố thông tin chính xác về thương nhân và tổ chức.
Cục sẽ kiểm tra thông tin trên website, nếu đúng với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các chính sách, quy định bán hàng mới duyệt. Nếu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cục sẽ yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai phạm.
Tuy nhiên, truy cập vào website quản lý của Bộ Công Thương là online.gov.vn, nhiều trang dù không nằm trong danh sách “Đã thông báo” nhưng vẫn để biểu tượng, tích xanh thông báo.
Đơn cử như trang https://www.storeesteelaudervn.store; trang www.lancomevietnam.online hay trang giới thiệu bán nhiều mỹ phẩm nổi tiếng như https://parisvietnam.vn/product-category/loreal-paris/…
Số lượng bị phát hiện chưa nhiều, việc xử lý gặp khó
Đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tình trạng các thương hiệu mỹ phẩm bị làm giả thương hiệu, nhãn hiệu, bán qua các nền tảng mạng xã hội xảy ra tràn lan. Trong đó, các đối tượng lập ra các website giả mạo website chính hãng hoặc bán qua các trang thương mại điện tử diễn ra ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
“Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động website bán hàng để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận cũng gặp không ít khó khăn, do việc kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản”, cơ quan này chia sẻ.