Đó là Thường trực UBND, UBND TP.HCM và Văn phòng UBND TP.HCM từ nay không tiếp nhận văn bản giấy của các đơn vị trực thuộc (trừ bốn loại hồ sơ văn bản được nêu tại công văn số 92/UBND-HCTC) và sẽ chuyển trả các hồ sơ điện tử không đúng thành phần theo quy định.
Trước đó vào ngày 25-6-2019, UBND TP.HCM cũng đã công bố triển khai hệ thống “Phòng họp không giấy” (eCabinet) và ứng dụng “Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh” do Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển.
Việc này nhằm mục đích chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng các phiên họp; tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc, quản lý, điều hành của UBND TP. TP dự kiến việc triển khai này sẽ giúp giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí cho việc họp hành.
Chính quyền số, chính quyền không giấy (paperless government) là xu thế thời đại của toàn cầu.
Điển hình là Dubai vào năm 2021 đã trở thành chính quyền đầu tiên trên thế giới 100% không dùng giấy.
Tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) này đã đạt được các mục tiêu của Chiến lược Dubai không giấy (Dubai Paperless Strategy) vốn được khởi động từ năm 2018 và gồm năm giai đoạn nối tiếp nhau.
Thái tử Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai vào năm 2021 cho biết việc đạt được chính quyền không giấy sau ba năm triển khai đã giúp Tiểu vương quốc này tiết kiệm được 350 triệu USD và 14 triệu giờ nhân lực.
Riêng TP.HCM đã xác định mục tiêu đến cuối năm 2025 tất cả các lĩnh vực hành chính công đều phải được thực hiện trên môi trường số.
Hành trình chính quyền số của TP.HCM giờ đây có nhiều thuận lợi hơn khi nhiều cơ quan cấp trung ương và các tỉnh thành khác đang tăng tốc triển khai chuyển đổi số.
Điều này giúp hệ thống chính quyền số của TP có thể liên thông với các hệ thống ngang và lên trung ương tốt hơn.
Đơn cử như việc cũng từ ngày 1-8-2024, khi thông tư 28/2024 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, theo quy định mới, người dân được lựa chọn kê khai đăng ký xe, bấm biển số trên ứng dụng VNeID, cổng dịch vụ công hoặc đến trực tiếp cơ quan công an.
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết trong ngày đầu triển khai đã có công dân thực hiện thành công, được cấp biển số tự động trên cổng dịch vụ công Bộ Công an; đồng thời nộp lệ phí đăng ký xe trực tuyến và đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Tất nhiên, với những đặc thù của mình, TP.HCM có nhiều lợi thế hơn nhiều địa phương khác trên hành trình xây dựng chính quyền số nói riêng và chuyển đổi số nói chung.
Các bài học của TP.HCM chắc chắn rất hữu ích cho các địa phương bạn. Và với vị thế đầu tàu trong nhiều lĩnh vực, TP.HCM luôn phải tiên phong khai phá con đường chuyển đổi số.
Đặc biệt trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), TP.HCM sẽ phải tăng cường ứng dụng AI trong chuyển đổi số. Nó sẽ giúp TP.HCM tăng hiệu suất trong công tác quản lý và điều hành, đồng thời vừa giúp nền công vụ tốt hơn vừa nâng cao cuộc sống của người dân.
Và người dân TP.HCM xứng đáng nằm trong số những người đầu tiên được trải nghiệm công dân số. Nhưng trước hết phải xuất phát từ nền tảng là bộ máy chính quyền của TP phải tiến nhanh hơn tới mô hình chính quyền số một cách toàn diện và thực chất.